Thị xã Duy Tiên bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trong mùa mưa, bão, lũ

Thị xã Duy Tiên có tổng chiều dài các tuyến đê lên đến 81,5 km, gồm: 11,6 km đê sông Hồng, 50,2 km đê sông con (đê sông Châu, sông Nhuệ, sông Duy Tiên...) và 19,7 km đê bối. Xác định nhiệm vụ quan trọng bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều trên địa bàn trong mùa mưa, bão, lũ, nhất là đối với một số tuyến đê trọng yếu, hằng năm, thị xã đã triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều; đặc biệt, mỗi khi đến mùa mưa, bão, lũ.

Theo ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng kinh tế (Duy Tiên), để bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, trước mùa mưa, bão, lũ, thị xã Duy Tiên đã tiến hành kiểm tra, đánh giá lại hiện trạng các tuyến đê và công trình trên đê. Đồng thời, xây dựng phương án phòng, chống phù hợp, sát với thực tế năng lực của hệ thống đê điều. Cụ thể, với tuyến đê sông Hồng chạy qua địa bàn được rà soát, kiểm tra lại những đoạn mặt đê nhỏ hẹp, chưa có cơ, chưa có tre chắn sóng, nền đê yếu, hay những điểm từng xảy ra sự cố trước đây... Từ đó, triển khai công tác tuần tra, canh gác để sớm phát hiện và xử lý tốt sự cố (nếu có) ngay giờ đầu. Đây cũng là yêu cầu đặt ra trong công tác chuẩn bị trước mùa mưa, bão, lũ.

Cùng với đó, thị xã Duy Tiên cũng xác định các trọng điểm phòng, chống thiên tai trên địa bàn để chủ động ứng phó trong mùa mưa, bão, lũ. Năm 2023, thị xã xác định 2 trọng điểm cần được bảo vệ, gồm: Cống A3-1 vị trí K63+472 bờ tả đê sông Nhuệ, thuộc địa bàn phường Duy Hải và đoạn đê xung yếu từ K5+650 -K8+391 tuyến đê chắn nước Hà Tây và Tả Duy Tiên. Các trọng điểm này đều được xây dựng phương án bảo vệ với giả định các tình huống có thể xảy ra và biện pháp xử lý sự cố. Như trọng điểm cống A3-1 được xây dựng từ năm 1960, gồm 2 cửa dài 13m, cao trình đáy -0,7m. Kết cấu thân cống bằng đá xây, cánh sắt, đóng mở bằng điện. Hiện nay, cống đã được hoành triệt cửa phía đông. Do công trình xây dựng lâu đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cần được đặc biệt quan tâm có phương án kịp thời ứng cứu bảo đảm an toàn trong mùa mưa, bão, lũ.

Các tình huống giả định sự cố đặt ra cho trọng điểm: Khi có lũ, mực nước lên báo động 1, 2 cánh cống bị kênh, không kín nước hoặc nước bị rò rỉ nhiều; khi có lũ cao, mực nước đến báo động 3, xảy ra hiện tượng mạch sủi, lũ phụt trong lòng cống và nước rò rỉ hai bên mang cống. Từ các tình huống này thị xã chỉ đạo ngành chức năng có những phương án xử lý khi sự cố xảy ra. Để bảo đảm an toàn cho trọng điểm, công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” được triển khai; trong đó, thị xã chú trọng đến nguồn nhân lực, vật tư, phương tiện để có thể huy động kịp thời xử lý ngay giờ đầu khi có sự cố xảy ra.

Thị xã Duy Tiên bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trong mùa mưa bão lũ
Cán bộ giao thông - xây dựng xã Mộc Nam (thị xã Duy Tiên) kiểm tra lượng bao tải dự trữ phục vụ PCT. 
Ảnh: Kim Chi

Nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều trong mùa mưa, bão, lũ, thị xã Duy Tiên chỉ đạo các địa phương có đê đi qua xây dựng phương án chủ động ứng phó. Với xã Mộc Nam, nằm dọc tuyến đê sông Hồng có chiều dài 2,553 km. Trên tuyến đê tại địa bàn xã có trọng điểm phòng, chống thiên tai cấp tỉnh cống Mộc Nam được xây dựng từ năm 1968, hiện đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Để bảo vệ tuyến đê sông Hồng và trọng điểm phòng chống thiên tai cấp tỉnh, xã Mộc Nam thành lập ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn riêng tuyến đê sông Hồng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Trên địa bàn xã có 3 điếm canh đê (số 122, 123 và 124), giao cho các trưởng điếm có trách nhiệm phụ trách lực lượng tuần tra gác điếm (mỗi điếm 12 người) làm nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, phát hiện mọi diễn biến của đê, kè, cống, báo ngay cho chính quyền xã khi có hiện tượng bất thường xảy ra, nhất là khi mực nước lũ sông Hồng lên cao theo các cấp báo động... Hiện, xã đã xây dựng lực lượng xung kích có 100 người sẵn sàng huy động khi có sự cố trên hệ thống đê điều. Đối với vật tư dự trữ được chuẩn bị đầy đủ cả về số lượng, chủng loại và chất lượng, từ đá hộc, đá 4x6, đá 1x2, đến cát vàng, tre, đất dự trữ… Riêng bao tải, vào đầu mùa mưa, bão, lũ năm nay xã Mộc Nam đã mua mới 3.000 chiếc để thường trực trong kho của UBND xã sử dụng ngay khi cần thiết.

Theo ông Nguyễn Mạnh Trinh, Chủ tịch UBND xã Mộc Nam, địa phương đặt ra mục tiêu chủ động và sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho hệ thống đê điều. Trong đó, công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” được thực hiện tốt để có thể huy động ngay khi có lệnh.

Theo đánh giá, đến thời điểm này, hệ thống đê điều trên địa bàn thị xã Duy Tiên cơ bản đáp ứng được yêu cầu phòng, chống thiên tai nhờ được duy tu, sửa chữa thường xuyên theo kế hoạch hằng năm. Tuy nhiên, trên các tuyến đê vẫn có những ẩn họa khó lường, nhất là khi xảy ra thiên tai bão, lũ. Do vậy, việc chủ động triển khai các biện pháp chuẩn bị giúp bảo đảm an toàn cho các tuyến đê và công trình trên đê của thị xã trong mùa mưa, bão, lũ.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy