Độc đáo nhạc cụ hát trống quân Liêm Thuận

Nói đến trống, mọi người thường nghĩ đến những quả trống được làm bằng gỗ mít, mặt bưng bằng da trâu, nhưng trống để hát trống quân ở Liêm Thuận lại được làm bằng chum sành (hoặc vò, vại sành) - vật dụng gần gũi trong cuộc sống hàng ngày của người dân.

Chị Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm CLB hát trống quân Liêm Thuận biểu diễn cách đánh trống quân.

Ra đời khoảng nghìn năm trước, những làn điệu hát trống quân ở Liêm Thuận (Thanh Liêm) mượt mà, sâu lắng, chan chứa tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, tình yêu lao động... luôn gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt thường nhật của người dân nơi đây. Đặc biệt, nhạc cụ dùng để hát trống quân hết sức độc đáo, phù hợp với làn điệu, lời ca tự biên, tự diễn, mộc mạc, chân thành, giàu âm hưởng dân ca.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hát trống quân ở Liêm Thuận có hai hình thức, hát trên cạn và hát dưới thuyền.

Để làm được trống quân hát dưới thuyền trước tiên phải chuẩn bị thuyền. Ngoài thuyền, phải chuẩn bị: Dây thừng dài khoảng hai mét, một chiếc chum sành (hoặc vò, vại sành), một tấm gỗ mỏng (đậy kín được miệng chum, vò, vại), một thanh tre dài khoảng hai mươi đến ba mươi phân, hai thanh tre nhỏ, dài làm thanh gõ. Trước tiên, đặt chiếc chum sành vào giữa sạp thuyền, sau đó lấy tấm gỗ mỏng đậy lên miệng chum sành. Tiếp đến dựng thanh tre lên trên tấm gỗ mỏng làm trụ chống dây, kéo căng dây thừng buộc vào hai bên thang thuyền. Khi căng dây thừng phải bảo đảm một bên dài, một bên ngắn để tạo ra hai âm, một âm thấp, một âm cao (thình thì thình, thình thì thình...).

Đó là nhạc cụ hát trên thuyền, hát trên cạn không cần thuyền, cũng chẳng cần chum sành. Người dân đào một chiếc hố lòng to, miệng bé (giống như hình chiếc chum), sau đó đặt tấm gỗ mỏng lên trên miệng hố. Các bước còn lại làm giống trống quân hát trên thuyền, nhưng hai đầu dây buộc cố định xuống hai chiếc cọc vững chắc đóng vào lòng đất. T

rống hát trên cạn còn gọi là trống đất. Có hai hình thức nhưng người dân Liêm Thuận trước kia chủ yếu hát trống quân dưới thuyền bởi nó phù hợp với cảnh đồng nước mênh mang, phù hợp nghề chài lưới gắn với chiếc thuyền nan khuya sớm...

Trò chuyện với chúng tôi, chị Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm CLB hát trống quân Liêm Thuận chia sẻ: Từ xa xưa, người dân Liêm Thuận đã rất sáng tạo, biết sử dụng những vật dụng thân quen, bình dị, gần gũi, dễ tìm, dễ kiếm để làm thành nhạc cụ vô cùng độc đáo, phù hợp với lời ca, tiếng hát bình dị, chân thành nhưng chứa chan tình yêu cuộc sống. Ngày trước ở quê, nhà nào cũng có chum, vại sành để chứa nước ăn. Thừng, tre, thanh gỗ... đều là những vật dụng quen thuộc được sử dụng trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt hằng ngày. Nhạc cụ hát trống quân độc và lạ ở chính sự đơn giản, dễ làm, dễ sử dụng.   

Ông Nguyễn Đình Lâu người có công nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu hát trống quân xã Liêm Thuận chia sẻ: Trải qua những biến cố thăng trầm, có thời kỳ những làn điệu hát trống quân Liêm Thuận bị quên lãng, dần mai một và chỉ còn ít người biết đến. Những năm gần đây, việc bảo tồn điệu hát trống quân Liêm Thuận được cấp ủy, chính quyền địa phương và những người gắn bó, tâm huyết, yêu điệu hát trống quân quan tâm gìn giữ.

Không còn cảnh hát đối đáp trên những chiếc thuyền nan nhẹ nhàng trôi giữa đồng nước mênh mông sóng vỗ như xưa, hát trống quân giờ được các thành viên trong CLB hát trống quân Liêm Thuận biểu diễn trong những dịp lễ hội... phục vụ bà con trong làng, trong xã. Có đôi chút thay đổi cho phù hợp như, hát trên cạn nhưng người hát vẫn sử dụng chum sành làm nhạc cụ thay vì đào trống đất như xưa.

"Trống quân đã mắc lên dây/Áo dải làm chiếu khăn quây làm màn/Có sang thì đẩy sào sang/Trầu têm cánh phượng hai làng cùng say/Hát thời hát hết đêm nay/Ngày mai ta lại lấy ngày làm đêm...". Ra đời, gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt của người dân, hát trống quân là nét văn hóa đặc sắc, độc đáo thể hiện rõ sự sáng tạo, khát vọng vươn lên, tình yêu cuộc sống sâu sắc của người dân Liêm Thuận qua những câu hát đối đáp, qua âm thanh trống quân độc đáo, "thình thì thình, thình thì thình..." còn mãi vọng vang. 

Hiền Phạm

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy