Bảo trợ những tác phẩm mỹ thuật - Cần cơ chế và nhận thức

Báo cáo của Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam tại Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) lần thứ V (tháng 4/2019) nêu rõ: “Trong cơ chế thị trường, sau giai đoạn ngắn hưng thịnh của mỹ thuật đương đại (1990-1997), hầu như các tác phẩm mỹ thuật không có đầu ra.

Đầu ra cho các tác phẩm mỹ thuật vẫn còn bế tắc.

Mặc dù số lượng hội viên mỹ thuật của Hà Nam không nhiều, nhưng mỗi năm cũng cho ra đời hàng trăm tác phẩm chính thức được công bố, có mặt trong các triển lãm. Tuy nhiên, mỹ thuật Hà Nam vẫn đứng trước những khó khăn thách thức khi nghệ sỹ khó tìm được đầu ra cho tác phẩm, sự lãng phí chất xám thể hiện rõ khi nhiều tác phẩm đoạt giải, được Hội đồng nghệ thuật Trung ương đánh giá cao, bị “xếp một góc làm kỷ niệm” do chưa có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm bảo vệ, quảng bá và phổ biến tác phẩm trong đời sống văn hóa xã hội. Nhiều nghệ sỹ cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ nhận thức về văn học nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng còn hạn chế.

Giá trị giải thưởng cao nhất được trao cho tác phẩm mỹ thuật qua các triển lãm mỹ thuật và nhiếp ảnh do Hà Nam đăng cai tổ chức thường niên chưa bao giờ chạm mốc 10 triệu đồng/tác phẩm. Trừ Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Khuyến được tổ chức 5 năm một lần, số tiền thưởng cao nhất dành cho tác phẩm đoạt giải A trị giá hơn 20 triệu đồng. Cuộc sống của nghệ sỹ không hề thảnh thơi khi gánh nặng cơm, áo, gạo tiền chi phối. Việc đầu tư thời gian cho sáng tác cũng bị chia sẻ để làm việc khác kiếm tiền. “Chẳng có họa sỹ nào ở Hà Nam sống được bằng nghề vẽ tranh thực thụ!” – một họa sỹ có tuổi chia sẻ thực lòng. Dù có tài hay không thì họa sỹ vẫn làm nghề chơi chơi thôi chứ chưa thực sự coi đó là nghiệp.

Báo cáo của Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam tại Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) lần thứ V (tháng 4/2019) nêu rõ: “Trong cơ chế thị trường, sau giai đoạn ngắn hưng thịnh của mỹ thuật đương đại (1990-1997), hầu như các tác phẩm mỹ thuật không có đầu ra. Nhiều họa sỹ có vài chục đến vài trăm bức tranh nhưng không có chỗ treo, không bảo quản được”.  Vì thế, việc sáng tác đối với nhiều họa sỹ mang tính chất “mùa vụ”, không thường xuyên, liên tục.

Họa sỹ Lê Minh Sơn, Chủ tịch Hội VHNT Hà Nam cho rằng, đây không phải là tình trạng của riêng Hà Nam mà phổ biến trên toàn quốc. Chúng ta thực sự chưa có một thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp, bài bản. Hà Nam cũng thế, cả tỉnh không có một phòng tranh hay một nhà đầu tư thực sự nào trong lĩnh vực này. Họa sỹ Hà Nam mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy vẽ, có người theo đuổi đam mê, bám sát các cuộc triển lãm để tìm chỗ đứng cho tác phẩm của mình. Nhưng rồi, sau mỗi cuộc vui ấy, họa sỹ âm thầm mang tranh về nhà, may có người hỏi mua thì bán, không có thì xếp vào một chỗ. Một vài anh em có quan hệ thì có thể bán được tranh, nhưng cũng không nhiều, giá cũng không cao.

Theo chia sẻ, bản thân họa sỹ Lê Minh Sơn cũng rơi vào hoàn cảnh ấy. Anh chuyên về sơn mài, cả năm nếu chăm chú, chịu khó cũng sáng tác được vài bức, nhưng bán tranh này thật khó. Chất liệu sơn mài kén người chơi, không phải ai cũng am hiểu về loại tranh này, nếu biết tranh đã được giải, nghĩa là giá trị được thẩm định nhưng đề tài bức tranh có khi chẳng phù hợp với không gian treo hay gu sưu tập của họ…

Họa sỹ Đỗ Kích vốn nổi tiếng với những bức họa về đề tài chiến tranh cách mạng, có nhiều bức đoạt giải cao trong các triển lãm mỹ thuật toàn quốc, khu vực, chuyên ngành, nhưng ông vẫn khó bán tranh của mình. Họa sỹ chia sẻ: Cả đời sáng tác của tôi có duy nhất một bức bán được trên 100 triệu đồng cho Bảo tàng Đà Nẵng  những tác phẩm lớn khi đoạt giải được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Quân đội… Cái nhìn của xã hội đối với giá trị của những tác phẩm mỹ thuật hiện nay có nhiều. Thứ nhất, đa số người dân không hiểu hết mỹ thuật, và đương nhiên, không hiểu thì không có giá trị, không dùng. Thứ hai, những tác phẩm, công trình mỹ thuật có giá trị thực sự dù được công nhận bởi các nhà chuyên môn tầm cỡ, nhưng để đưa nó vào đời sống, là một phần của đời sống hiện thực rất khó, do nhu cầu người sử dụng.

Các họa sỹ tự thân vận động, tự tìm kiếm đầu ra cho đứa con tinh thần của mình, tự thay đổi sở trường sở đoản, vẽ theo nhu cầu thị trường để mong có thể bán được tranh mà sống. Năm ngoái, lần đầu tiên hai họa sỹ Lê Minh Sơn và Nguyễn Ngần tổ chức triển lãm tranh cá nhân tại Hà Nội, tạo sự đột biến trong tư duy nghề nghiệp của họa sỹ Hà Nam. Tranh đẹp, cả khách tây lẫn khách ta đến xem đông, nhưng rồi cả hai chỉ bán được một, hai bức phong cảnh, không đủ tiền chi phí cho triển lãm.

Họa sỹ trẻ Trần Phong nhìn nhận thẳng thắn chuyện này, anh cho rằng trong khi chúng ta chưa có một thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp thì cơ chế, chính sách bảo trợ cho tác phẩm mỹ thuật kể cả ở Trung ương và địa phương bị hạn chế. Nghị định của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật từ năm 2013 quy định rõ chính sách của Nhà nước về phát triển mỹ thuật, trong đó có “Bảo tồn và phát huy những giá trị của mỹ thuật truyền thống”; “Hỗ trợ, đặt hàng, sáng tác các tác phẩm mỹ thuật có giá trị nghệ thuật cao, tác động đến đời sống xã hội”; “tài trợ cho hoạt động”… Nhưng việc thực hiện cơ chế, chính sách của Nhà nước về mỹ thuật từ phía cơ quan quản lý ở Hà Nam chưa tương xứng.

Tỉnh Hà Nam có cả một bảo tàng lớn, xây dựng quy mô, nhưng không có nhu cầu trưng bày các tác phẩm mỹ thuật có giá trị của các họa sỹ địa phương. Trong những cuộc vận động sáng tác lớn, họa sỹ địa phương chưa được quan tâm đúng mức để khẳng định vị thế và năng lực của mình. Đấy là chưa dám đề cập đến chuyện thành lập các trung tâm mua bán, trao đổi tác phẩm nghệ thuật, chuyên nghiệp hóa ngành nghề. Nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ phổ biến tác phẩm trong đời sống như tổ chức các hoạt động trưng bày, thúc đẩy truyền thông…

Chỉ với tư cách là công chúng yêu mỹ thuật, không biết bao lần tham dự các triển lãm mỹ thuật, ngắm các tác phẩm đoạt giải của các họa sỹ Hà Nam, bản thân tôi tự hỏi ngày mai, khi triển lãm đóng cửa, những tác phẩm này sẽ lại nằm yên trong một góc riêng của mỗi họa sỹ sao? Chợt nhớ đến câu nói của họa sỹ Nguyễn Đức Hòa, người từng có những trải nghiệm quý tại các bảo tàng, triển lãm quốc tế: “Muốn có một thị trường mỹ thuật phát triển, phải có người có kiến thức, hiểu được mỹ thuật và yêu mỹ thuật, từ đó người ta mới mua tranh… Không chỉ người mua tranh cần kiến thức, mà lãnh đạo cũng phải cần”.

Chu Uyên

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy