Nghệ sỹ Bạch Trà trên sân khấu tuồng cổ

Ở TP Phủ Lý, có một con đường mang tên Bạch Trà. Có lẽ, nhiều người không biết về cuộc đời và sự nghiệp của Nghệ sỹ Nhân dân (NSND) Bạch Trà, vì nhiều lẽ, trong đó có lý do sân khấu tuồng hiện không còn phát triển rực rỡ như trước đây. Nhưng trong lịch sử sân khấu Việt Nam, bà là người có nhiều đóng góp cho tuồng, chèo cổ.

Nghệ sỹ Bạch Trà trên sân khấu tuồng cổ
Nghệ sĩ Đắc Nhã và NSND Bạch Trà (bên phải ảnh) trong vở tuồng Đề Thám. Ảnh: T.S

Xuất thân của nghệ sỹ Bạch Trà nhiều trắc trở, âu phiền, từ một đào hát phiêu bạt nay đây mai đó vì miếng cơm manh áo, vì duyên nợ với chèo, với tuồng, vì sự không đành lòng để những câu hát chơi vơi trong cuộc đời nhiều tăm tối, Bạch Trà đã đến với sân khấu tuồng cổ một cách chính danh và làm nên nghiệp lớn. Người thầy đầu dìu dắt Bạch Trà đến với nghệ thuật tuồng là ông chủ một gánh hát ở vùng Quảng Ninh, tên Quang. Gánh hát của ông Quang không tiếng tăm gì lắm, nhưng ông chủ là người hiền lành, tốt bụng nên làm cho Bạch Trà cảm thấy yên tâm, quyết tâm đến với tuồng. Lần đầu tiếp xúc với ông Quang, Bạch Trà (khi ấy tên là Mấn) chẳng hề run sợ, hát một mạch ba bốn làn điệu. Thầy Quang khen Bạch Trà hát hay, có tiềm năng nên nhận là học trò luôn và tuyển vào gánh hát. Ông giảng dạy cho Bạch Trà về nghề tuồng sâu, kẽ lắm, dạy sắm vai ông Hoàng trong vở “Đào Phi Phụng”, hồi II. Bạch Trà nhập vai, diễn vai tốt đến mức ông Quang không hiểu nổi Bạch Trà đã học từ bao giờ, học ở đâu. Sau đó Bạch Trà kể, hằng đêm khi vở diễn trên sân khấu, cô ngồi sau cánh gà, nghe và học thuộc lòng  từng chương, hồi.

Thầy Quang càng ngày càng yêu mến cô học trò thông minh, sáng dạ nên dạy tiếp những vai phụ. Cuộc sống của mẹ con Bạch Trà gặp nhiều khó khăn, họ phải tìm cách kiếm tiền để sống. Vì thế, Bạch Trà theo mẹ rời khỏi nhà thầy Quang, lại một chặng đường mưu sinh khó khăn. Bà Ngấn – mẹ của Bạch Trà cũng là một đào hát, hát rất hay, nhưng đời sống tình duyên trắc trở. Năm 1932, Bạch Trà gặp bà chủ Sự ở Hà Nội, chủ một gánh hát tuồng khá nổi tiếng ở đất Bắc. Bà dành cho Bạch Trà những cảm tình sâu sắc, gần gũi như thầy Quang. Vì thế, Bạch Trà đã ở lại đây, là học trò của bà Sự.

Bạch Trà và con trai bà Sự (tầm tuổi Bạch Trà) được bà Sự dạy vai “Xích Phụng và Kim Long”. Những câu hát dài, nhiều từ Hán trong lời hát biểu hiện tình cảm thay đổi khá phức tạp, nhưng Bạch Trà lại thuộc lòng hết, nhờ học lỏm. Bà Sự hài lòng và quyết định đưa hai vai này lên sân khấu tuồng. Từ trước tới giờ, gánh hát này không có diễn viên nhí giỏi như vậy, sự xuất hiện của “Xích Phụng và Kim Long” nhí đã cuốn hút người xem. Sân khấu ngày nào cũng chật ních khán giả. Gánh hát phải diễn mười đêm liền. Và từ bấy, tiếng tăm của gánh hát bà Sự nổi như cồn. Bà Sự nhận Bạch Trà làm con nuôi, dạy thêm nhiều vai như Kim Liên trong “Ngũ Hổ bình Tây”, vai Trần Kim Đính trong “Tiết Đinh Sơn”... Bạch Trà đã có thể có tiền gửi về cho mẹ. Sau đó, bà Sự có ý se  duyên con trai mình với Bạch Trà. Nhưng Bạch Trà từ chối và ra đi.

Nghệ sỹ Bạch Trà trên sân khấu tuồng cổ
Tuyến đường mang tên Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Trà, thuộc phường Liêm Chính (TP Phủ Lý). Ảnh: Thành Nam

Bạch Trà lại bắt đầu một cuộc sống phiêu bạt với những gánh hát. Bà gặp gánh hát của ông chủ tên Mỹ Ký thì dừng lại. Ông Mỹ Ký là người đã đặt tên Bạch Trà cho bà. Họ đi hết các tỉnh phía Bắc để biểu diễn, kiếm sống. Bạch Trà không ngờ lại gặp lại bà chủ Sự và tiếp tục chuỗi ngày say mê, cuồng nhiệt với tuồng. Bà hát chèo rất giỏi, nhưng lại muốn diễn tuồng. Bấy giờ, khả năng diễn tuồng của Bạch Trà đến độ chín, hoàn thành những vai diễn cổ xuất sắc như Điêu Thuyền trong vở “Lã Bố hí Điêu Thuyền”, Lâm Anh Nga trong vở “Lâm Anh Nga sát tẩu”. Với vai Lâm Anh Nga, Bạch Trà đã múa võ đến 20 phút trên sân khấu, tạo nên một màn diễn vừa hấp dẫn, vừa kinh ngạc đối với khán giả.

Ở nhiều rạp hát khác nhau, đằng sau những cay đắng tủi hờn số phận đào hát, Bạch Trà đã được gặp những người thầy tâm huyết, tận tình và thương cảm, trân trọng tài năng của bà mà dìu dắt, giúp đỡ trở thành một nghệ sỹ thực thụ không phải nhờ bút sách. Cuộc đời hôn nhân của Bạch Trà cũng gặp những sóng gió, đến độ bà phải vào chùa tu hành để quên đi phận kiếp long đong. Nhưng nghiệp hát đeo đuổi, trỗi dậy từng đêm sau tiếng chuông chùa. Bà lại dứt áo tu hành, trở lại sân khấu Tuồng và gặp nghệ sỹ Quang Tốn, họ cùng nhau lập nên gánh hát Tôn Xuân Đài, ngay trên quê hương Từ Sơn – Bắc Ninh của Quang Tốn. Tại đây, Bạch Trà đóng vai chính những vở tuồng lớn như Mạnh Lệ Quân, Chiêu Quân cống Hổ, Phàn Lê Hoa, Tam khí Chu Du... Hai người sống vì nghề, yêu nhau và yêu nghề. Và cuộc đời nghệ sỹ chỉ thay đổi khi đứng trên sân khấu của ánh sáng cách mạng.

Ánh sáng cách mạng đã đem đến cho nghệ sỹ Bạch Trà và Quang Tốn những thay đổi về bản thân và sự nghiệp. Không còn tư tưởng “bầu gánh”, họ tạo dựng nghề nghiệp theo phương lối chuyên nghiệp hơn, vừa là diễn viên chính của đoàn, vừa là thầy dạy cho những diễn viên mới. Trong lần sang Budapest, thủ đô Hungary biểu diễn với tư cách nghệ sỹ tham dự Đại hội Liên hoan Thanh niên sinh viên thế giới do Bộ Văn hoá cử đi, Bạch Trà đã thay đổi cái nhìn về nghề nghiệp. Sau lần ấy, Bạch Trà có cơ hội được biểu diễn cho Bác Hồ xem, rồi cả đoàn hăm hở lên đường đi chiến dịch Điện Biên Phủ, biểu diễn phục vụ bộ đội và thanh niên xung phong trong chiến dịch ấy.

Trời không phụ lòng bà, cuối năm 1954, trong Đại hội văn công toàn quốc, nhà thơ Lưu Trọng Lư trong Ban lãnh đạo Đại hội đã có ý khuyến khích đoàn diễn tuồng. Bị cấm diễn lâu ngày, giờ mới hé mở cửa diễn, Bạch Trà vui hơn bao giờ hết, tự giới thiệu mình là diễn viên tuồng, diễn cho nhà thơ Lưu Trọng Lư xem vở “Ngũ Vân Thiệu bị vây”. Đại hội đã đánh giá tốt về vở diễn và vai diễn này, cho phép được xuất hiện trên sân khấu Đại hội. Từ ngày ấy, tuồng chính thức trở lại sân khấu và được công nhận là một dòng tuồng đất Bắc. Đến năm 1959, Bộ Văn hoá chủ trương phát triển ngành tuồng đất Bắc nên đã mời vợ chồng Quang Tốn và Bạch Trà về, giao nhiệm vụ thành lập đoàn tuồng Bắc.

Với uy tín và trách nhiệm của mình, nhà hát tuồng ra đời thu hút những nhân tài ngành tuồng hai miền Nam - Bắc khi đó như Ngô Thị Liễu, Nguyễn Lai, Văn Phước Khôi, Phạm Chương... Sự hội tụ các danh tài đã làm cho sân khấu tuồng phong phú về phong cách nghệ thuật của hai dòng tuồng Nam – Bắc. Bạch Trà với tư cách là lãnh đạo tuồng Bắc hiểu ra rằng, nghệ thuật tuồng trước đây bà theo đuổi thực sự có những hạn chế về kiến thức và cách nghĩ. Từng bước đưa tuồng lên sân khấu, đi vào đời sống nhân dân, gánh vác những nhiệm vụ chính trị quan trọng mà ngành văn hoá giao phó trong bối cảnh đất nước chia cắt, chiến tranh ngày một ác liệt.

Nghệ sỹ Bạch Trà đã sáng tạo thành công nhiều vở diễn như “An Tư công chúa”, “Bà ba Đề Thám”, “Mẹ Lê”... Sự thành công ấy đã thúc đẩy cho ngành tuồng Bắc tiến lên một bước mới, khẳng định sức sống lâu bền và khả năng tiềm tàng của nghệ thuật tuồng trong xã hội mới, khuyến khích và mở đường cho các thế hệ diễn viên sau này.

                                  

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy