kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Xử lý nước thải, rác thải tại các làng nghề

Xử lý nước thải, rác thải tại các làng nghề

Hà Nam là một trong những địa phương có nhiều làng nghề, ngành nghề nông thôn phát triển. Bên cạnh các giá trị kinh tế, sự phát triển của làng nghề cũng kéo theo nhiều nỗi lo, thách thức về vấn đề ô nhiễm môi trường. Để các làng nghề phát triển bền vững, thời gian qua, các địa phương có nghề trên địa bàn tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở, hộ gia đình sản xuất xử lý nguồn nước thải, rác thải làng nghề, nhất là tại các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng như dệt, chế biến gỗ…

Toàn tỉnh hiện có 58/65 làng nghề được công nhận đang hoạt động, bao gồm 32 làng nghề truyền thống, 26 làng nghề. Mỗi năm, các làng nghề đạt tổng doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho trên 13.000 lao động với mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng. Trong số các làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động, có những làng nghề đã từng là điểm nóng về ô nhiễm môi trường, như làng nghề truyền thống sừng mỹ nghệ Đô Hai, làng nghề truyền thống dũa Đại Phu (Bình Lục); làng nghề truyền thống trống Đọi Tam, làng nghề thôn Yên Mỹ, làng nghề truyền thống dệt Nha Xá (Duy Tiên); làng nghề truyền thống Nhật Tân (Kim Bảng); làng nghề dệt Đại Hoàng (Lý Nhân)…

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường do khói bụi, rác thải, nước thải từ các làng nghề, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương quan tâm xử lý vấn đề này. Theo đó, tại các địa phương có làng nghề, vấn đề xử lý nước thải, rác thải làng nghề đã được quan tâm triển khai và có nhiều chuyển biến tích cực. Chẳng hạn như tại làng nghề truyền thống sừng mỹ nghệ Đô Hai, xã An Lão (Bình Lục), trước đây bụi bẩn, rác thải rắn từ chế tác sừng thường được các hộ làm nghề xả thẳng ra môi trường, ra ao, vườn, ngõ xóm gây ô nhiễm nguồn nước, không khí. Thực hiện sự chỉ đạo hướng dẫn của chính quyền địa phương, những năm gần đây, các hộ làm nghề tại thôn Đô Hai đã có phương án xử lý chất thải, bụi sừng bằng phương pháp xây dựng hệ thống lò chứa. Toàn bộ bụi, chất thải từ quá trình chế tác sừng sẽ được máy hút ra lò chứa. Các hộ làm nghề sử dụng chất thải này để ủ làm phân bón cho cây trồng hoặc bán cho các hộ trồng rau, cây cảnh trong và ngoài tỉnh.

Xử lý nước thải rác thải tại các làng nghề
Gia đình anh Phạm Hồng Hà, thôn Đô Hai, xã An Lão, Bình Lục đã đầu tư, ứng dụng hệ thống hút bụi vào lò chứa để bảo đảm vệ sinh môi trường.

Ông Nguyễn Văn Biển, Phó Chủ tịch UBND xã An Lão cho biết: Làng nghề hiện có gần 100 hộ tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ sừng. Do đó, lượng chất thải, bột sừng xả ra trong quá trình chế tác là rất lớn. Nhờ phương pháp hút rác thải vào lò chứa được các hộ ứng dụng rộng rãi, tình trạng bụi rác thải ra môi trường đã giảm đáng kể, không còn tình trạng vườn cây, đường sá bị phủ trắng bụi sừng như những năm trước đây. Trách nhiệm bảo vệ môi trường đã được các cơ sở sản xuất nhận thức đầy đủ hơn.

Còn tại làng nghề truyền thống dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam (thị xã Duy Tiên), do chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do làm nghề, nhiều hộ trong thôn đã nghiên cứu, học hỏi, ứng dụng phương pháp xử lý nước thải tại gia đình, cơ sở sản xuất. Từ đó, đã khắc phục phần nào mức độ ô nhiễm môi trường nước do nước thải gây ra.

Ông Lê Thanh Sơn, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh lụa tơ tằm Sơn Thúy, thôn Nha Xá cho biết: Ý thức rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời nhận được sự quan tâm hỗ trợ, động viên của chính quyền địa phương và các phòng, ban chức năng của thị xã, gia đình tôi đã tìm hiểu, dành nguồn kinh phí khoảng 800 triệu đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, không xả trực tiếp nước thải ra môi trường. 

Được biết, trên địa bàn thị xã Duy Tiên hiện có 9 làng nghề, làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho gần 2.300 lao động. Thời gian qua, UBND thị xã đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn chú trọng công tác bảo vệ môi trường, xử lý triệt để chất thải, rác thải làng nghề; chỉ đạo phòng tài nguyên và môi trường thường xuyên kiểm tra việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường của các làng nghề và hộ sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn các chủ hộ sản xuất viết cam kết bảo vệ môi trường và những biện pháp xử lý đối với những làng nghề có chất thải độc hại để hạn chế ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Cùng với đó, hướng dẫn các xã, phường có làng nghề xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề trình UBND thị xã phê duyệt. Đến nay, thị xã đã có làng nghề thôn Yên Mỹ (xã Chuyên Ngoại) và làng nghề truyền thống dệt Nha Xá (xã Mộc Nam) xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề. Ngoài ra, hầu hết các làng nghề trên địa bàn thị xã đã thành lập tổ thu gom rác thải, tổ tự quản về bảo vệ môi trường thực hiện tập kết và vận chuyển rác thải nói chung, rác thải làng nghề nói riêng về nơi xử lý rác tập trung, không để xảy ra ô nhiễm môi trường.

Ông Bùi Xuân Phương, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết: Hướng tới xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí về môi trường, chất lượng môi trường sống trong nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, trong thời gian tới, Phòng Kinh tế thị xã sẽ tiếp tục tham mưu với UBND thị xã chỉ đạo các xã có làng nghề triển khai xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề trình UBND thị xã phê duyệt. Cùng với đó, tham mưu với UBND thị xã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất làng nghề gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích các hộ, cơ sở sản xuất đầu tư cơ sở vật chất, dây chuyền thiết bị, công nghệ mới bảo đảm vệ sinh môi trường.    

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay, toàn tỉnh có 13/58 làng nghề đã có phương án bảo vệ môi trường được UBND huyện, thị xã, thành phố phê duyệt. Toàn tỉnh mới có 1/58 làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đó là làng nghề truyền thống dệt nhuộm Đại Hoàng. Để xử lý chất thải phát sinh trong quá trình làm nghề, tại các làng nghề đã thành lập tổ thu gom, vận chuyển rác thải về các điểm tập kết trên địa bàn để vận chuyển về các nhà máy xử lý theo quy định. Một số chất thải rắn khác, như đầu mẩu gỗ, tre, nứa… từ các làng nghề mộc, thủ công mỹ nghệ được các hộ thu gom tái sử dụng làm chất đốt.

Để duy trì, phát triển làng nghề một cách bền vững, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá các tiêu chí làng nghề, làng nghề truyền thống theo quy định của Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Đồng thời, xây dựng và triển khai phương án bảo vệ môi trường làng nghề, bảo đảm đến hết năm 2024, các làng nghề trên địa bàn tỉnh đều hoàn thành việc xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ môi trường.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy