Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nghề làm trống và sản phẩm trống Đọi Tam (Đọi Sơn, Duy Tiên) vẫn luôn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Trống linh thiêng trong các lễ hội truyền thống; tưng bừng trong ngày hội khao quân, rộn ràng, bay bổng trong đời sống nghệ thuật dân gian; lưu giữ và gợi nhớ bao ký ức học trò mỗi khi tiếng trống trường ngân vang trong lễ khai giảng năm học mới... Nói, nghề làm trống và sản phẩm trống luôn có một giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật nhất định trong lịch sử dân tộc nước nhà, là vậy.
Về thăm làng trống Đọi Tam vào những ngày cuối năm, lắng nghe nhịp điệu sôi động của làng nghề, nhìn những người thợ tỉ mỉ, cần mẫn hoàn thiện từng công đoạn, từ khâu xẻ dăm, ghép tang, căng mặt trống đến khâu trang trí và hoàn thiện sản phẩm trống, tôi càng cảm nhận rõ hơn điều đó. Nói như nghệ nhân Phạm Chí Khanh, Chủ cơ sở sản xuất trống Phạm Chí Khanh, nghề làm trống cũng lắm công phu, nếu không yêu nghề, không tâm huyết với nghề, nếu chỉ chạy theo những lợi ích kinh tế thì nghề truyền thống rất khó giữ. Nhưng để sống được bằng nghề, nuôi nghề và giữ nghề, đòi hỏi người thợ ngoài sự tận tâm, tận hiến, phải năng động, sáng tạo, tìm tòi, khai thác cái mới và luôn có ý thức “thắp lửa” và “truyền lửa” cho thế hệ sau...
Trong câu chuyện với Trưởng thôn Đỗ Thị Nguyệt, chúng tôi được biết, làng Đọi Tam hiện nay có 790 hộ thì có gần 600 thợ làm trống lành nghề và nhiều nghệ nhân tiêu biểu. Ông Lê Ngọc Hùng là một trong những nghệ nhân xuất sắc của làng và cũng là chủ cơ sở sản xuất trống lớn ở Đọi Tam. Tính đến nay, cơ sở của ông đã xuất hàng chục nghìn quả trống các loại... Ngoài các sản phẩm trống truyền thống, hiện nay cơ sở của ông còn sản xuất các sản phẩm thùng đựng rượu gỗ sồi và bồn tắm bằng gỗ thông... Sự đa dạng hóa các loại sản phẩm mỹ nghệ đã đem lại một làn gió mới cho làng nghề trống Đọi Tam hôm nay. Cũng theo chị Nguyệt, hiện trên địa bàn thôn Đọi Tam có khoảng 62 cơ sở sản xuất kinh doanh trống. Nhờ có nghề truyền thống, nhiều năm gần đây thôn Đọi Tam không còn lao động trong độ tuổi thất nghiệp, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Bình quân thu nhập của lao động làng nghề từ 6-7 triệu đồng/tháng/người đối với lao động phụ và 9-12 triệu đồng/người/tháng đối với thợ chính.
Trở lại câu chuyện đời, chuyện nghề, nghệ nhân Phạm Chí Khanh vừa căng mặt trống, vừa chia sẻ: Làm trống không khó nhưng để có một sản phẩm trống đạt chất lượng kỹ, mỹ thuật cao thì ngay từ khâu nguyên liệu cũng phải được lựa chọn kỹ càng. Gỗ làm trống phải là loại gỗ mít già. Mặt trống được làm bằng da trâu có tuổi ít nhất từ 40-50 năm trở lên. Da trâu sau khi được cạo lớp phôi cho mỏng rồi đem phơi khô. Tang trống được làm bằng gỗ mít khô và được xẻ cong. Mỗi cây gỗ khác nhau được chia làm nhiều dăm khác nhau. Sau đó, thợ làm trống sẽ làm cho các dăm được gắn kết lại với nhau, tạo thành một chiếc trống kín, khít và tròn. Ngoài ra, dăm trống sẽ không được phép nối vì sẽ ảnh hưởng tới âm thanh của trống. Bưng trống là công đoạn khó khăn nhất, không chỉ đơn giản là căng tròn da trâu lên bề mặt trống rồi dùng đinh bằng tre đóng cố định vào thân trống mà phải bưng làm sao để có được âm thanh như ý. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề và khả năng thẩm âm của người thợ. Vì mỗi loại trống có yêu cầu về âm thanh khác nhau như: độ vang, rền và độ đanh. Nếu trống trường âm thanh phải vang, rền còn trống chèo lại đòi hỏi âm thanh trầm lắng hơn... đấy chính là bí quyết phải tích lũy suốt mấy trăm năm, không phải ai cũng có được... “Nghe tiếng trống Đọi Tam như nghe thấy tiếng đập của trái tim mình. Nghề làm trống đã thấm vào từng mạch máu, thớ thịt của tôi rồi”, đó chính là tâm sự của nghệ nhân Phạm Chí Khang, nguyên Chủ tịch Hiệp hội làng nghề trống Đọi Tam và cũng là tâm tư của bao thế hệ “giữ lửa và truyền lửa” ở làng trống Đọi Tam.
Hơn 1.000 năm tồn tại và phát triển, cũng như bao làng nghề truyền thống khác trong cả nước, nghề trống Đọi Tam cũng có lúc thăng, lúc trầm nhưng với những người gắn bó và tâm huyết với nghề như anh Hùng, bác Khang, anh Khanh và chị Nguyệt, cùng sự nhanh nhạy, năng động của người dân làng nghề, nghề trống Đọi Tam đã vượt khó thành công, ngày càng phát triển và có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Để ghi nhận và tôn vinh những giá trị của làng nghề, tháng 11/2007, làng trống Đọi Tam được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao Bằng khen “Làng nghề tiêu biểu Việt Nam". Năm 2010, trong Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Đọi Tam đã đóng góp gần 2.000 trống lớn, nhỏ, trong đó có chiếc trống to nhất Việt Nam và khu vực với chiều cao 3,1m, đường kính 2,35m, nặng khoảng 1.300kg và tháng 11/2023, một lần nữa tiếng trống hội của Đọi Tam đã vang lên trong tiết mục mở màn tại Lễ khai mạc Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long. Đây chính là động lực quan trọng để các nghệ nhân và người dân làng trống Đọi Tam tiếp tục bảo tồn và phát triển cái nghề “ cha truyền con nối” của quê hương. Để tiếng trống Đọi Tam tiếp tục vang xa.
Minh Thu