Chiều 20/12, Bộ Ngoại giao phối hợp với Văn phòng Chính Phủ tổ chức hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 nhằm tạo đà bứt phá cho tăng trưởng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.
Đồng Trần Xuân Dưỡng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nam. Tham dự hội nghị còn có đại diện các sở, ban ngành chức năng.
Thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, công tác ngoại giao kinh tế đã được Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất, mở ra các hướng đi mới, mang tính đột phá, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội. Quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước trên thế giới tiếp tục được mở rộng, củng cố, nâng tầm, nâng cấp, góp phần mở cửa thị trường xuất khẩu, tăng cường thu hút nguồn lực trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, lao động... được lồng ghép trong mọi hoạt động đối ngoại Cấp cao với các đối tác lớn tại Đông Bắc Á, Châu Âu, Bắc Mỹ, các đối tác tiềm năng ở Nam Á, Đông Âu, Trung Đông, Châu Phi, Mỹ La Tinh. Nổi bật là chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ tới Ấn Độ, Ô – Xtrây –li – a; New Zealand, Hàn Quốc, UEA, Qatar, Trung Quốc, Nga… với hơn 170 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết nhân dịp các hoạt động cấp cao. Ngoại giao khẳng định đóng vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng cường tiềm lực, sức cạnh tranh và năng lực thích ứng của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Xác định ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững. Trên cơ sở đó, trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác ngoại giao kinh tế cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc, hiệu quả thực chất làm tiêu chí hàng đầu trong triển khai hoạt động ngoại giao kinh tế. Hội nghị nhằm đánh giá lại việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024, chỉ rõ những kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế để điều chỉnh, phát huy được tốt hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị cũng nhận định tình hình năm 2025, với quan điểm nắm chắc tình hình, đưa ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn, với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều bạn bè quốc tế đầu tư vào Việt Nam. Căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể, Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương phát huy nội lực, thế và lực của đất nước, phát huy sức mạnh dân tộc đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân phát triển du lịch, phát huy tính năng động sáng tạo đổi mới khoa học công nghệ, đa dạng hóa thị trường chuỗi cung ứng… Tăng cường công tác phối hợp trong nước với ngoài nước, phối hợp giữa các bộ ban, ngành, phối hợp giữa doanh nghiệp với nhà nước với người dân trên tinh thần ngoại giao kinh tế hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển nhanh và bền vững.
Trần Thoan