kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Sau 21h, cấm công ty tài chính đòi nợ

Sau 21h, cấm công ty tài chính đòi nợ

Công ty tài chính không được thu hồi nợ kiểu đe dọa, chỉ được nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày trong khoảng thời gian từ 7h đến 21h. Tỉ lệ cho vay tiền mặt trên tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại các công ty sẽ giảm về mức 30% vào năm 2024.

Ngân hàng Nhà nước siết lại hoạt động cho vay tiêu dùng. Trong ảnh: nhân viên một công ty tài chính tư vấn cho khách hàng mua điện thoại - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đó là một trong những quy định tại thông tư 18 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 43/2016 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước ban hành, có hiệu lực từ 1-1-2020.

Tại thông tư này, Ngân hàng Nhà nước siết lại các lỗ hổng trong hoạt động cho vay và đòi nợ thời gian qua của các công ty tài chính.

Theo đó, công ty tài chính phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng, giải thích chính xác, đầy đủ. Ngoài ra, phải có xác nhận của khách hàng về việc đã được công ty tài chính cung cấp thông tin theo quy định để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

Trường hợp xảy ra khiếu nại, công ty tài chính phải giải quyết và trả lời khiếu nại của khách hàng trong thời hạn 48 giờ kể từ khi tiếp nhận, trừ thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ.

Nếu công ty tài chính bán nợ cho bên thứ ba thì trong hợp đồng mua bán nợ phải có cam kết của bên thứ ba về việc thực hiện các quy định đã thỏa thuận với khách hàng tại hợp đồng cho vay tiêu dùng.

Các công ty tài chính cũng không được nhắc nợ, đòi nợ người không vay nợ và phải bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.

Một thay đổi quan trọng là tỉ lệ cho vay bằng tiền mặt trực tiếp với khách hàng sẽ phải giảm theo lộ trình với mức cuối cùng là 30%. 

Cụ thể, trong năm 2021, tỉ lệ này phải giảm xuống mức tối đa là 70%, sau đó, tỉ lệ cho vay tiền mặt trực tiếp giảm xuống còn 60% trong năm 2022, giảm xuống 50% trong năm 2023 và từ ngày 1-1-2024 trở đi tỉ lệ trên phải giảm xuống còn 30%.

Hoạt động cho vay tiêu dùng trên thị trường đã phát triển hơn 10 năm qua. Trong giai đoạn đầu, các công ty tài chính không cho vay bằng tiền mặt, mà chỉ cho khách hàng vay mua hàng hóa nhằm phục vụ nhu cầu đời sống như xe máy, điện thoại, tivi, tủ lạnh... Người vay cũng phải có số tiền nhất định ban đầu.

Tuy nhiên, những năm gần đây hoạt động cho vay tiền mặt của các công ty tài chính phát triển chóng mặt, nhiều người chưa từng vay cũng được chào mời, quá trình xét duyệt ngày càng được đẩy nhanh để cạnh tranh với các ứng dụng (app) cho vay ngang hàng mọc lên như nấm sau mưa.

Rất nhiều phản ảnh của khách hàng liên quan đến việc công ty tài chính áp lãi vay "cắt cổ", cho vay thả ga rồi sau đó đòi nợ khủng bố. Do đó buộc Ngân hàng Nhà nước phải quản chặt hơn việc cho vay tiền mặt tại các công ty tài chính.

Theo tuoitre.vn

Duy Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy