Thu gom, xử lý triệt để rác thải nông thôn

Việc xử lý rác thải nông thôn được các địa phương quan tâm, triển khai thực hiện. Phần lớn lượng rác thải sinh hoạt của người dân đã được thu gom về bãi trung chuyển sau đó đưa về nhà máy xử lý. Môi trường trong khu dân cư nông thôn cơ bản được bảo đảm, không còn những bãi rác tự phát gây mất cảnh quan và ô nhiễm môi trường... Tuy nhiên, việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải nông thôn vẫn đang gặp không ít khó khăn khi vẫn còn một lượng rác không nhỏ tồn đọng tại nơi tập kết chưa được xử lý triệt để.

Tại xã Văn Xá (Kim Bảng), việc thu gom, vận chuyển rác thải trong khu dân cư ra bể trung chuyển được giao cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN). Theo đó, HTX được trang bị 1 xe chuyên dụng gắn máy, 34 xe đẩy và các dụng cụ phục vụ người thu gom. Việc thu gom rác thải thực hiện 3 lần/tuần tại các thôn, khu dân cư trên địa bàn. Về phía người dân cùng với việc tuyên truyền, vận động phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn, xã Văn Xá hỗ trợ mỗi hộ dân 2 thùng đựng rác có ghi rõ thùng đựng rác vô cơ và hữu cơ. Tuy nhiên, do lượng rác thải ra ngày càng lớn, khoảng 100 tấn/tháng, tăng gấp 2 lần so với cách đây khoảng 5 – 7 năm. Với định mức phát thải theo quy định (0,24 kg/người/ngày) tại khu vực nông thôn của tỉnh, mỗi tháng xã Văn Xá có gần 60 tấn được doanh nghiệp vận chuyển về nhà máy xử lý. Lượng rác thải còn lại địa phương phải xử lý bằng các biện pháp tạm thời, phun hóa chất diệt ruồi định kỳ. Ông Chu Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Văn Xá cho biết: Việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải khu vực nông thôn tại địa phương đang gặp khó khăn với lượng phát thải dư thừa lớn so với định mức...

Theo số liệu tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường, 6 tháng đầu năm 2023 lượng rác thải còn tồn đọng khá lớn tại các điểm trung chuyển chưa được vận chuyển về nhà máy xử lý gây mất cảnh quan, ô nhiễm môi trường. Trong đó, thị xã Duy Tiên còn tồn đọng 36 tấn, huyện Thanh Liêm 180 tấn, Lý Nhân 380 tấn, Bình Lục 535 tấn, Kim Bảng 850 tấn. Riêng thành phố Phủ Lý không có rác tồn do được hỗ trợ xử lý rác thải khu vực công cộng tại đô thị.

Thu gom xử lý triệt để rác thải nông thôn
Khu tập kết rác thải sinh hoạt nông thôn tại xã Văn Xá (Kim Bảng). Ảnh: Kim Chi

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến nguồn rác thải khu vực nông thôn còn tồn đọng và khó khăn trong việc xử lý. Chủ yếu là do người dân tại các địa phương chưa thực hiện được việc phân loại và xử lý rác hữu cơ tại nguồn. Các loại rác thải đều thu gom vận chuyển về bãi trung chuyển, lượng rác thải đưa đi xử lý vẫn vượt quá định mức phát thải... Nhiều nơi, rác thải của làng nghề, các cơ sở sản xuất bị bỏ lẫn với rác thải sinh hoạt dẫn đến nguồn phát thải tăng lên rất nhiều.

Vì vậy, để xử lý tình trạng này, nhiều địa phương đã xác định, việc phân loại rác tại nguồn vẫn là giải pháp hữu hiệu giúp giảm lượng phát thải cần phải xử lý. Đã có nhiều địa phương làm tốt việc phân loại rác tại nguồn, điển hình như: Xã Xuân Khê (Lý Nhân) luôn duy trì được định mức phát thải (0,24 kg/người/ngày), bảo đảm thu gom, vận chuyển và xử lý toàn bộ lượng rác sinh hoạt, không bị tồn đọng tại bãi trung chuyển.

Ông Ngô Văn Quang, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Khê cho biết: Việc phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xác định là nhiệm vụ quan trọng, góp phần tạo cảnh quan, môi trường trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện nay, việc phân loại đã đi vào nề nếp giúp giảm đáng kể lượng rác sinh hoạt phát thải phải thu gom, xử lý tập trung.

Đối với nhiều địa phương, lượng rác thải từ các làng nghề, hộ sản xuất, kinh doanh khá lớn (không nằm trong diện được ngân sách nhà nước hỗ trợ vận chuyển  và xử lý tại nhà máy) dẫn đến lượng phát thải rác khu vực nông thôn tăng lên đáng kể. Thiết nghĩ, để giải quyết vướng mắc này, các địa phương cần có biện pháp thu giá dịch vụ để bù đắp chi phí cho các khâu, gồm: thu gom, vận chuyển về bãi tập trung, bốc xếp, vận chuyển về nhà máy và xử lý rác tại nhà máy.

Ông Nguyễn Quang Nghiệp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Với định mức phát thải rác sinh hoạt mới sẽ sát với tình hình thực tế, giúp vận chuyển, xử lý triệt để hơn lượng rác sinh hoạt nông thôn được thu gom. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các địa phương cần làm tốt công tác phân loại, xứ lý rác hữu cơ tại nguồn. Đồng thời, xác định khối lượng và mức thu phí vệ sinh với các đối tượng không nằm trong diện được ngân sách nhà nước hỗ trợ bốc xúc vận chuyển đến nhà máy và chi phí xử lý rác tại nhà máy để có thêm nguồn kinh phí xử lý triệt để rác thải nông thôn.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy