Ký ức của một cựu chiến binh

Bất cứ ai đã từng một lần được gặp, được nghe Bác Hồ trò chuyện và được đón nhận sự quan tâm cùng tình cảm của Người dành cho đều cảm thấy thật xúc động và nhớ mãi không quên. Với cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Hữu Quế (Phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý) kỷ niệm về lần được gặp Bác Hồ kính yêu luôn được ông trân trọng coi đó là niềm vinh dự, tự hào lớn lao của người lính.

Thong thả kể về quãng đời binh nghiệp, về những lần được gặp Bác, được nhìn thấy Bác, CCB Nguyễn Hữu Quế không khỏi bồi hồi, xúc động. Ông đã từng có những năm tháng sống, chiến đấu trên khắp các chiến trường, dù gian khổ, đạn bom khốc liệt, có thể hy sinh bất cứ lúc nào, nhưng những người lính như ông đã luôn kiên trung vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, sống chiến đấu hết mình vì Tổ quốc, vì nhân dân. Nay dù đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, sức khoẻ yếu, nhưng khi trò chuyện về những năm tháng chiến đấu, về những lần được gặp Bác Hồ, ông như được tiếp thêm sức mạnh, “chất lính” trỗi dậy trong ông. Ông phấn khích, cất cao giọng hát những bài ca mà xưa kia trên đường ra trận ông và đồng đội từng lấy đó làm nguồn động lực để vững vàng tiến bước trên đường hành quân.

Ký ức của một cựu chiến binh
Hai vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Hữu Quế luôn vui vẻ bên nhau lúc tuổi già. Ảnh: Phương Dung

Kể về quãng đời binh nghiệp của mình, CCB Nguyễn Hữu Quế cho biết: Tháng 10/1948, mới 16 tuổi, tôi đã theo chân các anh bộ đội, trở thành thiếu sinh quân, được giao làm Phân đội trưởng Đội 7, Đoàn 3, Trường Thiếu sinh quân. Vốn nhanh nhẹn cộng với tinh thần dũng cảm, cuối năm 1949, theo yêu cầu của đơn vị, tôi được điều động làm chiến sĩ liên lạc tại Phân khu B Thượng Lào. Với những thành tích đạt được trong chiến đấu, tôi được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ làm Tiểu đội phó, rồi Tiểu đội trưởng, thuộc Trung đoàn 81 làm nhiệm vụ quân báo tại Chiến dịch Thượng Lào. Làm quân báo trinh sát luôn luôn phải là người đi trước trong chiến đấu, nắm tình hình địch để báo cáo chỉ huy xây dựng phương án đánh địch hiệu quả. Xác định nhiệm vụ quan trọng, tôi và đồng đội đã thực hiện nhiệm vụ hết sức cẩn trọng, làm sao phải vừa nắm chắc, nắm rõ tình hình địch, vừa không để xảy ra tổn thất với chính bản thân và đồng đội. Nhiệm vụ nguy hiểm, có thể hy sinh bất cứ lúc nào, nhưng tôi và đồng đội đã từng vào tận sào huyệt của địch để nắm tình hình. Có không ít lần tôi và đồng đội bị địch phát hiện truy đuổi, may mắn chạy thoát, nhưng cũng có đợt tôi từng chứng kiến đồng đội của mình bị địch bắn gục ngay sau lưng. Thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, nhưng những năm tháng làm nhiệm vụ quốc tế cao cả tại nước bạn Lào luôn là những năm tháng ấn tượng nhất. Ghi nhớ lời Bác Hồ căn dặn: Giúp nhân dân nước bạn là mình tự giúp mình, tôi cùng những chiến sĩ “quân tình nguyện” luôn chiến đấu hết mình, không quản hy sinh, gian khổ, ngày đêm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trong dòng hồi ức của mình, CCB Nguyễn Hữu Quế vui sướng kể về sự kiện quan trọng được gặp Bác Hồ. Ông cho biết: Trong cuộc đời binh nghiệp, tôi được gặp Bác hai lần. Một lần Bác đến thăm và trò chuyện với học viên Trường Sĩ quan Lục quân I (năm 1958) và một lần vào khoảng những năm 1960, trong một dịp tôi tham gia lễ duyệt binh tại Hà Nội.

Ông kể: Sau khi kết thúc Chiến dịch Thượng Lào, tôi tiếp tục được điều động làm nhiệm vụ ở nhiều đơn vị khác nhau; năm 1958 được đơn vị cử đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân I. Tại ngôi trường này, tôi không bao giờ quên lần Bác Hồ về thăm và có cuộc trò chuyện ân cần với cán bộ, học viên nhà trường. Hình ảnh Bác thật gần gũi, thân thuộc như một người cha thăm đàn con. Ung dung, giản dị trong bộ quần áo kaki bạc màu, chân đi đôi dép cao su, Bác ân cần thăm hỏi từ nơi ăn chốn ở, nơi học tập của cán bộ, học viên nhà trường. Giọng trầm ấm, thân tình, Bác căn dặn: Đất nước ta còn nghèo, điều kiện ăn ở của cán bộ, học viên còn khó khăn, các cháu phải luôn nỗ lực, cố gắng khắc phục vượt qua, thi đua học tập, rèn luyện tốt, đoàn kết thương yêu nhau. Đối với học viên, Bác ân cần căn dặn: Được học tập, rèn luyện tại Trường Sĩ quan Lục quân I là một vinh dự rất lớn, bởi đây là nơi đào tạo ra các thế hệ sĩ quan nòng cốt của Quân đội nhân dân Việt Nam trong các thời kỳ. Bác mong rằng, mỗi học viên hãy tự giác rèn đức, luyện tài, duy trì nền nếp tác phong, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, thi đua học tập, huấn luyện giỏi, sẵn sàng và quyết tâm chiến đấu. Trong huấn luyện chiến đấu, mỗi sĩ quan phải luôn coi chiến sĩ như người thân ruột thịt của mình, ân cần chỉ dạy, đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, cùng chia ngọt, sẻ bùi, có như vậy chúng ta sẽ phát huy được sức mạnh, chiến thắng mọi kẻ thù…

Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu, suốt những năm tháng học tập, rèn luyện tại Trường Sĩ quan Lục quân I, học viên Nguyễn Hữu Quế luôn nỗ lực phấn đấu, thi đua học tập tốt, trở thành sĩ quan tốt của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau này, được điều động công tác ở nhiều đơn vị, nhiều địa phương, giữ nhiều cương vị khác nhau, song sĩ quan Nguyễn Hữu Quế vẫn luôn nhớ về lời dạy của Bác Hồ, nỗ lực hết mình vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Có lẽ với CCB Nguyễn Hữu Quế và bất kỳ ai từng được một lần gặp Bác Hồ trong cuộc đời sẽ không bao giờ quên hình ảnh vị cha già kính yêu, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc. Phẩm chất, đạo đức cùng tình thương yêu bao la của Bác Hồ sẽ mãi là tấm gương sáng ngời, là động lực thôi thúc mọi người dân nhiều thế hệ tự giác, nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động, chiến đấu và phấn đấu trưởng thành.

Phương Dung

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy