Nga lo ngại về tương lai Hiệp ước START mới

Ngày 23/8, phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, quyền Đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyansky bày tỏ lo ngại việc ký kết Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START) mới sẽ gặp nhiều nguy cơ, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Quyền Đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyansky. (Ảnh: TASS)

Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời ông Polyansky nói: "Hiệp ước START mới sẽ hết hiệu lực vào tháng 2-2021 và cũng đang ngặp nguy cơ. Một số nhân vật quan trọng trong chính quyền Mỹ hiện nay liên tục khẳng định, họ không muốn duy trì Hiệp ước START mới theo định dạng hiện tại". Phát biểu của ông Polyansky được đưa ra trong một phiên họp của HĐBA LHQ tổ chức theo đề nghị của Nga và Trung Quốc sau các vụ thử tên lửa gần đây của Mỹ.

Theo ông Polyansky, sau khi Mỹ rút khỏi INF, "thêm một trụ cột trong kiến trúc kiểm soát vũ khí đã bị phá huỷ" và hiện không có bất cứ hạn chế nào trong việc phát triển và triển khai các hệ thống tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Điều đó cũng khiến việc ký kết START mới ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Mặc dù vậy, ông Polyansky khẳng định Nga vẫn sẵn sàng tiến hành đối thoại nghiêm túc với Mỹ về sự ổn định chiến lược. Ông nói: "Về phần mình, chúng tôi đã và vẫn sẵn sàng cho bất kỳ cuộc đối thoại nghiêm túc nào về việc bảo đảm an ninh và sự ổn định chiến lược". Ông cũng kêu gọi các thành viên của HĐBA LHQ tham gia cùng giải quyết vấn đề "vì sự tồn tại của cả nhân loại".

Hiệp ước giữa Mỹ và LB Nga về Các biện pháp Cắt giảm và hạn chế hơn nữa các Vũ khí tấn công chiến lược (START mới) được ký kết năm 2010 và có hiệu lực vào ngày 5-2-2011. Theo hiệp ước này, bảy năm sau khi hiệp ước có hiệu lực, mỗi bên tham gia sẽ chỉ được quyền triển khai tổng cộng 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tầu ngầm (LSBM) và máy bay ném bom chiến lược, cũng như không quá 1.550 đầu đạn trên các ICBM, SLBM và máy bay ném bom chiến lược đã triển khai; cùng tổng cộng 800 bệ phóng ICBM, SLBM và máy bay chiến lược.

Hiệp ước START mới sẽ có hiệu lực trong vòng 10 năm, cho đến 2021, trừ khi nó được thay thế bằng một thỏa thuận mới về việc cắt giảm và hạn chế các vũ khí tấn công chiến lược. Nó cũng có thể được gia hạn hiệu lực với thời gian không quá 5 năm với sự đồng ý của các bên tham gia Hiệp ước.

Theo nhandan

Duy Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy