5 điều cần biết khi mắc sốt xuất huyết

Người bệnh cần tái khám cả khi mắc sốt xuất huyết nhẹ và đã hết sốt, uống nhiều nước, lau mát thường xuyên để hạ sốt, khi tắm không được kỳ cọ quá mạnh.

Bác sĩ Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3, chỉ ra 5 điều cần biết về sốt xuất huyết, bao gồm:

Sốt xuất huyết có thể gây tử vong

Sốt xuất huyết một bệnh truyền nhiễm do muỗi vằn (Aedes aegypti) mang virus Dengue gây ra, phổ biến ở các quốc gia nhiệt đới. Bệnh có triệu chứng đa dạng và có thể chuyển biến nhanh dẫn tới các biến chứng vô cùng nghiêm trọng nhưng hiện chưa có vaccine dự phòng và không có thuốc đặc trị.

Nếu có dấu hiệu sốt nên đến ngay cơ sở y tế để khám và được tư vấn, không nên tự điều trị tại nhà. Đa phần bệnh nhân mắc ở mức độ nhẹ, bệnh diễn tiến thuận lợi, ít có trường hợp tử vong, thường được bác sĩ chỉ định theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần tái khám thường xuyên, bởi bệnh có thể tiến triển nhanh từ mức độ nhẹ sang nặng.

Sốt xuất huyết ở mức độ nặng có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng như xuất huyết, thoát huyết tương, dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.

5 điều cần biết khi mắc sốt xuất huyết
Ảnh minh họa

Bệnh có 4 giai đoạn với triệu chứng khác nhau

Giai đoạn ủ bệnh sẽ kéo dài trung bình từ 3-7 ngày. Virus Dengue tùy theo từng cơ địa và khả năng miễn dịch của từng người mà nhân lên dần dần, đến khi đủ số lượng sẽ gây ra nhiều triệu chứng cụ thể.

Giai đoạn sốt kéo dài từ khoảng 2-7 ngày và bắt đầu triệu chứng sốt kèm nhức đầu, đau họng, buồn nôn, người mệt mỏi và đặc trưng là sốt cao 39-40 độ C.

Giai đoạn nguy hiểm diễn ra sau thời kỳ sốt, từ ngày thứ 3 đến ngày 7 của bệnh. Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất nhưng người bệnh thường chủ quan do tình trạng sốt đã giảm đáng kể, bác sĩ Hằng cho hay. Ở thời kỳ này, virus Dengue đã làm hệ miễn dịch suy yếu nhiều, bạch cầu, tiểu cầu giảm sâu, ảnh hưởng đến khả năng đề kháng. Các triệu chứng xuất huyết bắt đầu xuất hiện rõ rệt như nốt chảy máu lấm tấm dưới da, chảy máu cam... Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa...

Giai đoạn phục hồi là khi tiểu cầu tăng dần, nhịp tim và huyết động ổn định. Người bệnh đi tiểu nhiều, có cảm giác thèm ăn và khát nước.

Chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết

Người bệnh cần thường xuyên đo nhiệt độ để phòng khi sốt cao hoặc có bất thường về thân nhiệt. Khi sốt, bệnh nhân thường xuyên mệt mỏi, dễ mất nước. Do đó, trẻ em cần bổ sung 1,5 lít nước trong ngày, với người lớn thì khoảng hai lít, có thể uống nước sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh) hoặc nước cháo loãng với muối. Nên dùng khăn ấm lau mát cơ thể, đắp khăn ở vùng nách và bẹn để hạ thân nhiệt. Mặc quần áo thoáng mát và mỏng, tốt nhất là được may từ vải cotton. Nếu sốt trên 38,5 độ C phải uống hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, mỗi lần uống cách nhau 4-6 tiếng.

Bác sĩ Hằng khuyến cáo không cho người bệnh uống nước ngọt màu đỏ, vì gây nhầm lẫn với hiện tượng chảy máu dạ dày nếu bị nôn. Người bệnh nên ăn những loại thức ăn dạng lỏng như cháo, súp hoặc cơm nát, đồng thời tránh những loại thức ăn có nhiều dầu mỡ, gây khó tiêu, đầy bụng.

Ngoài ra, bệnh nhân sốt xuất huyết cần đặc biệt chú ý đến việc tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ, kể cả khi ngừng sốt vẫn phải tái khám. Trong trường hợp người bệnh có các dấu hiệu cảnh báo bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu như: vật vã, lừ đừ, li bì hoặc buồn nôn, đau bụng dữ dội, chảy máu mũi, miệng hoặc bất kỳ chỗ nào, tay chân lạnh, khó thở, tiểu ít... cần nhập viện ngay.

Sốt xuất huyết vẫn tắm bình thường

Khi bị bệnh, người bệnh nên tắm rửa bình thường bằng nước ấm. Không tắm nước lạnh vì nước lạnh sẽ làm mạch ngoài da co lại, mạch nội tạng giãn ra, dẫn đến nguy cơ tử vong. Ở giai đoạn nguy hiểm, khi đang có nguy cơ xuất huyết do hạ tiểu cầu nhiều, người bệnh không nên kỳ cọ mạnh, tránh gây chảy máu dưới da hoặc trong cơ.

Cách phòng sốt xuất huyết đơn giản

Để tránh bị muỗi vằn đốt gây sốt xuất huyết, người dân cần giữ gìn nơi ở, môi trường sống xung quanh luôn sạch sẽ. Tuyệt đối không trữ nước ở các thùng, xô chậu... trong nhà, phát quang bụi rậm xung quanh để muỗi không có cơ hội đẻ trứng. Gia đình có thể đốt hương muỗi, dừng vợt muỗi và phun thuốc diệt muỗi, mắc màn khi ngủ để tránh bị muỗi đốt.

VNE

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy