Những năm qua, huyện Thanh Liêm chủ yếu áp dụng phương pháp gieo thẳng, chiếm trên 90% diện tích gieo cấy lúa. Áp dụng phương thức sản xuất này, người dân phải sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ tính giai đoạn đầu vụ, phải phun 2 lần thuốc trừ cỏ (tiền và hậu nảy mầm), thuốc diệt trừ ốc bươu vàng. Do lúa gieo thẳng có mật độ dày, các đối tượng sâu, bệnh phát sinh, phát triển và gây hại mạnh hơn lúa cấy nên số lần phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa gieo thẳng tăng từ 1 – 2 lần/vụ so với lúa cấy.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường đồng ruộng, Thanh Liêm tích cực chuyển đổi phương thức gieo cấy. Theo đó, các địa phương trong huyện đã áp dụng phương pháp cấy lúa bằng máy thay thế lúa gieo thẳng. Như vụ xuân 2023, diện tích lúa cấy bằng máy của huyện đạt hơn 2.100 ha, chiếm 40% diện tích. Nhiều địa phương có diện tích lúa gieo thẳng cao, chiếm trên 60% diện tích, như các xã: Thanh Tân, Liêm Sơn và thị trấn Tân Thanh… Thực tế những diện tích áp dụng cấy lúa bằng máy không những giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật trên 20%, mà còn cho năng suất cao hơn bình quân khoảng 20% so với lúa gieo thẳng.
Ông Lý Ngọc Hội, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thanh Liêm cho biết: Việc triển khai phương pháp cấy lúa bằng máy đang được mở rộng hàng vụ. Mục tiêu của huyện trong những năm tới sẽ sử dụng phương pháp cấy lúa bằng máy thay hoàn toàn lúa gieo thẳng. Phương pháp này tạo điều kiện đưa máy bay điều khiển từ xa vào khâu phun thuốc bảo vệ thực vật giúp bảo vệ tốt hơn môi trường đồng ruộng. Trên địa bàn huyện đang có 2 máy bay điều khiển từ xa có thể đáp ứng đủ yêu cầu sản xuất.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang triển khai đồng bộ các biện pháp giúp bảo vệ môi trường đồng ruộng. Điển hình như tại xã Mộc Bắc (thị xã Duy Tiên) đã áp dụng phương pháp cấy lúa bằng máy cho gần 50% diện tích; đồng thời, sử dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật cho hơn 60% diện tích lúa. Từ cách làm này, các đợt phòng trừ sâu, bệnh được thực hiện tập trung và toàn bộ vỏ bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật được thu gom, xử lý triệt để… Theo ông Tống Văn Bính, Giám đốc HTXDVNN Mộc Bắc, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào các khâu trong sản xuất là biện pháp hiệu quả bảo vệ môi trường đồng ruộng. Từ cách làm này, từng bước xóa bỏ tình trạng người dân lạm dụng, dùng sai thuốc bảo vệ thực vật trong mùa vụ…
Cùng với tăng cường áp dụng các phương pháp sản xuất mới, đưa cơ giới vào đồng ruộng, góp phần bảo vệ môi trường, các địa phương trong tỉnh chú trọng thực hiện thu gom xử lý vỏ bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật. Theo đó, nhiều địa phương khôi phục, bổ sung thùng rác trên các cánh đồng. Đặc biệt, những xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao đều triển khai đồng bộ việc đặt thùng rác đồng ruộng và tuyên truyền, hướng dẫn người dân thu gom vỏ bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Đồng thời, ký hợp đồng với doanh nghiệp có chức năng vận chuyển, xử lý triệt để loại rác thải đồng ruộng nguy hại này.
Tại Xã Trần Hưng Đạo (Lý Nhân) được sự hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, năm 2022 đã xây dựng mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật” tại 2 thôn: Thổ Ốc và Hoàng Xuyên. Theo đó, trên cánh đồng 2 thôn này được đầu tư 25 bể rác đồng ruộng bằng khẩu cống bê tông, có nắp đậy. Đồng thời, người dân 2 thôn tham gia mô hình được tập huấn thu gom vỏ bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật. Sau thời gian thu gom, khi các bể rác đồng ruộng đầy sẽ được doanh nghiệp ký hợp đồng về vận chuyển đi xử lý.
Ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá: Vỏ bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng vẫn còn tồn dư một lượng thuốc nhất định. Do vậy, thực hiện thu gom và đưa đi xử lý là biện pháp triệt để góp phần quan trọng bảo vệ môi trường đồng ruộng. Đây là vấn đề cần được các địa phương, HTXDVNN quan tâm tuyên truyền và tổ chức thực hiện đến cơ sở, người dân. Toàn tỉnh hiện nay đã có khoảng 3.000 chiếc thùng rác đồng ruộng được đặt tại nơi thuận tiện trên các cánh đồng.
Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện nay, một năm tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng khoảng 80 – 90 tấn. Thực tế, đã có tình trạng một bộ phận người dân trong quá trình sản xuất lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, gộp cùng lúc một số loại không cần thiết phun phòng trừ sâu, bệnh, diệt cỏ… không theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật bảo vệ thực vật. Việc các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp từ tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn đến áp dụng phương thức sản xuất mới và thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường đồng ruộng. Qua đó, bảo vệ sức khỏe cho cả người sản xuất, người tiêu dùng và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.
Mạnh Hùng