Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Văn Lý

Nói đến xã Văn Lý (Lý Nhân) ngoài những sản vật nổi tiếng như: quýt cơm, hồng xiêm, hồng không hạt, còn phải kể đến một nghề truyền thống đã có từ rất lâu đời. Đó là nghề trồng dâu nuôi tằm.

Theo các cụ cao niên trong xã kể, vào những năm 60 của thế kỷ XX, nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Văn Lý phát triển đến cực thịnh, nên khắp nơi đều đổ về đây để mua sợi.


Một ruộng dâu còn được duy trì ở Văn Lý, (Lý Nhân)

Tuy nhiên, hiện nay nghề trồng dâu nuôi tằm nơi đây chỉ còn lại hơn chục hộ duy trì. Mỗi cây dâu từ lúc trồng cho đến khi được thu lá phải mất gần hai năm với khá nhiều công chăm bón.




Để bảo đảm nguồn thức ăn cho tằm, người dân phải rất kỹ lưỡng khi hái dâu, đặc biệt tránh hái lá dâu khi còn đọng sương và không được phun thuốc bảo vệ thực vật.

Trồng dâu vất vả một, chăn tằm còn vất vả hơn. Bận rộn nhất là khi tằm vào tuổi ăn rỗi. Bà Ngô Thị Vẻ ở thôn Quan Trung cho biết, con tằm lúc mới nở được gọi là tằm trút nhộng. Sau khoảng 3-4 ngày, tằm chuyển sang màu trắng, rồi lột xác thành tằm tuổi mốt. Ba ngày sau, tằm thành tuổi 2; tuổi 3, tuổi 4 sau đó khoảng 1 tuần là bước vào thời kỳ ăn rỗi. Khi đó, người nuôi phải thường xuyên để ý đến việc cho tằm ăn, bởi đây là thời kỳ tằm sinh trưởng và phát triển nhanh nhất, cần bảo đảm đủ nguồn thức ăn.

Bà Ngô Thị Vẻ nhặt những con tằm đã đủ tuổi nhả tơ để đưa nên né

Mỗi chiếc né được chuẩn bị rất công phu để cho tằm làm tổ

Chính vì vất vả như vậy nên dân gian mới có câu: "Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng" ý muốn nói trồng dâu, nuôi tằm là nghề khá bận rộn, vất vả.


Mặc dù vất vả là vậy nhưng hiện nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả không cao. Ông Nguyễn Văn Luyên ở xóm 2, Quan Trung cho biết, những ngôi nhà to ở làng này đều của các hộ có người đi làm ăn xa, hoặc làm xay xát làm dệt may… chứ trồng dâu, chăn tằm chỉ đủ ăn. Vì vậy, diện tích đất trồng dâu ở Văn Lý ngày càng thu hẹp, nhiều hộ đã bỏ nghề chuyển sang làm lĩnh vực khác.

Bà Ngô Thị Vẻ nhặt kén để chuẩn bị cho việc ươm tơ, kéo sợi

Được biết, lúc hưng thịnh cả xã Văn Lý có tới hơn 70 ha dâu, nhà nhà trồng dâu nuôi tằm, xe tơ. Hiện do thu nhập không bảo đảm, trong khi xã hội phát triển, người dân có thể tìm kiếm được nhiều việc làm cho thu nhập khá hơn nên nghề ươm tơ, kéo kén không còn thu hút được lao động tham gia. Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Văn Lý đang đứng trước nguy cơ mai một.

Thế Trang

Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy