Nhận diện dấu hiệu say nóng, say nắng ở trẻ

Thời tiết nắng nóng, người già và trẻ nhỏ là hai đối tượng dễ bị say nắng say nóng. Ở trẻ nhỏ, do bố mẹ chưa có kiến thức, không nhận diện được dấu hiệu say nắng, say nóng nên thường sơ cứu sai cách dẫn đến tình trạng bệnh trở nặng.

Thời tiết mới vào hè nhưng những ngày vừa qua, nắng nóng rất gay gắt. Do ảnh hưởng của El Nino, mùa hè năm nay được dự báo nhiệt độ sẽ tăng cao, nắng nóng hơn mọi năm. Vì thân nhiệt của trẻ điều hòa chưa tốt nên dưới thời tiết nắng nóng, trẻ dễ bị say nắng say nắng.

“Trẻ đi học nhưng không mang mũ nón đầy đủ, tập thể dục dưới thời tiết nắng nóng bất thường. Đặc biệt có những trường hợp trong môi trường phòng quá chật chội hoặc là trong ô tô, những trường hợp đó, không khí điều hòa không đảm bảo thì nhiệt độ có thể tăng lên” - Thạc sĩ, bác sĩ Lương Văn Chương - Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết.

Nhận diện dấu hiệu say nóng say nắng ở trẻ
Thời tiết nắng nóng, người già và trẻ nhỏ là hai đối tượng dễ bị say nắng say nóng. 

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị say nắng, say nóng

Triệu chứng xuất hiện sớm là trẻ bị sốt, nhiệt độ cơ thể có thể tăng đến 39- 40℃ kèm theo đó là hiện tượng đỏ mặt. Bố mẹ khai thác thêm tiền sử trước đó trẻ có đi ngoài trời nắng không, có đi dã ngoại mà không mang mũ nón, đồ bảo hộ không… Nếu bố mẹ không phát hiện sớm những dấu hiệu đó thì sẽ dẫn đến tình trạng trẻ bị co giật hôn mê nhanh, nặng thì dẫn đến suy đa cơ quan và tử vong.

Khi thấy con bị sốt, cha mẹ dễ nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh nhiễm khuẩn khác như viêm họng, viêm phổi. Sau đó cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Ths.BS Lương Văn Chương cho rằng, việc làm này không có ý nghĩa gì trong việc hạ thân nhiệt cho trẻ.

“Dùng thuốc hạ sốt chỉ có tác dụng về mặt hóa học. Vấn đề say nóng say nắng là do nhiễm phải nguồn nhiệt từ bên ngoài vào, chúng ta phải giải nhiệt bằng các biện pháp vật lý. Nếu chúng ta uống tiếp thuốc hạ sốt thì sẽ làm tổn thương tim gan của bé, làm cho trẻ nặng thêm, tăng nguy cơ tử vong. Vì thế, khi trẻ bị say nắng, say nóng, bố mẹ luôn phải lưu ý xem trẻ có các nguy cơ bị nắng, nóng không?Trong trường hợp trẻ có dấu hiệu nguy cơ, chúng ta phải làm mát bằng các biện pháp vật lý trước. Sau đó chúng ta mới đi tìm nguyên nhân. Nếu trẻ sốt rất cao do say nóng, say nắng thì cũng không được dùng thuốc hạ sốt ” – Ths.BS Lương Văn Chương khuyến cáo.

Sơ cứu trẻ bị say nóng say nắng

Theo Ths.BS Lương Văn Chương, khi thấy trẻ có biểu hiện sốt, mặt mũi đỏ, vã mồ hôi rất nhiều, khai thác tiền sử biết trẻ vừa ở môi trường nắng nóng về thì có thể xác định trẻ bị say nóng, say nắng. Khi đó có 2 việc phải làm là:

- Làm mát cho trẻ bằng các biện pháp vật lý: Đưa trẻ vào nơi mát, có bóng râm, phòng mát, quạt mát, điều hòa, lấy khăn lau người cho trẻ. Đấy là làm mát bằng phương pháp vật lý, giúp nhiệt độ cơ thể trẻ giảm xuống dưới 39℃ là an toàn. Nếu ngưỡng vượt qua 39℃, khả năng gây nguy hiểm cho trẻ, làm rối loạn chuyển hóa.

- Bù nước cho trẻ. Khi bị say nắng say nóng, trẻ mất nước rất nhiều. Vậy cha mẹ nên bù lại nước đã mất bằng việc cho uống nước lọc, nước trái cây... hoặc pha oresol cho trẻ uống.

Phòng ngừa trẻ bị say nóng, say nắng

- Tránh cho trẻ tiếp xúc với nguồn nhiệt.

- Khi đưa trẻ ra ngoài trời nắng chú ý cho trẻ mặc đầy đủ đồ phòng hộ, đeo kính, mũ…

- Cho trẻ uống nhiều nước lọc, trái cây, rau xanh…

- Tránh thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột. Ví dụ: Trước khi cho trẻ đi vào phòng điều hòa thì cha mẹ nên điều chỉnh nhiệt độ điều hòa sao cho gần tương đương với nhiệt độ ngoài trời rồi mới hạ dần dần xuống. Khi đó, cơ thể của trẻ không bị thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột.

Mai Hương/VOV2

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy