Bình Lục đẩy mạnh phát triển kinh tế

Trong giai đoạn 2020-2025, huyện Bình Lục phấn đấu: giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 2,7%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 18,2%/năm; tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 10%/năm; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đến năm 2025 đạt 79 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2025 giảm 50% so với năm 2020. Để đạt được mục tiêu trên, những năm qua, huyện Bình Lục phát huy tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của địa phương để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ.

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế đã đề ra, huyện Bình Lục chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, Huyện ủy, các đề án phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao; nhân rộng các mô hình, đề án sản xuất có hiệu quả. Trong sản xuất nông nghiệp, huyện kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, kết hợp sinh thái trải nghiệm ứng dụng công nghệ cao tại xã Đồng Du và thị trấn Bình Mỹ; đồng thời  tổ chức xây dựng các cánh đồng mẫu lớn áp dụng theo hình thức sản xuất cùng giống, cùng trà.

Bình Lục đẩy mạnh phát triển kinh tế
Thu hoạch tôm càng xanh tại HTX chăn nuôi Bình Thành (xã Tiêu Động – Bình Lục).
Ảnh: Tiến Đoàn

Nhờ đó, đến thời điểm này, huyện Bình Lục đã xây dựng được hơn 60 mô hình tích tụ ruộng đất, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản với tổng diện tích trên 500 ha tại các xã, thị trấn; trong đó, có nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế khá như: Mô hình nuôi ốc nhồi tại xã An Lão; mô hình trồng ngô sinh khối tại xã Bình Nghĩa; mô hình chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản chất lượng cao tập trung tại xã An Đổ, Vũ Bản, Đồn Xá; mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ Nano Canxi-Silic trên cây lúa vụ mùa tại xã Tiêu Động, Vũ Bản. Thực hiện đề án xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2025, huyện Bình Lục đã thu hút được 3 doanh nghiệp đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Đồng Du, thị trấn Bình Mỹ với quy mô lớn. Nhiều xã sau khi xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. 

Ông Phạm Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Bình Nghĩa cho biết: Vùng đất bãi ven sông Châu trên địa bàn có nhiều ưu điểm như trồng được các loại rau màu có giá trị kinh tế cao, trồng hoa cây cảnh, trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, nhiều năm trước đây vùng đất bãi ở địa phương gặp khó khăn về hệ thống tưới tiêu, đường giao thông chưa được đầu tư nâng cấp ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của bà con. Khi được quy hoạch để sản xuất nông sản có giá trị kinh tế cao, Nhà nước đã đầu tư kinh phí làm đường giao thông bê tông, xây dựng hệ thống trạm bơm, kênh mương… hỗ trợ cho bà con phát triển sản xuất. Đồng thời, xã đã vận động tuyên truyền khoảng hơn 100 hộ dân có đất, chuyển đổi trồng các loại cây màu, trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả… có giá trị kinh tế cao, có hộ một năm thu lãi hàng trăm triệu đồng. Đối với vùng đất nội đồng, HTXDVNN Cát Lại đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực là lúa Bắc thơm số 7 có diện tích hơn 80 ha, với Công ty TNHH Long Vũ. Sản lượng thu mua qua hợp đồng liên kết khoảng hơn 360 tấn/vụ, chiếm 35% tổng sản lượng lương thực của xã, đem lại thu nhập cao cho người dân.

Đối với lĩnh vực phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Huyện ủy Bình Lục đã có Nghị quyết chuyên đề, UBND huyện triển khai cụ thể hóa thành hành động để nhân ra diện rộng. Mục đích của huyện là nâng cao đời sống của người dân, giảm lao động làm nông nghiệp song vẫn nâng cao được giá trị sản xuất; thu hút lao động ở địa phương đi làm xa về làm việc cho các doanh nghiệp. Đến thời điểm này, ở Bình Lục đã có khoảng hơn 40 nghìn lao động làm việc ở lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và dịch vụ thương mại, trong đó riêng lao động làm việc ở các xưởng may và một số cơ sở sản xuất tập trung chiếm khoảng 4.000 - 5.000 người. Trong phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại huyện còn tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp; xây dựng, cải tạo, nâng cấp các chợ nông thôn, chợ đầu mối mua bán lợn… tạo mạng lưới kết nối giao thương với các trung tâm thương mại để tiêu thụ hàng hóa cho bà con; tăng cường xúc tiến, quảng bá các điểm du lịch gắn với làng nghề truyền thống, các khu nông nghiệp phục vụ du lịch trải nghiệm. Huyện Bình Lục phấn đấu đến năm 2025, lĩnh vực thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng 36,2% trong cơ cấu kinh tế toàn huyện.

Trong thời gian tới, huyện Bình Lục tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng đưa các loại cây màu, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao vào gieo trồng ở vùng đất bãi; duy trì và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, rau, củ, quả sạch, cây dược liệu, cây có múi. Về lĩnh vực chăn nuôi, huyện tập trung phát triển đàn bò thịt, bò sinh sản; khôi phục lại đàn lợn; phát triển đàn gia cầm; nuôi cá nước ngọt. Đối với lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, huyện tập trung thu hút các doanh nghiệp vào địa bàn hoạt động, nhằm nâng cao nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Bình Lục phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025 đã đề ra.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy