Lưu giữ tục hát trống quân Liêm Thuận

Xã Liêm Thuận nằm trong vùng văn hóa truyền thống Liễu Đôi của huyện Thanh Liêm. Địa hình xã nằm giữa đồng chiêm trũng, xưa bốn bề nước bao vây, người dân đi lại đều phải dùng thuyền. Chính vì điều kiện sinh sống đó mà tục hát Trống quân trên thuyền đã ra đời trong những thôn làng cổ với những cái tên nôm na: Lau, Gừa, Sông, Chảy, Chằm, Thị… Nét sinh hoạt văn hóa đặc biệt này diễn ra vào dịp trước sau rằm tháng Tám khi trăng thanh gió mát, thời điểm nông nhàn.

Tục hát Trống quân xưa

Theo hai nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Văn Cường và Nguyễn Tế Nhị, tục hát Trống quân trên thuyền là một sinh hoạt văn hóa đặc biệt của đất đồng chiêm trũng. Trước rằm tháng Tám, các thôn làng đã bắt đầu náo nức chuẩn bị phương tiện thuyền, trống, tuyển chọn các thành viên thành lập đội hát đại diện cho làng mình. Trước khi hội hát diễn ra, các làng làm lễ khai hội tại đình làng Sông rồi chèo thuyền ra cánh đồng phía nam làng Sông tổ chức hát hội. Hàng trăm thuyền, thuyền của các đội hát thi, thuyền của nhân dân đi xem hội hát nườm nượp khua chèo chen kín cánh đồng mênh mông nước. Bên đội nam có ông bầu cầm đầu thì bên đội nữ có bà bầu dẫn đội. Họ có nhiệm vụ điều khiển và tham gia chấm giải. Hai dãy thuyền nam nữ đậu đối diện nhau, phía sau là thuyền các đội dự bị, bà con dự hội đậu thuyền cách một quãng vừa đủ giữ không gian cho các hội thi, vừa nghe rõ các cuộc đối đáp. Nhạc cụ của hội hát đã được chuẩn bị từ trước, đó là thuyền trống.

Lưu giữ tục hát trống quân Liêm Thuận
Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Huệ dạy các cháu lớp mầm non 5 tuổi học hát trống quân.

Dân làng chọn những chiếc thuyền được đan vũm hơn thuyền thường, trên khoang thuyền được ghép kín bằng ván mỏng, dây trống căng suốt hai đầu mũi thuyền, giữa thuyền cắm cọc giữ cho dây thật căng, người đánh trống cầm dùi đánh vào dây thành những tiếng “thình thùng thình…” để cầm nhịp cho câu hát. Vào cuộc hát, một bên xướng thì một bên họa, mỗi bên đều có người bẻ chuyện, đặt lời ca hoặc gợi ý, mách nước giúp khi người đội mình bị dồn vào thế bí. Khán giả nhiều khi cũng hòa vào nhắc bài khi một đội nào đó quá bí, không ứng đối được. Không khí hội hát vì thế không bị ngắt đoạn lâu giữa hội hát mà luôn sôi nổi và hào hứng. Thuyền của một bên nào đó bị thua, không ứng đối được liền bị thuyền bên này đuổi bắt lấy một vài người sang thuyền mình, bao giờ bên kia ứng đối được mới trao trả lại. Cứ mỗi lần như thế không khí lại náo nhiệt hẳn lên.

Nhà văn, nhà nghiên cứu dân gian Đoàn Ngọc Hà – một người con của vùng đất Liễu Đôi đã từng viết về hội hát Trống quân trên thuyền Liêm Thuận: Cuộc hát cứ thế kéo dài thâu đêm, giữa một vùng trăng nước mênh mang, những con thuyền bồng bềnh chao đảo theo tiếng trống thùng thình, lan xa, âm vang trên ngọn sóng đồng chiêm êm ả, trai gái “gửi lòng cho gió, cởi khó cho trăng” tạm quên muôn vàn nỗi đắng cay cơ cực của cuộc sống hằng ngày, để vui, để tìm lại mình và tìm thấy bạn, để yêu thương và hy vọng. Cho đến lúc trăng tà, đêm tàn, hát tiễn bạn, ông bà bầu trao thưởng cho những đội xuất sắc, rồi hồ hởi lại kéo nhau về đình làng Sông làm lễ tế “ông tơ”. Vì rằng, tục hát này là tục hát “cầu nhân duyên”. Đi hát để kiếm bạn trăm năm, để được “ông tơ” xe tơ chắp mối cho duyên ưa phận đẹp. Lễ tế đơn sơ, một mâm cau do bên nam bổ, một mâm trầu do bên nữ têm. Tế xong, người ta trộn mâm trầu mâm cau vào nhau, ông bầu bà bầu bốc lộc ban cho từng người. Nhận lộc rồi, người ta mở ra, ai được trầu cau chuẩn đôi thì mừng vui khôn xiết, cho đó là một điềm lành. Những đêm trăng sau đó, người ta vẫn nô nức chở thuyền về cánh đồng làng Sông tiếp tục thi tài ca hát. Bao nhiêu cuộc hẹn hò, bao nhiêu nhân duyên đôi lứa đã bắt đầu từ tục hát này.

Theo một nghiên cứu khác, tục hát Trống quân ở Liêm Thuận có hai hình thức, trên cạn và dưới thuyền. Hát trên cạn diễn ra vào mùa khô, người ta đào một cái hố, trên miệng hố để một tấm ván. Giữa tấm ván có một cái cọc để chống dây cho căng, hai đầu dây chăng ngang buộc vào hai cái cọc, vừa hát vừa lấy dùi gõ vào dây để phát ra âm thanh. Dây buộc bằng thừng, được bện bằng tre hoặc làm bằng dây thép. Mỗi người nam hoặc nữ, đôi khi cả nam, nữ ngồi cùng một bên đối diện nhau trong hội hát. Khi người bên này hát và gõ thì người bên kia nghe tìm cách đối đáp lại. Tục hát này có nguồn gốc từ thời Trần, nửa sau thế kỷ 13, thời kỳ chống quân Nguyên xâm lược, binh sĩ ta nghỉ ngơi đã ngồi thành hai hàng đối nhau gõ vào tang trống, cứ bên hát xướng lại bên hát đáp, sau chiến thắng điệu hát được phổ biến ra nhiều nơi trên miền Bắc. Lại cũng có người cho rằng, hát Trống quân xuất hiện từ khi vua Quang Trung thần tốc ra Bắc đánh giặc Thanh cuối thế kỷ 18, để binh lính đỡ mỏi mệt đã bày trò cho một bên giả gái hát đối đáp trao tình với bên kia, kèm theo tiếng trống đánh điểm nhịp, lúc nghỉ cũng như lúc đi đường. Để phù hợp với cuộc sống của mình, khi tiếp thu điệu hát Trống quân, người dân Liêm Thuận đã sáng tạo ra tục hát trên thuyền – đây là lối hát Trống quân chỉ riêng vùng đất Liêm Thuận mới có.

Và hát trống quân hôm nay

Phong trào xây dựng nông thôn mới đã làm cho nông thôn Hà Nam, trong đó có Liêm Thuận “thay da đổi thịt” và như khoác một màu áo mới. Không còn khung cảnh úng trũng như trước, những con đường bê tông rộng, xanh, sạch, đẹp làm sáng bừng nên cảnh sắc nơi đây, những ngôi nhà khang trang nhiều kiểu dáng, màu sắc, nhưng con người Liêm Thuận thì vẫn như vậy, mến khách và nặng lòng với vốn di sản văn hóa độc đáo riêng có của quê hương. Cựu chiến binh Nguyễn Đình Lâu ở thôn Lau Chảy là một người như vậy. Rời quân ngũ trở về quê hương, ông Nguyễn Đình Lâu được tín nhiệm làm cán bộ thông tin tuyên truyền xã Liêm Thuận. Trong quá trình công tác, hòa vào cuộc sống thôn quê, sâu sát quần chúng nhân dân, ông thường được nghe, nhất là những người cao tuổi hay hát những câu hát có nội dung vần vè rất hay và độc đáo. Thấy lạ, thấy hay rồi yêu thích, ông bắt đầu tìm hiểu về nguồn gốc và sưu tầm, ghi chép lại những câu hát đó.

Ông Nguyễn Đình Lâu cho biết: Theo những người già của làng Gừa thôn Gừa Sông, tục hát Trống quân được một vị tướng của Đinh Bộ Lĩnh là người làng mang về dạy cho người dân, ông cũng là người mang tục vật cầu về cho dân làng Gừa. Sau khi mất, ông được người dân thờ cúng và suy tôn làm Thành hoàng làng. Những câu hát và tên gọi Trống quân xuất phát từ tiếng trống và tiếng gọi đổi canh của những người lính điểm canh thời Đinh.

Còn người làng Lau Chảy thì cho rằng, xưa kia, vùng chiêm trũng Hà Nam có đường nước đi từ Trần Thương ra được đến vùng Liêm Thuận và đường nước này là tuyến canh gác cho kho lương nhà Trần tại thôn Trần Thương (thuộc Xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân nay). Tuyến đường này do Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật phụ trách, minh chứng là đình làng Vạn (một thôn nhô đã được sáp nhập vào làng Chảy từ lâu) thờ Trần Nhật Duật là Thành hoàng làng. Như vậy, tiếng hát Trống quân từ thời Trần đã theo tuyến đường này truyền đến vùng Liêm Thuận.

Ngoài đình Vạn, hai ngôi đình của làng Chảy, làng Lau đều thờ chung Thành hoàng làng là 3 ông tướng họ Lê có công đánh giặc, cứu nước và giúp đỡ dân làng định hình điền thổ. Chính vì thờ chung Thành hoàng nên tục hát Trống quân với điểm chính là “cầu nhân duyên” nhưng trai gái hai làng không bao giờ lấy nhau, bởi theo quan niệm thời đó lấy nhau như vậy không được “mát”, dễ gặp điều không hay. Lệ này cũng vận vào câu hát Trống quân: “Phải duyên thì thiếp với chàng. Không duyên ta cũng người làng với nhau. Xa xôi làng Chảy làng Lau. Lạnh lùng chi lắm cho đau lòng vàng”.

Vào thời Pháp thuộc, quanh vùng Liễu Đôi có 4 đồn quân Pháp chiếm đóng. Với chính sách địch vận, cứ đến đêm quân du kích lại dùng những câu hát theo lối hát Trống quân để dụ địch ra hàng. Sau khi giành chính quyền và hòa bình lập lại, cuộc sống hậu chiến khó khăn, vất vả, tục hát Trống quân mai một dần và mất hẳn, chúng chỉ còn lưu lại trong ký ức của những người già trong làng.

Và như một cơ duyên, ông Nguyễn Đình Lâu đã kịp ghi chép lại những ký ức đó trước khi những già làng lần lượt quy tiên. Ông đã ghi lại được hàng trăm câu hát Trống quân, viết bài quảng bá, phối hợp thành lập Câu lạc bộ hát Trống quân trên nền tảng là Câu lạc bộ văn nghệ làng Chảy. Ngoài nghiên cứu nhịp hát và hướng dẫn người dân học hát Trống quân, ông còn đôn đáo tìm cách khôi phục lại tục hát Trống quân của quê hương. Năm 2016, với Đề án bảo tồn tục hát Trống quân Liêm Thuận, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã thực hiện việc ghi hình và đưa hát Trống quân vào danh sách bảo tồn cấp tỉnh. Tại đây, người dân vừa trực tiếp biểu diễn trên thuyền ở hồ của làng vừa trực tiếp biểu diễn trên cạn. Để tiện cho việc di chuyển và hợp cảnh quan, người Liêm Thuận không dùng hố đất nữa, mà sáng tạo ra dùng chum, vò, vại để hình thành bộ phận cộng hưởng đệm cho tiếng hát Trống quân.

Để bảo tồn tục hát Trống quân phải truyền cho thế hệ trẻ nên cuối năm 2017 với Dự án khoa học “Bảo tồn di sản tiếng hát Trống quân Liêm Thuận”, Trường THCS Liêm Thuận đã đưa một số bài hát Trống quân vào các tiết học nhạc hoặc các buổi sinh hoạt ngoại khóa của nhà trường. Trong các cuộc thi Dự án khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS, với tiếng hát Trống quân của quê hương, Trường THCS Liêm Thuận đã dành nhiều giải cao ở cả cấp huyện lẫn cấp tỉnh. Và đặc biệt, Dự án khoa học “Bảo tồn di sản tiếng hát Trống quân Liêm Thuận” là một trong 6 dự án của tỉnh được chọn thi cấp quốc gia.

Ngoài học sinh THCS, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Trống quân Liêm Thuận hiện đang là giáo viên Trường Mầm non xã Liêm Thuận cũng đã đưa những bài hát Trống quân đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ vào dạy cho các cháu lớp mầm non 5 tuổi. Hát Trống quân đã được phục hồi, lưu giữ và phát huy bởi những người dân Liêm Thuận. Hiện, hát Trống quân Liêm Thuận đang được các cơ quan chức năng thực hành các bước khảo cứu, lập hồ sơ đề nghị Bộ VH,TT&DL ghi danh Tục hát Trống quân ở Liên Thuận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy