Nhà tưởng niệm Nguyễn Hữu Tiến - Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Để ghi nhớ công lao của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, năm 1994, công trình Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Hữu Tiến được khánh thành trên nền ngôi nhà cũ của gia đình trên quê hương Lũng Xuyên, Yên Bắc giàu truyền thống cách mạng.

Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến (thường được gọi là Giáo Hoài), sinh ngày 5/3/1901 tại làng Lũng Xuyên, Yên Khê, huyện Duy Tiên (nay là Tổ dân phố Lũng Xuyên, phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên) trong một gia đình nhà nho yêu nước. Là một thanh niên sớm có lòng yêu nước, thương dân và tư tưởng tiến bộ, trong thời gian mở trường dạy học ở quê nhà, Giáo Hoài- Nguyễn Hữu Tiến đã giáo dục nhiều thanh niên học sinh về lòng yêu quê hương, đất nước, ý thức tự tôn dân tộc. Năm 1927, thầy giáo trẻ Nguyễn Hữu Tiến tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. 

Cuối năm 1929, đồng chí gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng. Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí trở thành đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng và là một trong những chiến sĩ cộng sản đầu tiên của tỉnh Hà Nam. Tháng 9/1930, đồng chí tham gia thành lập Tỉnh ủy lâm thời Hà Nam và được phân công phụ trách công tác tuyên huấn. Năm 1931, đồng chí bị mật thám Pháp bắt tại Hà Nội. Năm 1932, đồng chí bị tòa án của thực dân Pháp kết án 20 năm khổ sai, 20 năm quản thúc và cuối năm 1933 bị đày ra Côn Đảo. Tháng 4/1935, đồng chí cùng với một số đồng chí khác vượt ngục, trở về hoạt động ở vùng Hậu Giang (với bí danh là Quế Lâm). Một thời gian sau, đồng chí được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ, được phân công phụ trách Bí thư liên tỉnh Đảng bộ Long Xuyên - Châu Đốc - Hà Tiên - Rạch Giá. 

Nhà tưởng niệm Nguyễn Hữu Tiến  Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ
Các em đội viên Trường Tiểu học Đồng Văn đến dâng hương, dâng hoa tại Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Hữu Tiến tại Tổ dân phố Lũng Xuyên, phường Yên Bắc (thị xã Duy Tiên).

Mùa đông năm 1939, để chuẩn bị tài liệu cho Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp lần thứ 6 (vào tháng 11/1939 tại Hóc Môn - Bà Điểm), đồng chí được phân công phụ trách công tác Tuyên huấn của Xứ ủy Nam Kỳ. Và cũng chính trong thời gian này, ý tưởng về hình ảnh lá cờ Tổ quốc mà đồng chí nung nấu từ bao lâu, nay mới có dịp được thể hiện. Ý tưởng về lá cờ đỏ sao vàng đã được bàn bạc, trao đổi và được sự nhất trí của đồng chí Nguyễn Văn Cừ (lúc đó là Tổng Bí thư của Đảng) và đồng chí Võ Văn Tần (lúc đó là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ). Để tuyên truyền cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến cùng Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Kỳ ráo riết chuẩn bị. Mẫu cờ đỏ sao vàng đã được lãnh đạo Xứ ủy Nam Kỳ nhất trí sử dụng cho công tác tuyên truyền của Đảng. Ít lâu sau, cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy Nam Kỳ bị lộ, ngày 30/7/1940, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến bị bắt cùng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và hai đồng chí khác tại Chợ Lớn. Ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đã đem đồng chí Nguyễn Hữu Tiến cùng các đồng chí Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai… ra xử bắn tại Hóc Môn (Bà Điểm, Gia Định). Sau đó, thực dân Pháp còn sai tay chân về làng Lũng Xuyên tịch thu, phá hoại tài sản gia đình đồng chí.

Để ghi nhớ công lao của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, năm 1994, công trình Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Hữu Tiến được khánh thành trên nền ngôi nhà cũ của gia đình trên quê hương Lũng Xuyên, Yên Bắc giàu truyền thống cách mạng. Tiếp đó, ngôi nhà đã được trùng tu, tôn tạo và hoàn thành trong năm 2015. Từ cửa chính bước vào, trên bức tường bên tay trái treo trang trọng bức chân dung đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đang ngồi vẽ lá cờ đỏ sao vàng, do cố nhạc sĩ Văn Cao vẽ. 

Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay công trình Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đã trở thành một di tích lịch sử cách mạng mang ý nghĩa sâu sắc, một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng và lòng yêu nước đối với thế hệ trẻ. Hằng năm, Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đón hàng nghìn lượt học sinh, sinh viên, đoàn viên, đội viên thanh, thiếu nhi trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu lịch sử truyền thống, báo công, tổ chức lễ kết nạp đoàn viên, đội viên mới... Những hoạt động có ý nghĩa đó đã góp phần giúp cho đoàn viên, thiếu nhi có những tư tưởng đúng đắn, có mục tiêu phấn đấu trong học tập, rèn luyện, không ngừng tu dưỡng đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật, sống có lý tưởng, ước mơ, hoài bão, niềm tin tốt đẹp, giúp các em hoàn thiện nhân cách, trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, “Cháu ngoan Bác Hồ”.

Đúng vào dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi gặp thầy và trò Trường Tiểu học Đồng Văn, thị xã Duy Tiên đến dâng hương, dâng hoa thể hiện sự thành kính, tri ân, biết ơn đối với đồng chí Nguyễn Hữu Tiến. Đây còn là hoạt động ngoại khóa của nhà trường nhằm bồi dưỡng, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về niềm tự hào và tình yêu quê hương, đất nước. Em Nguyễn Như Quỳnh, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Đồng Văn tự hào tâm sự: Cháu đã được đến thăm Nhà tưởng niệm Liệt sỹ Nguyễn Hữu Tiến nhiều lần. Qua mỗi lần đến thăm cháu càng hiểu và càng tự hào hơn về người chiến sĩ cách mạng tiền bối của quê hương Duy Tiên, Hà Nam. Từ lòng tự hào, biết ơn Liệt sỹ Nguyễn Hữu Tiến, cháu hứa sẽ nỗ lực học thật giỏi, để xứng đáng là người con của vùng đất giàu truyền thống cách mạng, quê hương người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người vẽ lá cờ Tổ quốc. 

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hoài, Trường Tiểu học Đồng Văn cho biết: Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Hữu Tiến mãi mãi là địa chỉ đỏ, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng của cha ông đối với các thế hệ hôm nay và mai sau. Ngoài công việc chuyên môn ở nhà trường, đội ngũ giáo viên Trường Tiểu học Đồng Văn luôn chú trọng thực hiện tốt các hoạt động ngoại khóa, nhất là hoạt động “về nguồn”, giáo dục truyền thống nhân những ngày lễ lớn của quê hương, đất nước. Việc tổ chức các hoạt động “về nguồn”, giáo dục truyền thống không ngoài mục đích giúp các em hoàn thiện nhân cách, bổ sung kiến thức, tăng cường sự hiểu biết về cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến cũng như nhiều danh nhân tiêu biểu khác, từ đó bồi đắp cho các em lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và khát vọng vươn lên đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy