Hệ thống đê điều của tỉnh hiện có tổng chiều dài gần 281 km; trong đó, đê từ cấp III trở lên có tổng chiều dài 112,489 km, gồm: đê hữu Hồng (cấp I) chiều dài 38,973 km, đê tả Đáy (đê cấp III) dài 73,516 km; đê dưới cấp III có tổng chiều dài 168,505 km gồm: đê sông Nhuệ, sông Châu, sông Duy Tiên và đê Hoành Uyển. Những năm gần đây, do yêu cầu phòng chống thiên tai (PCTT) hệ thống đê điều của tỉnh đã được đầu tư nâng cấp, tu bổ, sữa chữa.
Với tuyến đê hữu Hồng cơ bản toàn bộ chiều dài đã được cứng hóa bằng bê tông, láng nhựa và asphalt, với bề mặt rộng 5 – 6 m. Tuy nhiên, các công trình đê điều trên tuyến hữu Hồng và tả Đáy vẫn còn một số vị trí mặt đê nhỏ hẹp, mái dốc, đặc biệt một số đoạn có mái thượng, hạ lưu chưa đủ so với thiết kế; một số vị trí hệ số mái đê gấp khúc cục bộ, mặt đê được gia cố từ lâu đã bị xuống cấp; đê chưa có cơ đê hoặc đã có nhưng cơ đê thấp, nhỏ; trong thân, nền đê còn nhiều ẩn họa, nhiều vị trí đã từng xảy ra sự cố…, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Trên tuyến đê bối đã được nhà nước đầu tư tu bổ nâng cấp bảo đảm ổn định, các đoạn bối còn lại hầu hết do nhân dân tự bồi trúc. Các bối đê hữu Hồng (Hồng Lý, Nhân Long, Nhân Hòa) đã ở cao trình trên báo động III; các bối đê tả Đáy ở cao trình trên báo động II... nhưng một số tuyến vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu PCTT, vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các sự cố nguy hiểm. Trong mùa mưa, bão, lũ năm 2024 đã xảy ra một số sự cố trên hệ thống đê điều của tỉnh cả trên đê sông lớn, đê sông con, đê bối mới được khắc phục tạm thời. Đây là vấn đề cần được quan tâm, xử lý triệt để giúp bảo đảm an toàn cho công trình.
Đê hữu Hồng trên địa bàn huyện Lý Nhân được đầu tư nâng cấp bảo đảm năng lực PCTT.
Ông Khương Văn Tuyến, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Thời gian qua, ngành đã tiến hành kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ hệ thống đê điều trên địa bàn, nhất là các sự cố xảy ra trong mùa mưa, bão, lũ năm 2024. Các sự cố trên hệ thống đê điều của tỉnh tuy không gây nguy hiểm trực tiếp đến công trình, nhưng cần xử lý ứng phó với diễn biến bất thuận, khắc nghiệt của thời tiết. Việc xử lý đang được khẩn trương triển khai để hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
Các sự cố xảy ra trong mùa mưa bão năm 2024 đều đang được xây dựng phương án và các bước triển khai xử lý cho từng vị trí. Với đê từ cấp III trở lên, sự cố sạt trượt mái đê phía sông, đoạn từ K154+236 – K154+280 đê hữu Hồng thuộc địa bàn xã Tiến Thắng (Lý Nhân) xảy ra đúng thời điểm lũ trên sông Hồng đang lên cao trên báo động 3 (tháng 9/2024). Ngay khi phát hiện sự cố, địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện, vật tư xử lý bảo đảm an toàn theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Để xử lý triệt để trong năm 2025, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án Xử lý sạt trượt mái đê phía sông đoạn từ K154+236 – K154+280 đê hữu Hồng từ nguồn quỹ PCTT của tỉnh. Phương án sửa chữa để bảo đảm an toàn cho đoạn đê bị sự cố là mở rộng lề đê, đắp tạo mái, cơ đê phía sông; chân cơ đê gia cố bằng rọ đá trên phạm vi ao sâu khu vực xảy ra sạt trượt. Cũng tại đê hữu Hồng, đoạn từ K152+500 – K154+500 thuộc xã Phú Phúc và Tiến Thắng (Lý Nhân) xảy ra hiện tượng thấm ướt mái đê, qua kiểm tra, đánh giá được lên phương án khoan phụt vữa gia cố thân đê… Cũng như tuyến đê sông Hồng, đê sông Đáy, một số sự cố xảy ra trong mùa mưa, bão, lũ năm 2024 đang được lên phương án xử lý triệt để. Như sự cố sạt lở chân đê hạ lưu đoạn K98+570 – K98+770 có chiều dài 20 m, bề rộng lớn nhất 1,5m. Đoạn đê này được gia cố mái đê, cơ đê phía đồng và hộ chân mái đê bằng rọ đá hộc…
Mùa mưa, bão, lũ năm nay đang đến gần, cùng với đánh giá đúng hiện trạng và xử lý các sự cố giúp bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, các địa phương cần thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Cùng với đó, cần nêu cao tinh thần chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả; chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, phương tiện, trang bị, hậu cần cho các đơn vị được giao nhiệm vụ để có thể ứng cứu ngay giờ đầu khi có tình huống xảy ra.
Mạnh Hùng