Phát huy thế mạnh của các HTXDVNN trong phát triển kinh tế ở Bình Lục

Huyện Bình Lục được xác định là địa phương trọng điểm nông nghiệp của tỉnh. Các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) trong huyện được xác định đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị trên diện tích canh tác. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các dịch vụ, gồm cả dịch vụ thiết yếu và dịch vụ thỏa thuận được Bình Lục đặc biệt quan tâm. Đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã thay đổi căn bản theo hướng hàng hóa, tập trung, tạo sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ hoạt động hiệu quả của các HTXDVNN.

Tạo bước chuyển trong sản xuất nông nghiệp

HTXDVNN Hưng Đông (Hưng Công) là một trong những đơn vị đi đầu trong phát huy hiệu quả hoạt động dịch vụ. Hiện HTX đang thực hiện 5 khâu dịch vụ, gồm: 3 dịch vụ thiết yếu (thủy nông, khuyến nông, bảo vệ thực vật) và 2 dịch vụ thỏa thuận (cung ứng giống – vật tư nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm). Ông Trần Mạnh Dân, Giám đốc HTXDVNN Hưng Đông cho biết: HTX luôn coi trọng nâng cao chất lượng cả dịch vụ thiết yếu và dịch vụ thỏa thuận. Hai loại hình dịch vụ này có sự hỗ trợ, tương tác trong quá trình chuyển đổi sản xuất trên đồng ruộng theo hướng hàng hóa, tập trung.

Trong điều hành các dịch vụ thiết yếu, Hội đồng quản trị HTXDVNN Hưng Đông chú trọng làm tốt khâu dịch vụ thủy lợi, đây là xương sống để phát triển sản xuất. Hệ thống kênh mương trên từng cánh đồng được quy hoạch, bố trí phù hợp. Nhiều tuyến kênh được xây dựng mới đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu trong quá trình chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng. Hiện, toàn HTX có 60 tuyến kênh, nhiều gấp 2 lần so với hơn 10 năm trước. Hằng năm, HTX đều đầu tư đào đắp, nạo vét, giải tỏa trên hệ thống kênh mương với khối lượng bình quân 4.000m3 đất. HTX đã kiên cố hóa được 4 km kênh tưới trục chính cho vùng sản xuất lúa hàng hóa. Các dịch vụ khuyến nông và bảo vệ thực vật luôn bám sát quá trình sản xuất kịp thời hướng dẫn người dân về kỹ thuật chăm sóc lúa, cây trồng, dự tính, dự báo phòng trừ sâu, bệnh cho mùa vụ.

Phát huy thế mạnh của các HTXDVNN trong phát triển kinh tế ở Bình Lục
Cán bộ tổ dịch vụ của HTXDVNN Cát Lại (Bình Nghĩa) thao tác đóng túi mồi bả phục vụ diệt chuột theo hợp đồng với người dân trên địa bàn. Ảnh: Thành Nam

Những dịch vụ thỏa thuận được HTXDVNN Hưng Đông điều hành gắn kết với quá trình phát triển sản xuất. Thực hiện dịch vụ tiêu thụ sản phẩm, hàng vụ Hội đồng quản trị HTX đều ký hợp đồng với các doanh nghiệp về diện tích, loại thóc và sản lượng thu mua. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm mua thóc tươi ngay sau khi thu hoạch cho người dân. Hiện, có 2 doanh nghiệp (Công ty TNHH An Bình – Hà Nội và Công ty cổ phần lương thực Long Vũ – thị trấn Bình Mỹ) thường xuyên ký hợp đồng sản xuất và thu mua 140 ha lúa hàng hóa/năm tại HTX, chiếm gần 50% tổng diện tích gieo cấy; trong đó, riêng Công ty TNHH An Bình chuyên ký hợp đồng sản xuất dòng lúa chất lượng Japonica (Nhật Bản) cho giá trị cao hơn 1,2 – 1,3 lần lúa thường. Từ dịch vụ tiêu thụ sản phẩm, HTX làm dịch vụ cung ứng toàn bộ thóc giống và phân bón cho diện tích liên kết sản xuất với doanh nghiệp sản xuất bảo đảm chất lượng. Cũng theo ông Trần Mạnh Dân, việc tổ chức sản xuất lúa hàng hóa tập trung, liên kết với doanh nghiệp giúp nâng giá trị trên diện tích gieo cấy của HTX tăng từ 20 – 30% so với sản xuất nhỏ lẻ trước đây. Có được hợp đồng với doanh nghiệp tại HTX có 3 mô hình người dân tập trung ruộng đất sản xuất lúa hàng hóa có quy mô từ 10 – 15 ha/mô hình. HTX đang tiếp tục điều hành, nâng cao chất lượng các dịch vụ để duy trì và phát triển diện tích lúa hàng hóa liên kết sản xuất với doanh nghiệp trong những năm tiếp theo…

HTXDVNN Cát Lại (xã Bình Nghĩa) đang đảm nhận đến 11 khâu dịch vụ, trong đó có đến 7 dịch vụ thỏa thuận trải đều ở tất cả các công đoạn sản xuất, gồm: dịch vụ làm đất, máy cấy, máy gặt, cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm, diệt chuột và 2 dịch vụ khác (thu gom rác thải và quản lý nghĩa trang).

Cùng với HTX Hưng Đông, các HTXDVNN trên địa bàn huyện Bình Lục luôn quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động của các loại dịch vụ thiết yếu và dịch vụ thỏa thuận. Điển hình, HTXDVNN Cát Lại (xã Bình Nghĩa) đang đảm nhận đến 11 khâu dịch vụ, trong đó có đến 7 dịch vụ thỏa thuận trải đều ở tất cả các công đoạn sản xuất, gồm: dịch vụ làm đất, máy cấy, máy gặt, cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm, diệt chuột và 2 dịch vụ khác (thu gom rác thải và quản lý nghĩa trang). Khi các dịch vụ phục vụ sản xuất được HTX điều hành giúp bảo đảm về chất lượng, giá dịch vụ tốt nhất cho người dân. Với dịch vụ làm đất cho các vụ lúa được HTX tập hợp các chủ máy, phân vùng và thống nhất giá trên toàn địa bàn, như trong năm 2023 giá làm đất là 110 nghìn đồng/sào, thấp hơn so với mặt bằng chung của các địa phương khác gần 10%. Dịch vụ thu hoạch lúa được thực hiện với mức giá 90 nghìn đồng/sào, những nơi khác từ 100 – 110 nghìn đồng/sào.

HTXDVNN Cát Lại đang hướng đến thực hiện khép kín việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng bằng việc tổ chức thêm dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay điều khiển từ xa cho lúa trong những vụ tới. Hiệu quả hoạt động của HTX còn được thể hiện qua việc tổng thu các dịch vụ đạt 2,5 tỷ đồng/năm. Hằng ngày HTX đều có phát sinh thu – chi dịch vụ. Tất cả các dịch vụ của HTX đều được bảo đảm có lãi. Lương bình quân của cán bộ HTX đạt 4 triệu đồng/người/tháng; 100% cán bộ HTX được đóng bảo hiểm xã hội…

Những khó khăn

Toàn huyện Bình Lục hiện có 36 HTXDVNN hoạt động theo Luật HTX năm 2013. Qua đánh giá, có đến 90% số HTX hoạt động đạt hiệu quả khá và tốt. Có hơn 70% số HTXDVNN làm được các dịch vụ thỏa thuận phục vụ sản xuất, chủ yếu cho cây lúa, như: cung ứng giống, vật tư, bao tiêu sản phẩm… Trên địa bàn huyện có đến hơn 20 HTXDVNN thực hiện dịch vụ diệt chuột tập trung bằng hình thức tự đảm nhận và ký hợp đồng với đơn vị chuyên thực hiện dịch vụ.

Ông Đỗ Thế Trọng, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Bình Lục cho biết: Phần lớn các HTXDVNN trong huyện đều phát huy tốt hiệu quả hoạt động các khâu dịch vụ. Trên đồng ruộng của huyện hình thành những vùng sản xuất lúa, cây trồng hàng hóa tập trung giúp nâng cao giá trị. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều HTXDVNN trên địa bàn huyện hiện vẫn gặp phải những khó khăn nhất định. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm so với tiềm năng và lợi thế. Kết quả tổ chức thực hiện xây dựng các mô hình liên kết sản xuất lúa, rau, củ, quả hàng hóa, kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở một số địa phương còn hạn chế. Một số HTX chưa mạnh dạn áp dụng mở rộng mô hình mạ khay cấy máy. Kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo kế hoạch 1876 của UBND tỉnh, Kế hoạch 109 của UBND huyện tiến độ còn chậm so với Kế hoạch đề ra. Một số HTXDVNN chưa chủ động tổ chức được dịch vụ thỏa thuận cung ứng thóc giống, thuốc BVTV, vật tư nông nghiệp, liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho xã viên.

Phát huy thế mạnh của các HTXDVNN trong phát triển kinh tế ở Bình Lục
Thu hoạch lúa tại HTXDVNN An Bài (Đồng Du, Bình Lục). Ảnh: Kim Chi

Vốn hoạt động của các HTXDVNN chủ yếu có từ các nguồn: vốn tính bằng giá trị tài sản cố định được UBND xã giao, vốn góp của xã viên, vốn vay từ các tổ chức tín dụng... Hiện nay, có một số HTXDVNN còn khó khăn về trụ sở làm việc. Về tài sản cố định, các HTX khi chuyển đổi đa số được "thừa hưởng" những trang thiết bị cũ nát, hoạt động kém hiệu quả, thậm chí không hoạt động. Hệ thống kênh mương nhiều nơi xuống cấp, bị bồi lắng nhiều; máy móc, thiết bị đã cũ nát, thường xuyên phải đầu tư sửa chữa trong khi giá thiết bị và giá thuê nhân công cao, nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ hầu như không tăng. Thêm nữa, nguồn thu của nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp chủ yếu có từ việc trích tiền thu thuỷ lợi phí. Nhưng từ khi tỉnh có quyết định miễn thuỷ lợi phí cho nông dân nên nguồn thu của các HTX lại phải trông chờ vào tiền cấp bù của Nhà nước trong khi tiền cấp bù thường chậm hơn, nên thu nhập của HTX càng eo hẹp.

Nói như ông Trần Mạnh Dân, Giám đốc HTXDVNN Hưng Đông: Thủy lợi phí cấp bù hơn 10 năm không điều chỉnh trong khi đó tiền điện, tiền nhân công đều tăng. Nếu như trước đây nhân công chỉ vào khoảng 20.000 đồng/ngày thì nay đã tăng lên mấy trăm nghìn đồng/ngày nên khả năng đầu tư nâng cấp năng lực phục vụ của hệ thống thủy lợi của HTX rất hạn chế. Do vướng mắc về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên đến nay trụ sở HTX vốn trước đây là khu để xăng dầu của quân đội được xây dựng từ những năm 70, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng...

Toàn huyện Bình Lục hiện có 36 HTXDVNN hoạt động theo Luật HTX năm 2013. Qua đánh giá, có đến 90% số HTX hoạt động đạt hiệu quả khá và tốt. Có hơn 70% số HTXDVNN làm được các dịch vụ thỏa thuận phục vụ sản xuất, chủ yếu cho cây lúa, như: cung ứng giống, vật tư, bao tiêu sản phẩm… Trên địa bàn huyện có đến hơn 20 HTXDVNN thực hiện dịch vụ diệt chuột tập trung bằng hình thức tự đảm nhận và ký hợp đồng với đơn vị chuyên thực hiện dịch vụ.

Cùng với khó khăn do thiếu vốn, nguồn nhân lực đối với HTX cũng là một khó khăn khiến nhiều HTXDVNN không phát huy được thế mạnh. Trước đây, phần lớn đội ngũ cán bộ HTX đảm nhận nhiệm vụ do cấp uỷ địa phương giao. Do vậy họ làm việc chỉ với tính chất nhiệm vụ, chưa thực sự gắn bó với sự phát triển của HTX, một số cán bộ có năng lực sau một thời gian làm việc tại HTX lại được luân chuyển tới vị trí hoạt động khác trong cấp uỷ, chính quyền cơ sở. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận cán bộ lãnh đạo HTX đã quen với nếp tư duy bao cấp, trông chờ, ỷ lại vào cấp trên, thiếu chủ động, sáng tạo trong quản lý, điều hành, thiếu mạnh dạn trong việc mở rộng, đa dạng dịch vụ... Trong điều kiện các HTXDVNN đã không còn ưu thế trong một số dịch vụ truyền thống như dịch vụ điện, dịch vụ thuỷ lợi thì việc mở rộng, đa dạng hoá dịch vụ là nhu cầu bức thiết và là hướng đi tất yếu đối với sự phát triển của các HTXDVNN trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, bài toán về vốn và chất lượng nguồn nhân lực cần sớm được tháo gỡ. Có như vậy, các HTXDVNN mới tiếp tục tồn tại và phát triển cùng sự phát triển của kinh tế địa phương.

Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn?

Nói về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các HTXDVNN ở Bình Lục, ông Nguyễn Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Lục nhấn mạnh: Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các HTXDVNN tổ chức tổng kết sản xuất kinh doanh năm 2023, tổ chức kiểm kê đến 31/12/2023. Trên cơ sở đó, phòng chức năng sẽ có trách nhiệm tham mưu đề xuất các giải pháp tháo gỡ cụ thể đối với các HTX; đồng thời, hướng dẫn các xã xây dựng mô hình HTX ít thành viên, mô hình tổ hợp tác để nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. Toàn huyện phấn đấu thành lập mới từ 2 - 3 HTX ít thành viên...

Phát huy thế mạnh của các HTXDVNN trong phát triển kinh tế ở Bình Lục
Cánh đồng trồng bí liên kết sản xuất của HTXDVNN An Ninh (Bình Lục).
Ảnh: Nguyễn Mạnh

Cũng đề cập đến vấn đề này, ông Lê Quang Vọng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho rằng: Trước hết, các địa phương cần phải thẳng thắn nhìn nhận những điểm mạnh của kinh tế HTX và công nhận về vai trò của kinh tế HTX đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay. Điều này rất quan trọng, vì chỉ khi có  nhận thức đúng mới có định hướng và cách làm đúng. Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn, cần có mô hình phù hợp. Các địa phương cần mạnh dạn loại bỏ những HTX hoạt động không hiệu quả, trì trệ; khuyến khích các HTXDVNN mạnh dạn tiếp thu và phát triển cái mới phù hợp, hiệu quả. Phát triển mô hình HTX kiểu mới, ít thành viên thay thế cho HTXDVNN đã giải thể là giải pháp tốt trong lúc này. Tuy nhiên, tránh tình trạng “bình mới rượu cũ”, các HTX phải thành lập và hoạt động đúng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng; hoạt động đúng bản chất, góp vốn sản xuất kinh doanh, lời ăn, lỗ chịu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đây là vấn đề tất yếu, cốt lõi không thể xem nhẹ.

 Ông Lê Quang Vọng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho rằng: Trước hết, các địa phương cần phải thẳng thắn nhìn nhận những điểm mạnh của kinh tế HTX và công nhận về vai trò của kinh tế HTX đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay.

Cũng theo ông Vọng, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh cùng với việc tăng cường triển khai hiệu quả những giải pháp tháo gỡ khó khăn, sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Trong đó, duy trì tổ chức hội nghị kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố cụm Đồng bằng sông Hồng và các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm khác. Bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng, bản thân các HTXDVNN của Bình Lục nói riêng, của cả tỉnh nói chung cũng cần phải linh hoạt trong công tác điều hành các khâu dịch vụ. Mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng tới các sản phẩm có giá trị; phát huy tinh thần đoàn kết, hợp tác, thực sự là “điểm tựa” cho bà con nông dân từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.

Minh Thu - Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy