Thời gian qua, nhiều dự án sử dụng đất vào mục đích phi nông nghiệp được thực hiện, tạo nên những biến động về đất đai. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất đối với các dự án, nhất là các dự án đô thị, giao thông.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai được ban hành khá đầy đủ đã góp phần hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý nhà nước về đất đai. Ở tỉnh ta, công tác quản lý nhà nước về đất đai nói chung và sử dụng đất đối với các dự án nói riêng đã được tăng cường, tạo ra những chuyển biến tích cực, góp phần sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Qua đó thúc đẩy, khơi thông nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho các địa phương chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư thuận lợi. Trong đó, công tác quản lý việc sử dụng đất đối với các dự án đầu tư ngày càng chặt chẽ ở nhiều khâu, như: chấp thuận chủ trương đầu tư; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất ở các huyện, thành phố; bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất lúa; bổ sung danh mục dự án vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm ở các địa phương trong tỉnh...
Công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất phục vụ các dự án cũng được thực hiện nghiêm túc, có sự phối hợp chặt chẽ trong quản lý, giám sát của cơ quan chức năng. Các dự án đủ điều kiện theo quy định mới được cấp có thẩm quyền ra quyết định chấp thuận giao đất và cho thuê đất. Công tác định giá đất được thực hiện theo nguyên tắc và phương pháp cụ thể, theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá, theo thời hạn sử dụng đất... Trong hơn 2 năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham gia thẩm định hơn 110 phương án giá đất để làm cơ sở tính thu tiền sử dụng đất, tính đơn giá thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm, bồi thường khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất đúng mục tiêu, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, các huyện, thành phố, thị xã đã đề nghị xin điều chỉnh, bổ sung trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, có 43 công trình, dự án xin được điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (giai đoạn 2016-2020). Trong đó, riêng huyện Lý Nhân điều chỉnh hủy bỏ 12 công trình, dự án đã có trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt, gồm các dự án dân cư, công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật, thương mại dịch vụ, trường học... để bổ sung 01 dự án khu dân cư Nhân Chính, với diện tích 12,4 ha; điều chỉnh hủy bỏ 9 công trình, dự án đã có trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất được duyệt để bổ sung 1 dự án khu dân cư, làng nghề tại xã Nhân Khang, thị trấn Vĩnh Trụ. Thành phố Phủ Lý có 12 công trình, dự án xin điều chỉnh, bổ sung, trong đó có 10 công trình điều chỉnh địa điểm thực hiện nhưng không làm thay đổi diện tích dự án. Việc xin điều chỉnh các dự án là cần thiết và đúng theo quy định nhằm giúp các địa phương có căn cứ để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp với yêu cầu phát triển.
Năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 15 dự án được đưa vào danh mục các dự án thu hồi đất bổ sung, với tổng diện tích 67,1 ha, các dự án này đã có quyết định phê duyệt dự án, quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, kết quả lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ mời thầu; 22 dự án chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa bổ sung năm 2020, với tổng diện tích đất lúa 26,4 ha, các dự án sử dụng đất lúa chuyển đổi mục đích sang lĩnh vực giao thông, đô thị, trụ sở cơ quan...
Yêu cầu đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai không chỉ là quản lý để sử dụng đất tiết kiệm, đúng mục đích, mà còn là tính hiệu quả. Chính sách tài chính về đất đai luôn là yếu tố quan trọng đóng góp nguồn thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Các đô thị phát triển nhanh, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại, hình thành không gian sống tốt hơn cho người dân. Cơ sở hạ tầng giao thông, kinh tế cơ bản được bảo đảm, góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển, chính sách an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ với chính sách phát triển đô thị. Quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội làm tăng nhu cầu sử dụng đất vào các mục đích phi nông nghiệp, nếu không quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến thất thu ngân sách từ sử dụng đất và để lại nhiều hệ lụy, khó giải quyết.
Hiện nay, còn tình trạng một số dự án đầu tư có sử dụng đất đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chậm tiến độ sử dụng, gây nên tình trạng lãng phí. Việc chuẩn bị hồ sơ dự án, thực hiện thủ tục hành chính và triển khai đầu tư xây dựng của một số chủ dự án còn chưa tuân thủ đầy đủ theo quy định pháp luật. Có hồ sơ không đủ thành phần, nội dung và chất lượng không đạt yêu cầu.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý sử dụng đất hiện nay, ngoài vấn đề thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư, cần quan tâm nhiều hơn đến giải pháp vốn hóa đất đai. Bởi tài chính đất đai là yếu tố có tầm quan trọng, nhất là trong quản lý đất đô thị. Do vậy, cần hệ thống tài chính đất đai đô thị hiệu quả nhằm tránh lãng phí và thất thoát các nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ đất. Vốn hóa từ đất đai có thể thực hiện bằng nhiều cơ chế khác nhau, như: sắp xếp lại việc sử dụng đất công, thu giá trị đất tăng thêm do đầu tư phát triển hạ tầng và tiện ích công cộng, quản lý chặt chẽ việc sử dụng quỹ đất để đổi lấy hạ tầng…
Có thể nói, quản lý nhà nước về đất đai cần những giải pháp đồng bộ. Trong đó, những giải pháp mang tính căn bản vẫn phải được coi trọng, nhất là công tác xây dựng quy hoạch, bảo đảm quy hoạch sử dụng đất có tầm nhìn và chặt chẽ hơn. Có sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp, ngành và địa phương trong việc lập quy hoạch; tăng cường kiểm tra, quản lý, bổ sung, thu hồi kịp thời các dự án sử dụng đất trái với quy định của pháp luật. Cùng với đó là giải pháp tháo gỡ cho các dự án đầu tư đang gặp vướng mắc về luật.
Bích Huệ