kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3

Triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3

Sáng 8/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (tên quốc tế là Yagi). Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương; Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố 26 địa phương từ Thanh Hóa trở ra phía Bắc.

Đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nam. Ảnh Thế Trang

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND – Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh…

Bão số 3 là cơn bão rất đặc biệt, mạnh nhất trên biển Đông trong vòng 30 năm qua. Theo đó, để ứng phó với bão, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, liên tiếp ban hành 3 Công điện khẩn để chỉ đạo các bộ, ban, ngành, địa phương khẩn trương, tập trung triển khai các biện pháp ứng phó với bão. Theo chức năng, nhiệm vụ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành công điện, tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo tại cơ sở, các trọng điểm xung yếu. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thống kê sơ bộ tính đến 7 giờ ngày 8/9, bão số 3 đã làm 5 người chết và 186 người bị thương (tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội); 25 tàu xi măng và gỗ loại nhỏ bị chìm (Quảng Ninh). Đặc biệt, tại Hòa Bình đã xảy ra 1 vụ sạt lở đất làm 4 người chết, 1 người bị thương. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng. Bão làm cho trên 3.200 nhà ở bị hư hỏng; trên 400 cột điện bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ trên các tuyến đường. Về nông nghiệp, bão làm cho trên 121.500 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại; trên 5.000 ha cây ăn quả, trên 1.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi, tập trung ở các tỉnh: Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Hà Nội…

Đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3
Các đồng chí chủ trì tại hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi, chia sẻ, động viên các địa phương, gia đình, người dân bị mất mát, thiệt hại do bão số 3 gây ra. Thủ tướng đánh giá cao hiệu quả công tác dự báo, truyền thông về diễn biến của cơn bão; đồng thời ghi nhận, biểu dương sự quyết liệt, tập trung của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương, các bộ, ban, ngành, địa phương, các lực lượng liên quan trong công tác chỉ đạo, tổ chức ứng phó với bão. Bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần trên khu vực phía Tây Bắc bộ, song hoàn lưu bão còn tiếp tục gây mưa lớn cho đến hết ngày 9/9 cho các tỉnh Bắc bộ, để sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, đồng thời triển khai ứng phó với mưa lớn sau bão, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ chủ động, tích cực triển khai các giải pháp khắc phục vụ hậu quả do bão gây ra, trong đó ưu tiên cứu người, rà soát số người mất tích, cứu chữa người bị thương, bảo đảm không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, thiếu nơi nương tựa, thiếu nơi khám chữa bệnh, không để các cháu học sinh thiếu lớp học; khẩn trương khắc phục sự cố điện, nước, viễn thông; thống kê thiệt hại một cách chính xác, khách quan để có phương án khắc phục

Cùng với đó, tập trung ứng phó hoàn lưu sau bão, nhất là nguy cơ sạt lở, lũ quét tại một số tỉnh miền núi phía Bắc. Tiếp tục duy trì tốt công tác dự báo, truyền thông, hướng dẫn kỹ năng cách phòng tránh, khắc phục hậu quả cho nhân dân. Các địa phương căn cứ tình hình thực tế mức thiệt hại trên địa bàn để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Trường hợp vượt quá khả năng về kinh phí khắc phục cơ sở hạ tầng, các địa phương đề xuất phương án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Nguyên Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy