MTTQ tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực phân loại rác thải tại nguồn

“Tuyên truyền, vận động nhân dân phân loại rác thải tại nguồn và hướng dẫn quy trình ủ phân hữu cơ bằng thùng compost” là mô hình trong thực hiện Đề án của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh về “Tuyên truyền, vận động nhân dân tự quản thực hiện phân loại, thu gom rác thải, xử lý rác hữu cơ, nước thải chăn nuôi tại hộ gia đình, xây dựng cảnh quan môi trường khu dân cư xanh, sạch, đẹp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2024”.

Năm 2024, thực hiện Chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã ban hành các kế hoạch, hướng dẫn MTTQ các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung chương trình và có những cách làm sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác mặt trận năm 2024; triển khai thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Một trong các mô hình được MTTQ các cấp triển khai khá hiệu quả đó là “Tuyên truyền, vận động nhân dân phân loại rác thải tại nguồn và hướng dẫn quy trình ủ phân hữu cơ bằng thùng compost”.

MTTQ tuyên truyền vận động nhân dân tích cực phân loại rác thải tại nguồn
Mô hình phân loại, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình ở thị xã Duy Tiên.

Trên thực tế, MTTQ các cấp đã phối hợp với chính quyền, ngành liên quan vận động người dân duy trì thực hiện hiệu quả đề án "Tuyên truyền, vận động nhân dân tự quản thực hiện phân loại, thu gom rác thải, xử lý rác hữu cơ, nước thải chăn nuôi tại hộ gia đình, xây dựng cảnh quan môi trường khu dân cư xanh, sạch, đẹp"; trong đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả mô hình phân loại rác và ủ rác hữu cơ bằng thùng compost. Tính đến tháng 11/2024, mô hình đã được triển khai thực hiện có hiệu quả tại 55 khu dân cư với 2.560 hộ gia đình thuộc 46 xã đăng ký xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu. Theo đó, khu dân cư có từ 40 đến 50 hộ thực hiện mô hình do tỉnh hỗ trợ kinh phí và huyện giám sát việc triển khai thực hiện. Các hộ thực hiện phân loại rác, rác hữu cơ cho vào thùng, bỏ men vi sinh, thực hiện ủ theo cách thức đã được hướng dẫn. Sau 30 ngày rác sẽ phân hủy thành phân hữu cơ dùng để bón cho cây trồng rất hiệu quả. Riêng huyện Bình Lục, thực hiện mô hình làm men vi sinh xử lý mùi hôi chuồng trại và rác thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ tại các xã, thị trấn và làm điểm tại 551 hộ, chủ động tuyên truyền, vận động các hộ dân phân loại rác thải tại nguồn và hướng dẫn quy trình thực hiện mô hình làm men vi sinh xử lý rác thải hữu cơ theo phương pháp Bokashi.

Theo đánh giá của Ủy ban MTTQ tỉnh, qua triển khai thực hiện, mô hình đã được người dân các địa phương ủng hộ nhiệt tình và có hiệu quả thực tế rõ rệt. Việc phân loại rác, thực hiện quy trình ủ phân hữu cơ bằng thùng Compost và ủ phân hữu cơ theo phương pháp Bokashi của Nhật Bản tại các hộ gia đình giúp ngăn ngừa, hạn chế lượng rác thải ra môi trường, giảm thiểu việc ô nhiễm môi trường; giảm chi phí trong việc vận chuyển về các bãi rác thải tại bể trung chuyển và về nhà máy; tạo lượng phân hữu cơ vừa tốt, vừa an toàn để bón cho cây trồng thay thế cho phân hóa học.

Hơn thế, việc thực hiện mô hình góp phần làm thay đổi tích cực nhận thức, hành vi của các hộ dân như: biết tác hại của việc sử dụng các sản phẩm khó tiêu hủy ảnh hưởng đến môi trường, biết phân loại rác, biết ủ rác hữu cơ tạo thành phân bón cho cây trồng... từng bước hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn của người dân cũng như góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án số 01/ĐA-MTTQ-BTT, ngày 21/4/2020 của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ngày 21/4/2020 về “Tuyên truyền, vận động nhân dân tự quản thực hiện phân loại, thu gom rác thải, xử lý rác hữu cơ, nước thải chăn nuôi tại hộ gia đình, xây dựng cảnh quan môi trường khu dân cư xanh, sạch, đẹp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2024".

Báo cáo của Ủy ban MTTQ tỉnh về thực hiện Đề án 01 cho thấy, 5 năm qua, nhận thức của người dân đối với bảo vệ môi trường nói chung, phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nói riêng đã được nâng lên; 100% rác thải đô thị, 98% rác thải nông thôn được thu gom và xử lý; tình trạng đổ rác thải, chất thải ra lề đường và xuống sông ngòi, ao hồ, kênh mương thủy lợi giảm hẳn. Trong 5 năm qua, MTTQ tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế cộng đồng lựa chọn hỗ trợ tài chính, kỹ thuật thực hiện 3 sáng kiến, gồm: “Giải pháp phân loại và xử lý 100% rác thải” tại huyện Bình Lục và “Trường học với công tác bảo vệ môi trường” tại huyện Thanh Liêm; “Nói không với rác thải nhựa” tại huyện Lý Nhân, tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường tại địa phương. Toàn tỉnh có gần 3.000 hộ gia đình thuộc 55 xã được hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện mô hình ủ phân hữu cơ bằng thùng compost; trong đó, hơn 2.400 hộ đang duy trì và thực hiện hiệu quả.

Có thể thấy mô hình “Tuyên truyền, vận động nhân dân phân loại rác thải tại nguồn và hướng dẫn quy trình ủ phân hữu cơ bằng thùng Compost” là một trong những nội dung đã và đang được Ủy ban MTTQ tỉnh xác định ưu tiên thực hiện, thu hút đông đảo lực lượng, thành phần tham gia tích cực công tác bảo vệ môi trường tại địa phương. Tại dịp tổng kết 5 năm thực hiện Đề án 01/ĐA-MT, Ủy ban MTTQ tỉnh đã đánh giá cao hiệu quả, thành công của mô hình và khen thưởng 9 tập thể và 17 cá nhân có thành tích suất sắc trong thực hiện đề án, trong đó có những tập thể, cá nhân tích cực trong việc xây dựng và duy trì hiệu quả mô hình trong thực hiện Đề án.

Thu Thảo

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy