LLVT tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ “chiến đấu giữa thời bình”

Đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” đã không quản hiểm nguy, vất vả, xung kích đến những nơi khó khăn nhất, gian nan nhất thực hiện nhiệm vụ. Trong gian khó, những người lính chống chọi với thiên tai, lũ lụt để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Hình ảnh ấy đã, đang tiếp tục toả sáng, tô thắm phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.

LLVT tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ “chiến đấu giữa thời bình”
Lực lượng vũ trang tỉnh đắp bao cát chống nước lũ tràn vào khu dân cư ở phường Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý) ngày 11/9/2024.

Sẵn sàng chiến đấu, hy sinh

Đó là mệnh lệnh từ trái tim của những người lính. “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”, cả trong thời chiến cũng như thời bình, tinh thần ấy, mệnh lệnh ấy vẫn luôn là ngọn lửa cháy trong tim những người lính “Bộ đội Cụ Hồ”. Cơn bão số 3 càn quét các tỉnh phía Bắc gây thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản. Trong tổn thất, mất mát ấy có cả sự hy sinh tính mạng của những chiến sỹ khi làm nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Đó là Đại úy Nguyễn Đình Khiêm, Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 513, Quân khu 3 và Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Tăng Bá Hưng, nhân viên lái xe thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 653 (Cục Hậu cần Quân khu 3). Sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với gia đình, đồng đội và nhân dân cả nước.

Ứng phó với siêu bão số 3, LLVT tỉnh đã phát huy cao nhất sự chủ động, tinh thần trách nhiệm của mỗi CBCS. Thống kê đến ngày 26/9, thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh ước khoảng hơn 793,4 tỷ đồng; hàng chục điểm đê, bối, kè, cống xảy ra các sự cố gây ngập, lụt nước tràn vào các khu dân cư đe doạ hàng chục nghìn hộ dân. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, CBCS LLVT đã gắng sức để giữ đê, kè, cống chống tràn vào khu dân cư. Tuy nhiên, do lượng nước từ thượng nguồn đổ về quá lớn, cộng với mưa lớn kéo dài khiến cho toàn tỉnh có khoảng trên 16.350 hộ dân bị ngập với khoảng 55.680 nhân khẩu.

Với tinh thần “tính mạng con người là trên hết, trước hết”, “ở đâu có khó khăn, hiểm nguy, ở đó có bộ đội” và phương châm “4 tại chỗ”; CBCS LLVT tỉnh vừa duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ đơn vị, doanh trại, vừa tổ chức lực lượng, phương tiện, kịp thời có mặt ở những nơi xung yếu, khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, xung kích đi đầu trong phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, giúp nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

Theo đó, Bộ CHQS tỉnh và các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã huy động 1.256 lượt CBCS lực lượng thường trực và 13.367 lượt dân quân; 64 lượt xe ô tô, 12 lượt xuồng tham gia khắc phục hậu quả. Các lực lượng đã phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức di dời 3.430 hộ dân trong vùng ngập nặng với khoảng gần 13 nghìn nhân khẩu; Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Yên Nam, Duy Tiên). Đưa gần 322 nghìn con gia súc, gia cầm, vật nuôi các loại cùng 6.260 vật dụng, tài sản của nhân dân đến nơi an toàn; đắp 26.120 m đê chống tràn; 1.800m bờ bao; giúp nhân dân thu hoạch 45ha lúa, dọn dẹp 15ha cây chuối gãy, đổ… Tại các điểm sơ tán, đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện sinh hoạt như thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết cho sinh hoạt của nhân dân.

Xứng danh phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Sự khẩn trương, quyết liệt trong công tác ứng phó khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 của CBCS LLVT tỉnh đã góp phần hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Kết quả đó là nhờ sự chủ động, tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan quân đội các cấp. Sự chuẩn bị chu đáo, nắm chắc tình hình địa bàn và sẵn sàng các phương án ứng phó. Đặc biệt, là tinh thần trách nhiệm của các CBCS LLVT tỉnh luôn khẩn trương cơ động, ứng cứu khắc phục hậu quả trong mọi tình huống xảy ra.

Tại Thanh Liêm - một trong những địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề mưa, lũ, địa hình phức tạp do đồi núi nằm đan xen trong khu dân cư, nhiều tình huống thiên tai có thể xảy ra. Cùng với đó, nước lũ phía thượng nguồn đổ về khiến toàn bộ các xã bên bờ Tây sông Đáy ngập nặng với trên 4.400 hộ bị bị ảnh hưởng; 57 công trình gồm: trường học, trạm y tế, cơ sở tôn giáo bị ngập úng. Nhiều khu dân cư bị cô lập hoàn toàn. Các tuyến đường bị chia cắt không thể đi lại được, có nơi ngập trên 2m. Khoảng trên 1.156 ha lúa bị ngập úng; diện tích cây màu bị ảnh hưởng trên 62ha; gần 1.300 cây ăn quả bị ngập; trên 113ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị ảnh hưởng…

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Ban CHQS huyện Thanh Liêm đã khẩn trương huy động lực lượng toả về các địa phương cùng các lực lượng tại chỗ ứng cứu, khắc phục. Khẩn trương di dời người, tài sản của nhân dân đến nơi an toàn. Trung tá Trương Khánh Toàn, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Thanh Liêm cho biết: Chúng tôi đã thực hiện tốt phương châm cứu người trước, cứu tài sản sau. Do đó, trên 600 hộ dân với hơn 1.500 nhân khẩu được di dời đến nơi tránh trú an toàn tại các nhà văn hoá thôn xóm, trường tiểu học, và ở các hộ gia đình người thân thuộc khu vực ít ngập lụt. Hàng chục nghìn con vật nuôi cùng nhiều tài sản của nhân dân được di chuyển đến nơi cao ráo, hạn chế thấp nhất những thiệt hại gây ra cho bà con. Đặc biệt, LLVT huyện đã tập trung kê kích di chuyển đồ dùng, trang thiết bị tại các trường học bị ngập lụt và hàng hoá của nhân dân trong các khu chợ vùng ngập sâu về các địa điểm cao hơn; khẩn trương thu hoạch lúa mùa, hoa màu giúp bà con. Sau khi nước rút, CBCS LLVT huyện lại tiếp tục giúp các trường học, công sở, khu dân cư dọn vệ sinh môi trường, ổn định trường lớp, bảo đảm cuộc sống của nhân dân sớm trở lại bình thường.

Đối với địa bàn có nhiều xã nằm ven sông Hồng như: thị xã Duy Tiên, huyện Lý Nhân, bão số 3 để lại nhiều thiệt hại về kinh tế. Hàng trăm ha cây hoa màu bị dập nát, nhiều khu chăn nuôi tập trung bị ảnh hưởng. Với tinh thần khẩn trương khắc phục hậu quả giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân, Bộ CHQS tỉnh đã tăng cường lực lượng về ứng cứu giúp bà con. Cùng với lực lượng tại chỗ, hàng trăm lượt CBCS đã khẩn trương di dời nhân dân khỏi vùng ngập lụt và di chuyển nhiều đàn vật nuôi cùng tài sản của nhân dân; thu dọn hoa màu gãy đổ giúp nhân dân. Ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Phú Phúc (huyện Lý Nhân) - xã nằm ven sông Hồng với nhiều hộ dân cư bị ngập nặng cho biết: Để bảo đảm an toàn về người và tài sản, giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân, chính quyền địa phương xây dựng phương án cụ thể với phương châm “4 tại chỗ”. Tuy nhiên, do cơn bão có cường độ mạnh, hoàn lưu sau bão gây mưa to, nước lũ lên nhanh nếu không có sự ứng cứu kịp thời của CBCS LLVT tỉnh về giúp chính quyền và nhân dân địa phương, chúng tôi đã không thể có được kết quả tốt trong công tác phòng chống, khắc phục, hậu quả của cơn bão này.

Cùng với giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả mưa bão, Bộ CHQS tỉnh còn chỉ đạo các lực lượng phối hợp nấu cơm cấp miễn phí các suất ăn cho bà con trong vùng ngập lụt, tặng gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết, động viên bà con nhân dân yên tâm, khắc phục khó khăn. Đặc biệt, một số cán bộ có lòng hảo tâm đã tự nguyện ủng hộ và vận động gia đình, người thân hỗ trợ bà con vùng ảnh hưởng bão lụt với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng.

Sự khẩn trương, trách nhiệm, chung tay của CBCS LLVT tỉnh trong “cuộc chiến” với thiên tai, bão lũ thể hiện tấm gương sáng về bản lĩnh, ý chí, lòng dũng cảm “vì nhân dân quên mình” của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” luôn được nhân dân tin tưởng, yêu mến.

Phương Dung

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy