Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam

Sáng ngày 22/12, tại trụ sở Chính phủ, Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức Hội nghị toàn quốc về Phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì và điều hành hội nghị. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương có liên quan; lãnh đạo các hội, hiệp hội, tổ chức đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, cùng các chuyên gia, nghệ sĩ hoạt động trong các chuyên ngành liên quan đến công nghiệp văn hóa và các đại biểu tại điểm cầu của  63 tỉnh, thành phố.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh Báo Điện tử Đảng cộng sản)

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Hội nghị tổ chức hôm nay là hội nghị đầu tiên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Chính phủ ban hành xác định 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa; đồng thời đề ra mục tiêu triển khai các lĩnh vực này đến năm 2030.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào một số nội dung chính: Đánh giá, phân tích kỹ lưỡng những kết quả đã đạt được; những tồn tại hạn chế trong phát triển công nghiệp văn hóa; đề xuất những giải pháp cụ thể, khả thi, đột phá. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các đại biểu cho ý kiến đề xuất Bộ VH,TT&DL ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, quy định phù hợp sau hội nghị

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam
Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng trình bày báo cáo tại hội nghị (ảnh chụp màn hình)

Sau bài phát biểu khai mạc hội nghị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã trình bày báo cáo đánh giá về kết quả triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; định hướng và giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới.

Đồng chí cho biết: Giai đoạn 2018-2022, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời chỉ đạo, phê duyệt các kế hoạch, đề án, quy hoạch liên quan đến phát triển 12 ngành công nghiệp văn hóa; bước đầu đã tạo cơ sở pháp lý, điều kiện cho đầu tư, phát triển một số ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế.

Nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa đã từng bước được nâng cao. Kết quả cho thấy, một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã đầu tư, nắm bắt cơ hội, triển khai hình thành các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hoá để kinh doanh, phát triển, mang lại những lợi ích nhất định về kinh tế, văn hóa, xã hội.

Công nghiệp văn hóa được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD). Giai đoạn 2018-2022, bình quân 5 năm tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa ước đạt 7,2%/năm; năm 2022 thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hoá.

Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm, năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn 2018-2022 tạo ra giá trị xuất siêu, năm 2022 xuất siêu ước đạt 41,9 tỷ USD.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.

Báo cáo cũng đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chiến lược.Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Điện ảnh phấn đấu doanh thu toàn ngành đạt 250 triệu USD. Nghệ thuật biểu diễn phấn đấu doanh thu toàn ngành đạt 31 triệu USD. Du lịch văn hoá: doanh thu chiếm 10% - 15% trong tổng số doanh thu từ hoạt động du lịch.

Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm: phấn đấu doanh thu đạt khoảng 125 triệu USD vào năm 2030. Xuất bản duy trì nhịp độ tăng trưởng về số lượng xuất bản phẩm, trong đó 20-30% là xuất bản phẩm điện tử; phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 700 triệu bản, tương đương 7 bản/người/năm…

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam
Các đại biểu dự tại điểm cầu Hà Nam.

Nhiệm vụ và giải pháp chung để đạt các mục tiêu được Bộ VH,TT&DL đề ra, gồm: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; thu hút và hỗ trợ đầu tư’ phát triển thị trường; mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế; bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.

Tại hội nghị, đã có 15 bao cáo tham luận của các hội, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, tỉnh, thành phố liên quan đến lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Các tham luận đều đánh giá, chia sẻ về kết quả phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo lĩnh vực được giao; chia sẻ những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong quản lý, đầu tư về các ngành công nghiệp văn hóa; nêu những rào cản, thách thức và đề xuất phương hướng, giải pháp và các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam
Các đại biểu dự tại điểm cầu Hà Nam.

Trên cơ sở kết quả hội nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu lên 6 quan điểm chỉ đạo, đó là: phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết chuyên đề của Đảng về văn hóa, Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021; phát triển công nghiệp văn hóa góp phần phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; công nghiệp văn hóa phải được tiếp cận bình đẳng như các ngành công nghiệp khác; phát triển công nghiệp văn hóa phải có trọng tâm, trọng điểm, có tính cạnh tranh cao; phát triển công nghiệp văn hóa phải gắn với quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch. 

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, các tỉnh, thành phố có các giải pháp và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy