Chiếc trống đồng độc đáo ở Hà Nam

Trống đồng Đông Sơn – biểu tượng vượt trội của nền văn hóa, văn minh Việt cổ. Hà Nam là một trong số các tỉnh đã phát hiện được nhiều trống đồng nhất, trong đó có Trống đồng Ngọc Lũ I đã được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia đặc biệt.

Trong bộ sưu tập trống đồng được lưu giữ và trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Hà Nam, có một chiếc trống đồng độc đáo và xét về phương diện hoa văn có thể nói là “độc sáng” sẽ trình bày dưới đây.

Đó là chiếc trống đồng thôn Trì, mang địa danh nơi được tìm thấy. Năm 1992, một số người dân ở thôn Trì, xã Tiên Nội (Duy Tiên) khi làm thủy lợi, ở độ sâu 1,5m so với mặt ruộng đã làm phát lộ trống. Trống còn nguyên vẹn, toàn bộ trống phủ một lớp patin màu xanh đồng, xen màu vàng sắt. Trống chia làm 4 phần: mặt, tang, thân và chân; hình dáng cân đối, còn thấy rõ đường chỉ đúc chia dọc tang, thân và chân trống làm 2 nửa. Trống có 4 đôi quai kép trang trí vặn thừng, đối xứng qua đường chỉ đúc; trống cao 53cm.

Chiếc trống đồng độc đáo ở Hà Nam
Trống đồng thôn Trì. Ảnh: Kim Chi

Mặt trống đường kính 67,5cm hơi chớm ra ngoài tang. Chính giữa mặt trống là hình mặt trời nổi có 12 tia. Xen giữa các tia là họa tiết hình lông công trong đồ án hình tam giác mà 2 cạnh bên là đường thẳng cạnh đáy gồm nhiều đoạn thẳng nổi song song hướng về đỉnh tam giác. Tính từ tâm trống ra có 11 vành hoa văn. Vành 1, 3, 5, 6, 9, 10 trang trí hoa văn hình học gồm các hình tròn có tiếp tuyến, tâm có chấm chìm. Vành 2 trang trí hoa văn hình học là các hồi văn hình vuông với nhiều đoạn thẳng đồng tâm. Vành 4 trang trí hình chim Lạc được cách điệu cao, chỉ nhận rõ phần đầu và cổ đan chéo với họa tiết hình chữ S, hai đầu chữ S là 2 hình tròn có 4 vòng tròn đồng tâm; tổng số có 8 đồ án kiểu này. Vành 7 trang trí hoa văn hình động vật.

Cụ thể là sự kết hợp giữa chim Lạc và cá. Con cá được thể hiện khá chi tiết với đầy đủ vây, đuôi, mắt theo mặt cắt dọc, phía đuôi cá có 2 hình tròn. Vị trí con cá ở bên dưới mỏ chim Lạc sau và nối đuôi chim Lạc trước; tổng số có 6 con chim Lạc, 6 con cá đi với nhau thành từng cặp. Vành 8 và vành 11 trang trí hóa văn răng lược hướng vào tâm mặt trống. Ngăn cách các vành hoa văn (từ vành 1 đến vành 11) là 2 đường chỉ đúc nổi hình tròn. Rìa mặt trống có 25 lỗ gần hình vuông, khoảng cách giữa các lỗ không đều, đó là dấu vết của con kê khi đúc trống.

Tang trống cao 21cm (đo theo độ cong) chu vi chỗ phình nhất 221,5cm. Bốn đôi quai kép gắn với vị trí dưới của tang và vị trí phía trên của thân trống. Trên tang trống trang trí 6 vành hoa văn sắp xếp theo chiều ngang thành dải hình tròn. Vành 1 và 4 trang trí hoa văn hình răng lược. Vành 2, 3, 6 trang trí hoa văn hình tròn có tiếp tuyến. Vành 5 gồm 6 con chim đứng, mỏ dài và tù quặp xuống bụng. Đây có thể là chim Bồ nông. Ngăn cách giữa các vành hoa văn cứng gồm 2 đường chỉ nổi song song hình tròn.

Thân trống hình trụ hơi loe ở dưới nơi tiếp giáp chân trống, cao 22cm, chu vi (đo ở giữa) 161,4cm. Hoa văn gồm 2 kiểu: sắp xếp theo chiều dọc và chiều ngang. Đồ án theo chiều dọc: vị trí giáp tang trống bao gồm 10 băng hoa văn, với 3 loại họa tiết kết hợp hoa văn hình người và hoa văn hình học. Đồ án hình người gồm 6 người hóa trang, tay phải cầm rìu chiến, giơ về phía trước (giống nhau về kích thước, hình thức thể hiện). Đồ án hoa văn hình học gồm 8 băng với 3 dải hình chữ nhật, ở giữa là các hoa văn hình tròn đồng tâm, hai bên là hoa văn răng lược gồm những vạch thẳng xiên và song song. Đáng chú ý, quanh đáy thân trống có một vành gồm các lỗ chìm gần hình tròn gần hình vuông, khoảng cách giữa các lỗ khá đều nhau.

Chân trống choãi, đường kính đáy dưới 216cm không trang trí hoa văn, ngoại trừ có một số lỗ chìm gần hình tròn quanh đáy.

Trống đồng thôn Trì, qua phân tích về kích thước, niên đại, hoa văn, có thể nhận thấy trống không thuộc loại có kích thước lớn, cổ nhất, hoa văn phong phú nhất. Vậy sự độc đáo “độc sáng” của trống là ở điểm nào. Đó chính là thể hiện của hoa văn trên vành 7 ở mặt trống của cặp chim Lạc và cá. Chuyên gia về trống đồng Đông Sơn, TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam khi khảo sát trực tiếp trống đã đánh giá đây là chiếc trống đồng quý hiếm với hình tượng “con cá”, có thể nói là duy nhất trong số những trống đồng Đông Sơn được phát hiện cho đến nay.

Hoa văn chim Lạc – cá ở vành 7 trên mặt trống gợi lên ý nghĩa sâu xa về tư duy của người Việt cổ. Con số 7 phải chăng đã thể hiện một ẩn ý nào đó có thể là con số cực dương, con số của sự phát triển. Đó còn là triết lý (tất nhiên ở dạng manh nha) lưỡng phân, lưỡng hợp, đối lập và đối xứng, tương phản và hòa hợp, kết hợp của âm dương trong vũ trụ quan của người Việt cổ. Ở đây chim Lạc – biểu tượng cho Dương, con cá – biểu tượng cho Âm. Con cá không ở biểu hiện thường thấy là trong môi trường nước mà đã được đẩy lên không trung ở dưới mỏ chim Lạc. Mặt khác, 6 cặp chim Lạc – cá cũng gợi liên tưởng về sự chuyển vận thời gian (một năm có 12 tháng) cũng như ý niệm về hệ số đếm toán học xa xưa.

Sự độc đáo của hoa văn Trống đồng thôn Trì tập trung ở vành 7 trên mặt trống, song ở vành 4 cũng rất đáng chú ý, vì chưa gặp ở mặt trống đồng Đông Sơn nào, với đồ án chim Lạc được cách điệu hóa cao, cùng họa tiết chữ S, vòng tròn đồng tâm mà việc giải mã ý nghĩa của chúng rất cần các nhà nghiên cứu quan tâm.

Từ sự độc đáo, quý hiếm của Trống đồng thôn Trì (thuộc loại Hêgơ I), rất cần sớm lập hồ sơ khoa học đề nghị Nhà nước công nhận trống là Bảo vật quốc gia.

Mai Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.