Mỹ lên kế hoạch khôi phục sân bay thời Thế chiến II ở Thái Bình Dương

Không quân Mỹ sẽ khôi phục lại sân bay ở Thái Bình Dương từng được sử dụng để thực hiện vụ đánh bom nguyên tử ở Nhật Bản.

Mỹ lên kế hoạch khôi phục sân bay thời Thế chiến II ở Thái Bình Dương
Các đường băng tại sân bay North Field bị cây rừng xâm lấn. Ảnh: CNN

Tướng Kenneth Wilsbach, chỉ huy lực lượng Không quân Mỹ Thái Bình Dương, nói với tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) trong một cuộc phỏng vấn được công bố trong tuần này rằng, sân bay North Field trên đảo Tinian sẽ trở thành một cơ sở mở rộng sau khi khôi phục. Khu rừng xung quanh đã xâm lấn vào căn cứ kể từ khi các đơn vị Mỹ rời đi vào năm 1946.

Tướng Wilsbach nói: “Nếu để ý trong vài tháng tới, các bạn sẽ thấy sự tiến bộ đáng kể, đặc biệt là ở North Field. Không quân Mỹ cũng đang bổ sung cơ sở vật chất tại Sân bay Quốc tế Tinian ở trung tâm hòn đảo".

Lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương đã xác nhận bình luận của ông Wilsbach nhưng cho biết chưa có thông cáo chính thức nào về chủ đề này.

Tinian là một phần của Khối thịnh vượng chung thuộc Quần đảo Bắc Mariana, một lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương, cách Hawaii khoảng 6.000 km về phía tây ở Thái Bình Dương. Chỉ có khoảng 3.000 người sống trên hòn đảo rộng hơn 60 km2.

Theo tờ Nikkei, ông Wilsbach không đưa ra mốc thời gian khi nào sân bay sẽ hoạt động.

Tinian, cùng với các đảo Saipan và Guam gần đó, có lịch sử đa dạng về các hoạt động không quân của Mỹ.

Trong Thế chiến thứ hai, cả ba hòn đảo sau khi bị chiếm lại từ quân Nhật đều là nơi đồn trú của các phi đội máy bay ném bom B-29 Superfortress gây ra những nỗi kinh hoàng ở Nhật Bản.

Cuộc tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử, ngày 10/3/1945, ném bom vào Tokyo khiến 100.000 người thiệt mạng và một triệu người bị thương, được thực hiện bởi các máy bay B-29 cất cánh từ ba hòn đảo.

Mỹ lên kế hoạch khôi phục sân bay thời Thế chiến II ở Thái Bình Dương
Chiếc B-29 Superfortress Enola Gay mang theo một quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Ảnh: CNN

Trong vụ ném bom không ngừng vào Nhật Bản năm 1945,  North Field, với bốn đường băng dài khoảng 2,4km và 40.000 nhân viên, đã trở thành sân bay lớn nhất và bận rộn nhất trên thế giới.

North Field đã ghi dấu ấn trong lịch sử vào ngày 6/8/1945, khi máy bay ném bom B-29 có tên Enola Gay mang theo quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima, khiến 70.000 người thiệt mạng với vụ nổ ban đầu và đưa thế giới vào thời đại hạt nhân.

Ba ngày sau, một chiếc B-29 khác, tên là Bockscar, cất cánh từ Tinian để thả một quả bom nguyên tử xuống Nagasaki, khiến 46.000 người thiệt mạng trong vụ nổ đầu tiên.

Yêu cầu ngân sách năm tài chính 2024 của Lực lượng Không quân Mỹ cho thấy 78 triệu USD đã được đề xuất cho các dự án xây dựng trên đảo Tinian.

Phần lớn sức mạnh không quân của Mỹ ở Thái Bình Dương tập trung vào một số căn cứ không quân lớn, như Căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam hay Căn cứ Không quân Kadena trên đảo Okinawa của Nhật Bản.

Một cuộc tấn công vào những căn cứ đó có thể làm tê liệt khả năng đánh trả của quân đội Mỹ nếu có quá nhiều sức mạnh không quân Mỹ tập trung ở đó.

Công Thuận/Báo Tin tức

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy