Chùa Địa Tạng Phi Lai (thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm) nổi tiếng hút khách thời gian gần đây bởi vẻ đẹp tự nhiên, an lành, tĩnh tại. Trong không khí mùa xuân ấm áp, dòng người từ khắp mọi nơi về chùa mang theo nhiều cảm xúc. Đặc biệt, vào những ngày cuối tuần, hàng vạn khách về chùa để hòa mình vào không gian thanh tịnh, nguyên sơ của tự nhiên giữa núi đồi và đồng ruộng…
Bà Việt Dung cùng với 40 chị em đi từ Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đến chùa Địa Tạng Phi Lai vào 8h30 phút sáng. Đây là lần thứ hai bà Dung và các đồng nghiệp của mình đến thăm quan, lễ Phật ở chùa. Bà Dung phấn chấn: “Hôm nay là ngày mồng Một tháng Hai âm lịch, chúng tôi đi từ rất sớm để đến đây lễ chùa, thăm quan chiêm bái cảnh chùa. Mặc dù đã đi rồi, nhưng khung cảnh và con người nơi đây cuốn hút chúng tôi nên nhất định quay lại, và chắc chắn sẽ còn quay lại nhiều lần. Đây là một ngôi chùa cổ, đến đây trong tiết xuân mưa bụi, ấm áp thế này, tôi thực sự cảm thấy lòng mình thư thái. Tôi nghĩ, chuyến đi cho chúng tôi nhiều năng lượng để trở về với cuộc sống bận rộn, làm việc hiệu quả, lạc quan hơn.”
Những đoàn du khách, Phật tử khắp mọi miền đất nước về chùa trong trật tự. Xe ô tô để cách chùa khoảng hơn 2km, du khách di chuyển vào chùa bằng xe ôm hoặc đi bộ. Mỗi lượt xe ôm có giá 10.000 đồng. Anh Trần Quốc Trọng, du khách đến từ tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Thực sự tôi chưa từng thấy điểm du lịch nào các chi phí lại rẻ và ít như ở đây. Khu di tích không hề thu một đồng bắt buộc nào. Du khách vào chùa lễ Phật mang theo tấm lòng thành kính và nguyện ước của mình. Ai bỏ tiền đèn dầu hay cúng tiến nhà chùa bao nhiêu tùy tâm, đều được ban quản lý chùa ghi chép đầy đủ cả!
Theo Thiếu tá Phạm Chí Công, Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Thanh Liêm, để đảm bảo trật tự cho du khách đến thăm quan, chiêm bái cảnh chùa được an toàn, trật tự, lực lượng công an phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, ban quản lý di tích tổ chức phân luồng giao thông, lập các chốt an ninh ở các tuyến đường về chùa để hướng dẫn du khách, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Từ Tết nguyên đán Giáp Thìn đến nay, lượng khách du lịch ở khắp mọi nơi về chùa rất đông. Đặc biệt vào những ngày nghỉ, lượng khách lên tới cả vạn người mỗi ngày.
Mặc dù những con đường đến chùa không rộng lớn, du khách phải dừng xe từ xa, nhưng công tác điều phối giao thông khá tốt. Hàng nghìn xe ôm là những người dân địa phương, hoặc đến từ các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định sẵn sàng phục vụ du khách theo giá phù hợp là 10.000 đồng/lượt từ ngoài chỗ đỗ xe ô tô vào cổng chùa.
Ông Trịnh Quang Liêm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ: Tôi cho rằng đó là giá rất hợp lý. Chúng tôi đi qua một cánh đồng lúa vừa mới được cấy, bắt đầu lên xanh, cảm giác được trở về tuổi thơ. Chúng tôi thoát ly từ lâu, bây giờ có tuổi rồi, lại xa quê nên hòa mình vào không gian này thực sự cảm thấy cuộc sống quá êm ả!
Trong khu vực chùa Địa Tạng Phi Lai có 15 nhân viên bảo vệ được bố trí ở các điểm lên xuống để chỉ dẫn du khách và nhắc nhở những người dân đến chùa mà không giữ trật tự, gây ồn ào. Tuy nhiên, như đã thành nếp, du khách đến chùa nhìn nhau để hành xử với xung quanh. Không có cảnh chen lấn, xô đẩy. Mọi người nối nhau đi trong trật tự và rất hài lòng.
Ngày mồng Một tháng Hai năm Giáp Thìn, Tết Nguyên đán đã xa được 1 tháng, nhưng mùa xuân vẫn còn, vì thế những ngôi chùa đẹp như Địa Tạng Phi Lai, Chùa Cây Thị, chùa Phật Quang, chùa Ninh Tảo… ở Thanh Liêm vẫn cứ là điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Ông Lê Văn Phận, quê ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định cùng với gia đình đến chùa sáng nay (mồng Một tháng Hai) hoan hỉ: “Đến đây mới gọi là đi chùa! Tôi chỉ mong các ngôi chùa ở đất nước ta hãy quản lý và tổ chức hoạt động như thế này để nhân dân được bày tỏ lòng mình với đấng linh thiêng, trời đất; để thấy thêm yêu đất nước mình, dân tộc mình mà đoàn kết gắn bó với nhau.”
Chùa Địa Tạng nằm bên dãy núi Khe Non xanh thẳm – một dãy núi nhỏ phía Bắc của sông Đáy, tên gọi dân gian là chùa Đùng, thuộc thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm.
Theo truyền thuyết, chùa có từ đầu thế kỷ thứ X, từng là nơi sinh sống của vua Trần Nghệ Tông, là điểm đến cầu tự của vua Tự Đức. Chính tên chùa ngày nay là do vua Tự Đức đặt với ý nghĩa sâu xa chỉ ngôi chùa thời Bồ Tát Địa Tạng.
Theo Bảo tàng tỉnh Hà Nam, trên thực địa, dấu tích về ngôi chùa và các tháp thuộc về quá khứ đều không còn tồn tại, có chăng chỉ là những dấu tích về vật chất, tức là các di vật trải qua thời gian, bị thiên nhiên, mưa lũ cuốn trôi xuống các khe suối nhỏ, rồi tích tụ lại ở những vùng trũng thấp.
Năm 2015, Đại đức Thích Minh Quang đã về tiếp nhận tu tạp xây dựng chùa và đổi tên thành Địa Tạng Phi Lai, tức là mảnh đất này ngài Địa Tạng (một trong Tứ đại Bồ Tát là Quan Thế Âm Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát thuộc tín ngưỡng Phật giáo Đông Nam Á, dùng pháp lực và lòng từ bi của mình để cứu độ những người bị sa vào địa ngục) thường xuyên đến, được ngài bảo hộ.
Giang Nam