Những cán bộ, đảng viên đi đầu trong sản xuất nông nghiệp an toàn ở Bình Lục

Do nhiều nguyên nhân, như: Cơ cấu lao động ở nông thôn có sự chuyển dịch mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề khác cho thu nhập cao hơn; hiệu quả sản xuất lúa đạt thấp lại phải “đối mặt” với diễn biến bất thuận của thời tiết, dịch bệnh phức tạp…, nhiều nông dân không còn thiết tha với đồng ruộng. Tình trạng bỏ ruộng không cấy đã xuất hiện rải rác ở các địa phương. Được xác định là huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của tỉnh, những năm qua, một số cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Bình Lục nêu cao tinh thần gương mẫu, thực hiện tập trung ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, góp phần quan trọng khắc phục tình trạng bỏ ruộng, thực hiện sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Không để ruộng bỏ hoang

La Sơn là xã thuần nông, cốt đất nông nghiệp thuộc vùng trũng nhất huyện Bình Lục, thường xuyên gặp khó khăn trong khâu tiêu úng. Cánh đồng La, thôn Đồng Tập lại là vùng trũng nhất ở La Sơn. Do hiệu quả cấy lúa thấp; việc làm trong các công ty, doanh nghiệp cho thu nhập cao hơn, vì vậy, gần đây trên địa bàn xuất hiện tình trạng nông dân bỏ ruộng không cấy. Trước thực trạng trên, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, Chi bộ Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) xã La Sơn đã họp bàn, ra nghị quyết về việc tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện tích tụ ruộng đất, khắc phục tình trạng bỏ ruộng. Triển khai nghị quyết của chi bộ, xác định đây là việc mới, việc khó, cán bộ, đảng viên chi bộ HTX đã nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu trong thực hiện tích tụ ruộng đất.

Những cán bộ đảng viên đi đầu trong sản xuất nông nghiệp an toàn ở Bình Lục
Đồng chí Nguyễn Hữu Dực, Bí thư chi bộ, Giám đốc HTC DVNN La Sơn thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, áp dụng đúng quy kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ trên đồng ruộng.

Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Hữu Dực, Bí thư Chi bộ, Giám đốc HTXDVNN La Sơn cho biết: Hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp, một số hộ không còn thiết tha với đồng ruộng, sẵn sàng cho mượn ruộng… nhưng khi HTX đặt vấn đề thuê trong 5 năm, mỗi vụ trả 25/kg sào, nhiều người lại không đồng ý, do sợ mất đất, không muốn cho thuê lâu dài. Cán bộ, đảng viên HTX trực tiếp tham gia nhiều buổi họp dân, lắng nghe ý kiến, giải đáp băn khoăn, vướng mắc của nhân dân. Bằng sự kiên trì trong công tác tuyên truyền vận động, HTX đã thỏa thuận thuê lại 10ha đất của trên 30 hộ dân tại cánh đồng La, thôn Đồng Tập trong 5 năm, mỗi vụ trả 25kg/sào để sản xuất lúa hữu cơ tập trung (bắt đầu thực hiện từ vụ xuân 2021).

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã La Sơn nhận xét: Thời gian qua, cán bộ, đảng viên Chi bộ HTXDVNN La Sơn, đặc biệt là đồng chí Nguyễn Hữu Dực, Bí thư Chi bộ, Giám đốc HTX đã phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong thực hiện tích tụ ruộng đất, khắc phục tình trạng bỏ ruộng, nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích canh tác, nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở địa phương phát triển.

Rời La Sơn, chúng tôi về xã Vũ Bản tìm hiểu mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất lúa của anh Trần Văn Cương, đảng viên, Trưởng thôn 3. Qua tìm hiểu được biết, năm 2015, 2016, nắm bắt được tình trạng một số hộ dân bỏ ruộng không cấy ở cánh đồng Trắng, Trưởng thôn Trần Văn Cương mạnh dạn đứng lên thực hiện tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất. Để có diện tích gọn vùng, gọn thửa, anh Cương đã vận động thuê lại ruộng của 30 hộ, diện tích khoảng 8ha. Thuận lợi trong quá trình vận động đó là, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, HTX, nhiều hộ dân không còn thiết tha với đồng ruộng sẵn sàng cho thuê lại với giá 30kg thóc/sào/vụ. Một vài hộ vẫn còn nhu cầu sản xuất, anh Cương thỏa thuận đổi ruộng cho họ lên vùng sản xuất khác, thuận lợi hơn.

Những cán bộ đảng viên đi đầu trong sản xuất nông nghiệp an toàn ở Bình Lục
Đồng chí Trần Văn Cương (áo xanh) trưởng thôn ba thăm đồng chuẩn bị cho ngày thu hoạch.

Nói về quyết định thực hiện tích tụ ruộng đất, anh Trần Văn Cương chia sẻ: Gắn bó với đồng ruộng từ nhỏ, nhìn cảnh người dân bỏ ruộng tôi tiếc lắm. Sẵn phương tiện sản xuất trong tay, tôi quyết định đứng lên nhận tích tụ để phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình, đồng thời khắc phục tình trạng bỏ ruộng không cấy ở địa phương. Rút kinh nghiệm vụ đầu tiên gieo cấy không hiệu quả, từ vụ thứ hai anh Cương quy hoạch làm lại bờ vùng, bờ thửa, được HTX tạo điều kiện thuận lợi trong tưới tiêu, nhờ vậy, từ vụ thứ 2 diện tích tích tụ của anh Cương đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Hiện, ngoài diện tích tích tụ ở cánh đồng Trắng, anh Cương còn tích tụ được khoảng 4 ha của người dân không còn nhu cầu để phát triển sản xuất.

Đồng chí Nguyễn Hùng Mạnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận Thôn 3 (xã Vũ Bản) cho biết: Là thôn thuần nông, trước tình trạng người dân bỏ ruộng, chi bộ cũng hết sức trăn trở trong lãnh đạo, chỉ đạo để tìm giải pháp khắc phục. Những năm 2015, 2016, hệ thống kênh mương tiêu thoát nước, hệ thống đường ra đồng chưa được quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ như bây giờ. Phát huy vai trò gương mẫu của người đảng viên, lại là trưởng thôn đồng chí Trần Văn Cương đã mạnh dạn nhận nhiệm vụ. Ban đầu việc tích tụ ruộng đất để sản xuất ở vùng đất sâu trũng, hiệu quả kinh tế thấp, cũng khiến nhiều đảng viên lo lắng, không biết mô hình triển khai có thành công hay không. Nỗ lực vượt khó, đồng chí Trần Văn Cương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa khắc phục tình trạng bỏ ruộng, đồng thời nâng cao thu nhập cho gia đình.

Năm 2017, nhận thấy có tình trạng người dân lác đác bỏ ruộng trên cánh đồng thôn Ô Mễ, đồng chí Nguyễn Thành Giang, Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc HTX DVNN Liên An, Tràng An cùng đồng chí Vũ Anh Tuấn, Phó Giám đốc HTXDVNN Liên An đã đứng lên thực hiện tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất, khắc phục tình trạng ruộng bỏ hoang. Quá trình vận động, cũng có một số hộ không đồng ý, nhưng bằng sự kiên trì trong vận động và thuyết phục, cuối cùng hai đồng chí đã thỏa thuận thuê gọn vùng được khoảng 7ha, với giá 25kg/sào/vụ, trong 10 năm. Thời gian qua, mô hình tập trung ruộng đất đã phát huy hiệu quả, nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích canh tác.

Đồng chí Phạm Văn Lộc, Bí thư Đảng ủy xã Tràng An cho biết: Là xã thuần nông, sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Những năm qua, trên địa bàn xã đã thành lập được các HTX kiểu mới, các mô hình sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Mô hình tích tụ ruộng đất của hai đồng chí đảng viên chi bộ HTX Liên An góp phần khắc phục tình trạng bỏ ruộng, đồng thời phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của người đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Lục, tính đến tháng 10/2023 toàn huyện có 27 mô hình tích tụ ruộng đất thực hiện liên kết sản xuất với diện tích 466,65ha. Trong quá trình sản xuất, các mô hình đã phát huy hiệu quả, cho thu nhập cao hơn hẳn so với diện tích khi còn manh mún, nhỏ lẻ trước đây.

Phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp an toàn, hữu cơ

Không chỉ gương mẫu đi đầu trong tích tụ ruộng đất, khắc phục tình trạng bỏ ruộng không cấy, cán bộ, đảng viên huyện Bình Lục còn chủ động thực hiện đồng bộ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác. Đồng thời triển khai sản xuất theo hướng nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Những cán bộ đảng viên đi đầu trong sản xuất nông nghiệp an toàn ở Bình Lục
Đồng chí Nguyên Thành Giang, bí thư chi bộ, phó Giám đốc HTXDVNN Liên An, Tràng An vui niềm vui thu hoạch.

Sau khi thỏa thuận thuê được 10ha của các hộ nông dân không có nhu cầu sản xuất, HTXDVNN La Sơn, trong đó cán bộ, đảng viên là những người đi đầu bắt tay triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ từ vụ xuân 2021. Đồng chí Nguyễn Hữu Dực, Bí thư Chi bộ, Giám đốc HTX cho biết: Triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ, trong quá trình sản xuất, chúng tôi tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật: Không sử dụng phân hóa học; phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc được chế biến từ tỏi, gừng, ớt, không gây độc hại với người sử dụng và người tiêu dùng. Cùng với đó, HTX đưa cơ giới vào sản xuất ở tất cả các khâu. Lúa cấy trên diện tích đất tích tụ, HTX thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, đến vụ thu hoạch doanh nghiệp về thu mua ngay tại đầu bờ. Nhờ thực hiện sản xuất theo nguyên tắc “3 cùng” (cùng giống, cùng trà, cùng phương pháp canh tác) trên diện tích lớn, giảm chi phí ở các khâu, do vậy, năng suất, hiệu quả cao hơn hẳn so với trước (bởi sản xuất nhỏ lẻ, manh mún). Đặc biệt, mô hình sản xuất theo quy trình hữu cơ đem lại nhiều lợi ích thiết thực: Cân bằng hệ sinh thái môi trường đồng ruộng, bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất, chất lượng lúa gạo ngon, an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng… 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã La Sơn nhận xét: Mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất lúa hữu cơ của HTX La Sơn tạo bước đột phá trên đồng ruộng, góp phần tích cực trong thực hiện hiệu quả tiêu chí tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở địa phương. Mô hình không chỉ khắc phục tình trạng bỏ ruộng, nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX mà còn góp phần thay đổi suy nghĩ, tập quán canh tác nhỏ lẻ, truyền thống của nông dân, hướng đến sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao, sản phẩm làm ra bảo đảm chất lượng an toàn.  

Còn với anh Trần Văn Cương, đảng viên, Trưởng thôn 3, xã Vũ Bản: Chỉ có đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất mới nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng. Vì vậy, trên diện tích tích tụ, khâu gieo cấy anh thực hiện gieo sạ, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái, thu hoạch bằng máy. Mô hình thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; đồng thời, triển khai áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất. Hiện, mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất 2 vụ lúa của anh Cương đang hoàn thiện các bước theo quy định để được chứng nhận VietGAP. Anh Cương chia sẻ: Sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Làm theo tiêu chuẩn VietGAP góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, giúp giảm chi phí, tăng năng suất, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng, an toàn.

Chủ động thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trước hết là để phục vụ diện tích sản xuất của gia đình, sau là phục vụ người dân có nhu cầu, đồng chí Nguyễn Thành Giang, Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc HTXDVNN Liên An cùng đồng chí Vũ Anh Tuấn, Phó Giám đốc HTXDVNN Liên An (xã Tràng An) đã mạnh dạn mua 2 máy cấy Kubota ngồi lái và giàn gieo hạt tự động đưa vào sản xuất. Hiện nay, 100% diện tích sản xuất theo mô hình tập trung của HTX Liên An được áp dụng đồng bộ cơ giới hóa, từ làm đất, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch. Mô hình tích tụ sản xuất lúa tập trung của đồng chí Giang và đồng chí Tuấn đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, được cấp mã vùng trồng, có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

Những cán bộ đảng viên đi đầu trong sản xuất nông nghiệp an toàn ở Bình Lục
Gặt máy trên diện tích tích tụ, sản xuất lúa theo quy trình VietGAP của đồng chí Giang và đồng chí Tuấn ở Tràng An. Ảnh: Phạm Hiền

Ông Trương Văn Giang, Giám đốc HTXDVNN Liên An cho biết: Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, thời gian qua, đồng chí Giang và đồng chí Tuấn đã đứng lên đảm nhận thực hiện mô hình sản xuất tập trung góp phần khắc phục tình trạng bỏ ruộng, nâng cao thu nhập cho gia đình; người dân không có nhu cầu sản xuất cho thuê lại ruộng cũng có thêm thu nhập. Mô hình đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP mở ra hướng phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững ở địa phương. 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bình Lục nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, trọng tâm là thực hiện hiệu quả chủ trương tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất nông sản sạch; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa theo quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi. Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa, tạo động lực phát triển thương mại, dịch vụ, đô thị” – là một trong ba nhiệm vụ đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện nghị quyết đại hội, thời gian qua, nhiều cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Bình Lục đã phát huy tinh thần gương mẫu, đi đầu trong thực hiện tập trung tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới vào đồng ruộng, thực hiện sản xuất theo hướng nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, có liên kết sản xuất với doanh nghiệp, đem lại giá trị kinh tế cao trên đơn vị diện tích canh tác.

Đồng chí Lê Xuân Huy, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bình Lục cho biết: Trong công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, tập trung ruộng đất hình thành những vùng sản xuất lớn; sản xuất theo hướng nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ... là giải pháp quan trọng nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Thành công từ những mô hình tích tụ tập trung ruộng đất, đưa cơ giới vào đồng ruộng, liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo hướng nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ còn giải được bài toán một bộ phận nông dân không thiết tha với đồng ruộng hiện nay; khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp, mở ra hướng phát triển bền vững, phù hợp với xu thế chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, nông nghiệp hiện nay.

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy