Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường khu vực Tây Đáy

Thực hiện Chương trình số 28-CTr/TU ngày 30/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là khu vực Tây sông Đáy và sông Nhuệ (Chương trình số 28), thời gian qua, bên cạnh công tác tuyên truyền, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là tại khu vực Tây Đáy. Nhờ đó, môi trường khu vực Tây Đáy đã được cải thiện đáng kể, các doanh nghiệp đã ý thức được trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ môi trường.

Để cải thiện môi trường khu vực Tây Đáy, thời gian qua, các sở, ngành chức năng của tỉnh và 2 huyện Kim Bảng, Thanh Liêm đã tích cực chỉ đạo những doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, cảng nội địa khu vực Tây Đáy thực hiện nghiêm việc xây dựng nhà bao che, xây dựng hệ thống che chắn máng rót tại các cầu cảng để ngăn chặn phát tán bụi từ hoạt động sản xuất ra ngoài môi trường; đôn đốc doanh nghiệp triển khai trồng cây xanh trên các tuyến đường và khuôn viên nhà máy; thường xuyên rà soát những nội dung cam kết về bảo vệ môi trường của  doanh nghiệp; tổ chức kiểm tra, thanh tra môi trường, thanh tra hoạt động khai thác khoáng sản, kịp thời xử lý cảng, máng rót, phương tiện chở vật liệu quá tải, gây ô nhiễm môi trường…

Giai đoạn 2021-2022, Công an tỉnh và tổ giám sát hoạt động bảo vệ môi trường khu vực Tây Đáy đã kiểm tra, phát hiện vi phạm, tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt đối với 8 doanh nghiệp. Các hành vi vi phạm chủ yếu của doanh nghiệp bị phát hiện, xử lý do không thực hiện việc phun nước nhằm giảm thiểu bụi tại trạm nghiền sàng trong quá trình hoạt động; không vận hành thường xuyên các công trình bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Sở Công thương cũng đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 350 triệu đồng đối với 9 đơn vị sử dụng vật liệu nổ công nghiệp về hành vi khai thác khoáng sản không đúng thiết kế, vi phạm quy chuẩn kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp…

Tăng cường kiểm tra giám sát công tác bảo vệ môi trường khu vực Tây Đáy
Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn (xã Thanh Sơn, Kim Bảng) thường xuyên tổ chức quét dọn vật liệu rơi vãi, làm sạch các tuyến đường và khuôn viên nhà máy. Ảnh: Hân Hân

Nhờ đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đến nay, các nhà máy xi măng tại khu vực Tây Đáy đã thực hiện lắp đặt, duy trì hệ thống quan trắc khí thải tự động; 3 nhà máy xi măng đã lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt khí thải để phát điện nhằm tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường; 100% doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản khu vực Tây Đáy đã chủ động thực hiện quét dọn, phun nước giảm thiểu bụi trên các tuyến đường và tiến hành trồng trên 10 vạn cây xanh xung quanh các trục đường vận chuyển, khuôn viên nhà máy…

Trung tá Nguyễn Minh Đức, Trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh cho biết: Thực hiện Chương trình số 28, từ năm 2022 đến nay, Công an tỉnh đã ban hành 6 kế hoạch và mở 3 đợt cao điểm tăng cường lực lượng tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường. Cùng với đó, duy trì 10 tổ công tác kiểm tra cố định tại một điểm và tổ chức tuần tra lưu động, sử dụng cân xách tay cân 100% các loại xe có dấu hiệu vi phạm về tải trọng, cơi nới kích thước thành thùng xe, không che phủ bạt để vật liệu rơi vãi gây ô nhiễm môi trường. Qua đó, đã xử lý 1.682 trường hợp xe vi phạm quá tải trọng; phát hiện, xử lý 505 vụ vi phạm pháp luật về môi trường. Riêng khu vực Tây Đáy, lực lượng cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) đã kiểm tra, phát hiện 2 doanh nghiệp không thực hiện phun nước giảm thiểu bụi tại trạm nghiền sàng trong quá trình hoạt động và trình UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt 2 doanh nghiệp này.

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Liêm, khu vực Tây Đáy có trên 60 mỏ khai thác đá, gần 20 bãi chế biến vật liệu xây dựng, nhiều nhà máy xi măng, cảng, máng rót hoạt động ngày đêm, từng khiến cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Thanh Liêm đã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường chấn chỉnh hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp; bố trí kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường, thực hiện các biện pháp xử lý sự cố khắc phục ô nhiễm môi trường. Trong đó, chú trọng phương án trồng cây xanh, xử lý chất thải, kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa nâng cấp hạ tầng giao thông, huy động nguồn lực xây dựng hệ thống rửa xe tự động… Ông Đỗ Văn Trường, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Liêm cho biết: Khoảng một năm trở lại đây, phần lớn các doanh nghiệp vùng Tây Đáy đã thực hiện khá tốt công tác bảo vệ môi trường. Mức độ ô nhiễm một số khu vực trọng điểm có xu hướng giảm, đặc biệt tại khu vực dân cư thôn Đồng Ao, xã Thanh Thủy đã giảm 65% so với năm 2021. Tình trạng người dân phản ánh thông tin liên quan đến vấn đề gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã giảm nhiều so với những năm trước đây.

Điển hình như tại Công ty cổ phần Xi măng Xuân Thành (xã Thanh Nghị, Thanh Liêm), với phương châm: “Phát triển sản xuất, kinh doanh phải gắn liền với trách nhiệm bảo vệ môi trường”, công ty đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. Cụ thể như việc đầu tư, ứng dụng hệ thống máy thu phát điện nhiệt dư giúp công ty tiết kiệm năng lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và cắt giảm sự phát thải khí hiệu ứng nhà kính, bảo đảm sức khoẻ của công nhân lao động. Để xử lý bụi phát sinh do hoạt động vận chuyển khoáng sản, công ty cũng đã bố trí hố lắng để rửa bánh xe, lắp đặt trạm xịt rửa cao áp tự động rửa hai bên sườn xe khi ra vào khu khai thác. Toàn bộ chất thải nguy hại phát sinh gồm rẻ lau dính dầu, dính mỡ thải, ắc quy được công ty thu gom, ký hợp đồng với đơn vị chức năng vận chuyển xử lý theo quy định.

Ông Vũ Quang Bắc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xi măng Xuân Thành khẳng định: Chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, công ty đã triển khai quyết liệt các biện pháp giảm thiểu phát thải bụi của quá trình sản xuất ra môi trường. Theo đó, công ty đã lắp đặt công nghệ lọc bụi túi, lọc bụi tĩnh điện khép kín, hiện đại; sử dụng hệ thống quan trắc môi trường tự động, kết nối trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường, bảo đảm nồng độ bụi luôn ở dưới mức cho phép theo quy định của Nhà nước. Cùng với đó, lắp đặt camera an ninh giám sát bụi, khí thải để có giải pháp khắc phục kịp thời; đầu tư hệ thống rửa xe tự động, xe tưới đường, xe hút bụi và tham gia trồng nhiều cây xanh xung quanh nhà máy nhằm nâng cao chất lượng môi trường làm việc, giúp cán bộ, công nhân viên và người dân địa phương yên tâm sinh sống, sản xuất.

Trước thực trạng, ý thức, trách nhiệm của một số doanh nghiệp khu vực Tây Đáy còn hạn chế, chưa thực hiện đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường khiến môi trường khu vực này vẫn còn ô nhiễm, tỉnh Hà Nam đang tích cực chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra về công tác bảo vệ môi trường  trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Phấn đấu, đến năm 2025, các khu vực ô nhiễm nghiêm trọng ở khu vực Tây Đáy sẽ giảm 50% mức độ ô nhiễm bụi; 100% các xe vận chuyển vật liệu có che phủ, chở đúng trọng tải, không làm rơi vãi vật liệu ra đường; 100% nhà máy xi măng có hệ thống thu hồi nhiệt phát điện…

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy