Lễ hội làng Yên Lạc

Đã thành lệ, cứ vào ngày 15, 16/7 âm lịch hằng năm, nhân dân làng Yên Lạc, xã Mộc Nam (Duy Tiên) cùng du khách thập phương lại tề tựu về dự hội làng truyền thống nhằm tưởng nhớ và tri ân đức Thánh mẫu Nhân từ Hoàng hậu, Thánh nữ chính cung và ghi nhớ ngày Tiên Dung công chúa, Chử Đồng Tử về quê ngoại.

Làng Yên Lạc có từ thời Hùng Vương tên là Hoa Trang Hoa Giám, sau đổi thành An Bảo, xã An Lạc, nay là làng Yên Lạc, xã Mộc Nam. Làng được hình thành từ rất sớm với các công trình kiến trúc văn hóa như: Đền Lảnh Giang, đền Cô Tam Giang, đền Vua Lê, đền Mẫu. Trong đó, đền Mẫu thờ Tiên Dung công chúa - Chử Đồng Tử và thờ bà Nhân từ Hoàng hậu Nguyễn Thị Phương.

Các nghi lễ truyền thống được người dân địa phương bảo tồn và duy trì trong ngày lễ hội.

Theo thần tích còn lưu giữ, Yên Lạc chính là quê hương của bà Nguyễn Thị Phương, vợ của vua Hùng thứ 18, là mẹ của Tiên Dung công chúa. Bà được vua phong sắc Nhân từ Hoàng hậu, Thánh nữ chính cung. Sinh thời, bà thường cùng con gái Tiên Dung đi du ngoại, lui về bản quán giúp đỡ dân nghèo, cứu nhân độ thế. Bà cùng con gái cũng thường xuyên về quê ngoại cấp cho dân tiền bạc, cứu giúp người nghèo, giải trừ bệnh tật. Rồi sau đó, có một lần Tiên Dung về bái kiến nhà ngoại, do trời tác hợp Tiên Dung đã kết duyên cùng Chử Đồng Tử nên vua Hùng vô cùng tức giận không cho Tiên Dung về triều. Công chúa cùng Chử Đồng Tử mở chợ buôn bán khắp nơi cứu giúp dân làng, sau đó trở về trời. Từ khi vợ chồng Tiên Dung trở về trời đã qua vài năm, bỗng nhiên trời gieo họa lớn, nhiều tháng không có giọt mưa, lúa, mạ héo khô, tật dịch người chết đầy đường. Rồi bỗng dưng, một hôm tự nhiên có một đám mây vàng từ trên trời bay xuống, nhân dân An Bảo thấy người khi xưa thì mừng rỡ dập đầu lạy tạ, Chử Đồng Tử bèn bảo nhân dân ra sông Hồng lấy nước về cho uống rồi Chử Đồng Tử ngậm nước phun lên trời, một lát sau trời mưa lớn 3 ngày đêm mới tạnh, nhân dân trong làng vô cùng phấn khởi. Khi đó, Tiên Dung cùng Chử Đồng Tử làm lễ tại nơi từ đường họ Nguyễn bên trái miếu thổ thần rồi mở tiệc khao dân làng, đó là ngày 16 tháng 7 âm lịch. Vì vậy, cứ vào ngày 16/7 âm lịch hằng năm, nhân dân làng Yên Lạc lại mở hội để bái yết bà Nhân từ Hoàng hậu, Thánh nữ chính cung và ghi nhớ ngày Tiên Dung công chúa, Chử Đồng Tử trở về thăm quê ngoại.

Là lễ hội lớn và quan trọng nhất trong năm của làng nên mọi công việc đều được chuẩn bị rất công phu. Theo đó, 7 tiểu ban được thành lập chịu trách nhiệm từng công việc cụ thể như đoàn tế, đoàn rước, tiếp nhận công đức, hậu cần, lễ tân, y tế, an ninh. Toàn bộ phần tế, lễ do các cụ cao niên đảm nhận được tổ chức trang trọng tại đình và các đền. 

Thông lệ, trong ngày 15/7, phần lễ được diễn ra trang trọng với nghi thức tế lễ cáo yết mẫu tại đình và các đền Quan lớn Đệ Tam, Cô Bơ Thoải Phủ và đền Đức Vua Cha. Sáng ngày 16/7 là ngày hội chính của làng. Đúng 6 giờ 30 sáng, hòa trong tiếng chiêng, trống và dàn nhạc ngũ âm trầm bổng, nhân dân trong làng tập trung tổ chức nghi lễ rước kiệu. Đoàn rước xuất phát từ đền Mẫu ra đền Quan lớn Đệ Tam rước Thánh về khai hội làng (ngược với lễ hội đền Lảnh Giang rước từ đền Quan lớn Đệ Tam vào đền Mẫu mời Mẫu ra dự khai hội). 

Sau khi kiệu được đặt tại gian trung tâm đền, là lễ dâng hương, lễ hầu thánh do một cụ cao niên trong làng làm chủ tế. Tiếp đó, đội tế nữ của làng tế những bài tế mẫu mục đích xin thần linh phù trợ cho dân làng được yên vui, thuận lợi, mùa màng bội thu, nhân khang, vật thịnh. Ngoài các nghi thức tế lễ, người dân trong làng còn tổ chức liên hoan giao lưu văn nghệ chào mừng ngày hội làng, tổ chức trưng bày sinh vật cảnh, các sản phẩm nông sản truyền thống quê hương. Phần hội là các trò chơi dân gian để cộng đồng tham gia như: kéo co, chọi gà, đi cầu khỉ, trò bắt vịt dưới ao.

Đồng chí Hoàng Văn Thắng, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Yên Lạc chia sẻ: Hội làng là một ngày trọng đại của người dân trong làng. Đây là dịp để con cháu ở xa về với quê hương, là dịp để người dân trong làng tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, những người có công đi khai dân, mở đất. Việc tổ chức lễ hội luôn được thực hiện theo đúng nét văn hóa truyền thống, bảo đảm văn minh, tiết kiệm, góp phần đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương. Đây còn là dịp để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống cha anh.

Trần Ích

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.