“Nhật ký hòa bình” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Trưng bày chuyên đề “Nhật ký hòa bình” được Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức là câu chuyện về thời kỳ đấu tranh hào hùng của dân tộc Việt Nam (1954 -1975); lời cảm ơn từ trái tim đến bạn bè quốc tế, những người không phân biệt quốc tịch, màu da, sắc tộc đã đấu tranh vì hòa bình cho đất nước Việt Nam.

 

Ngày 2/7, tại Hà Nội, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày chuyên đề “Nhật ký hòa bình” nhân kỷ niệm 55 năm diễn ra Sự kiện Vịnh Bắc Bộ (5/8/1964 – 5/8/2019), 20 năm Thủ đô Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999 – 16/7/2019).

Các đại biểu tham quan trưng bày.

Trưng bày chuyên đề “Nhật ký hòa bình” là câu chuyện về thời kỳ đấu tranh hào hùng của dân tộc Việt Nam (1954 -1975); lời cảm ơn từ trái tim đến bạn bè quốc tế, những người không phân biệt quốc tịch, màu da, sắc tộc đã đấu tranh vì hòa bình cho đất nước Việt Nam. Qua ba nội dung chính là: Nấc thang cuộc chiến; Khát vọng hòa bình; và Thông điệp cho ngày mai, Ban Tổ chức muốn gửi tới thông điệp không bao giờ là muộn cho hòa bình: Hà Nội - Thành phố vì hòa bình; Việt Nam - điểm đến của sự hợp tác, hữu nghị và hòa bình.

Nếu như ở nội dung “Nấc thang cuộc chiến”, người xem nhìn lại nhiều hình ảnh khốc liệt về cuộc chiến tranh thì phần triển lãm “Khát vọng hòa bình”, một lần nữa khát vọng cháy bỏng và tinh thần yêu chuộng hòa bình của mỗi người dân Việt Nam được khắc họa rõ nét. Tinh thần ấy đã bùng cháy thành ngọn lửa, lan tỏa tới bạn bè khắp năm châu, tạo thành làn sóng phản chiến mạnh mẽ trên thế giới; đặc biệt ở ngay tại nước Mỹ, trong hàng ngũ binh lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam và cả những phi công sống trong Trại giam Hỏa Lò. Bất chấp sự đàn áp của chế độ cầm quyền tại miền Nam và những trận bom đánh phá dữ dội miền Bắc, tiếng nói phản đối chiến tranh vang lên khắp mọi miền Tổ quốc. Lớp lớp thanh niên, sinh viên đã tình nguyện xếp bút nghiên lên đường vào Nam chiến đấu. Những thanh xuân ấy ra đi, xông pha với ý chí “Dùng cái chết ngăn ngừa cái chết”. Cuộc chiến dù có khốc liệt cũng không thể dập tắt nụ cười rạng rỡ của những chiến sĩ trẻ trên đường hành quân ra mặt trận.

Những hình ảnh sinh động được trưng bày tại nội dung “Lửa Việt Nam trong lòng nước Mỹ”

Triển lãm cũng tái hiện sinh động, chân thực về làn sóng phản chiến, đặc biệt nội dung “Lửa Việt Nam trong lòng nước Mỹ” đã khắc họa sinh động về tình yêu hòa bình luôn âm ỉ cháy trong lòng nhân dân tiến bộ Mỹ. Những cuộc tự thiêu của công dân Mỹ như “Những bó đuốc sống” cháy lên để thắp sáng ngọn đuốc hòa bình. Sự ủng hộ liên tục, mạnh mẽ của nhân dân tiến bộ Mỹ được báo chí gọi là “Cuộc chiến tranh ở trong lòng nước Mỹ”. Hàng ngàn thanh niên đốt giấy gọi nhập ngũ, hàng trăm sĩ quan Mỹ bị bắt vì phản đối chiến tranh... Các khẩu hiệu “Mỹ hãy rời khỏi Việt Nam”, “Hãy dừng lại cuộc chiến tranh vô nghĩa”, “Con trai tôi đã chết một cách vô ích, đừng đi đánh nhau nữa, thà ngồi tù còn hơn” đã làm rung động những trái tim yêu hòa bình ở nước Mỹ ngày ấy, trở thành phong trào nhân dân chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ.

Với “Thông điệp cho ngày mai”, lần đầu tiên những hiện vật gắn bó với các nhân chứng lịch sử, các cá nhân, tổ chức phản chiến giúp đỡ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ được giới thiệu đến đông đảo công chúng như: Huy hiệu phụ nữ Mỹ đeo trong các cuộc mít tinh, biểu tình để phản đối cuộc chiến Mỹ tiến hành tại Việt Nam (1964 - 1973); thống kê thư của bà Cora Weiss - người đứng đầu phong trào Phụ nữ đấu tranh vì Hòa bình và các nhà hoạt động xã hội đã chuyển từ các phi công Mỹ ở các Trại giam miền Bắc đến gia đình và ngược lại; Giấy ra vào Sân bay Gia Lâm, ông Hoàng Văn Quấn, quản giáo Trại giam Hỏa Lò được Chính phủ Việt Nam cấp để sử dụng trong thời gian thực hiện công tác trao trả phi công Mỹ, năm 1973; Sưu tập báo phản chiến do binh sĩ Mỹ xuất bản và phát hành tại các doanh trại, tàu chiến Mỹ (1968 - 1972) do các tổ chức hòa bình tặng cán bộ quản giáo Trại giam Hỏa Lò; Báo The Veteran (Cựu chiến binh) số 2, tập 47 do các cựu chiến binh Mỹ chống chiến tranh Việt Nam quyên góp kinh phí để xuất bản tại New York, Hoa Kỳ mùa thu năm 2017...

Du khách quốc tế đến tham quan trưng bày

Tại buổi lễ, nhiều cá nhân đã trao tặng Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò ảnh, tư liệu, hiện vật để phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày. Công chúng cũng được gặp lại những vị khách từ nước Mỹ, đó là Hạ sĩ Lục quân Mỹ Robert P. Chenoweth (người có thời gian sống tại “Khách sạn Hilton - Hà Nội”) và con trai; Ông Thomas Eugene Wilber, con trai Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber (cựu phi công Mỹ bị giam tại Trại giam Hỏa Lò).

Trong khuôn khổ sự kiện, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã phối hợp với một số tổ chức và cá nhân trao tặng các các nạn nhân chất độc da cam Làng Hữu nghị Việt Nam (thôn An Trai, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) những phần quà ý nghĩa./.

Theo dangcongsan.vn

Duy Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy