Những năm qua, các dự án xây dựng nhà ở được các cấp, ngành và hộ gia đình thực hiện bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh theo Chương trình phát triển nhà ở trong từng giai đoạn. Trên cơ sở quy hoạch quỹ đất phát triển các loại hình nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư, nhà ở của nhân dân, nhà ở công vụ và nhà ở xã hội, thời gian qua các dự án được triển khai xây dựng phù hợp cho mọi đối tượng. Trong đó, ưu tiên xây dựng nhà ở cho người có công, người thu nhập thấp, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp.
Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hà Nam được thực hiện đa dạng các loại hình, phân khúc nhà ở, xây nhà theo mẫu, phát triển nhà ở thương mại theo dự án bảo đảm kiến trúc hiện đại, đồng bộ và hạn chế tình trạng đất phân lô bán nền. Quá trình xây dựng nhà tại các đô thị từ loại II trở lên, tỉnh ta đã có chủ trương giảm tỷ lệ nhà ở thấp tầng và phát triển nhà ở chung cư.
Theo đó, các dự án nhà ở xã hội, thiết chế công đoàn, nhà ở công nhân được xây dựng theo thiết kế về hạ tầng kỹ thuật, xã hội bảo đảm theo hướng không gian xanh, kiến trúc hiện đại. Tại đây, dành 20% quỹ đất của dự án sử dụng làm đất nền thương mại nhằm thu hút vốn xây dựng hạ tầng, đồng thời tạo điểm nhấn cho mỗi công trình. Với 3 dự án đang triển khai xây dựng nhà ở xã hội, một khu thiết chế công đoàn, 3 dự án nhà ở công nhân có tổng diện tích đất xây dựng theo thiết kế đạt gần 50 ha; trong đó, có một dự án nhà ở xã hội quy mô khoảng 2,84 ha, tổng diện tích sàn nhà ở là 1.921m2, tương đương 323 căn và một dự án nhà ở xã hội khởi công tháng 4/2022 trên diện tích 4,9 ha gồm 4 khối nhà 9 tầng với 564 căn hộ, mỗi căn diện tích từ 36,2m2 – 68,9m2. Các căn hộ được thiết kế tối ưu hóa công năng sử dụng, đáp ứng nhu cầu ở và sinh hoạt của mọi đối tượng.
Để đẩy nhanh việc xây dựng các dự án nhà ở xã hội, tỉnh đã có những biện pháp tháo gỡ vướng mắc nhằm kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm tham gia. Trong năm 2022, UBND tỉnh giao cho các sở, ngành phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh xây dựng 2 Đề án hỗ trợ tín dụng chính sách mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở và Đề án hỗ trợ vốn tín dụng chính sách cho các đối tượng khó khăn về nhà ở, đối tượng thiếu việc làm, bảo đảm đủ vốn phục vụ cho vay. Theo kế hoạch từ năm 2023 – 2025, trên địa bàn sẽ khởi công xây dựng 2 dự án nhà ở xã hội với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng.
Với các giải pháp thực hiện trong Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh năm 2021, tổng diện sàn nhà ở trên địa bàn đạt 22.648.780m2, trong đó, khu vực đô thị là 10.135.962m2 sàn, khu vực nông thôn 12.521.818m2 sàn. Cùng với đó, tỉnh ta đang triển khai 68 dự án nhà ở thương mại và dự kiến sau khi các dự án hoàn thành sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 9,8 triệu m2 sàn, đáp ứng cho khoảng 52 nghìn người ở. Hiện các tiêu chí về bình quân diện tích sàn nhà của tỉnh theo tỷ lệ người dân đã đạt và vượt chỉ tiêu theo kế hoạch. Năm 2021 bình quân đạt 26,4m2 sàn/người, tăng 1m2 sàn/người so với năm 2020. Trong đó, khu vực đô thị đạt 32,5m2 sàn/người và nông thôn là 23,8m2 sàn/người. Chất lượng nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt tỷ lệ 99,94%. Đến năm 2022, tỷ lệ bình quân toàn tỉnh ước đạt 26,68m2 sàn/người (đô thị là 32,97m2 sàn/người, nông thôn 24,14m2 sàn/người). Phát triển đa dạng các loại hình nhà ở đã góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Năm 2022 tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh ta ước đạt 38,1%, tăng 0,5% so với năm 2021.
Mặc dù vậy, trong quá trình thực hiện Chương trình phát triển nhà ở gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Trước hết, các văn bản pháp quy của Nhà nước về đầu tư xây dựng thường xuyên có sự thay đổi, bổ sung; sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong quy hoạch, xây dựng tại một số khu đô thị, khu nhà ở chưa chặt chẽ, từ đó phát sinh những tồn tại ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Riêng đối với nhà ở xã hội, công tác khảo sát, lập dự án xây dựng thời gian kéo dài. Trong khi đó, việc xây dựng nhà ở xã hội không mang lại lợi nhuận cao cho chủ đầu tư như các loại hình nhà ở thương mại, đất nền thương mại. Đặc biệt, nhà ở xã hội bị khống chế về tiêu chuẩn thiết kế, loại nhà ở, mức trần giá bán, cho thuê, cho thuê mua, lợi nhuận định mức, đối tượng thuê mua. Và hơn nữa, hiện tại Nhà nước chưa có chính sách ưu đãi để tạo sự khác biệt giữa nhà ở xã hội với đất nền thương mại, vì vậy khó thu hút doanh nghiệp lớn đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư.
Từ thực tế đó, khi lập Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã có sự điều chỉnh các mục tiêu, quy mô, loại hình nhà ở, nhất là nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu của người dân. Và ngày 22/4/2022, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 diện tích bình quân về nhà ở của tỉnh ta đạt 29m2 sàn/người (khu vực đô thị 33,4m2 sàn/người và khu vực nông thôn đạt 26,6m2 sàn/người). Để phát triển đa dạng loại hình nhà ở phù hợp thực tế, tỉnh chỉ đạo cần quản lý chặt chẽ công tác lập quy hoạch tại các khu đô thị, khu nhà ở hiện đại, có kiến trúc cảnh quan đồng bộ; khẩn trương hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thu hút người dân đến ở; chủ động quy hoạch, bố trí đất phát triển nhà ở, đặc biệt quan tâm quỹ đất tái định cư, đất xây dựng nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Thời gian qua, tỉnh khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các chủ đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Việc xây dựng nhà ở xã hội phù hợp với khả năng chi trả của người có thu nhập thấp, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, các đối tượng thụ hưởng chính sách. Bên cạnh đó, quan tâm phát triển nhà ở thương mại có diện tích trung bình và giá hợp lý, nhà ở cho thuê, mua, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân. Mặt khác, tăng tỷ trọng nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại và nhà ở chung cư để bảo đảm sử dụng tiết kiệm mọi nguồn lực, nhất là tài nguyên đất đai. Việc nâng cao tỷ lệ xây dựng nhà ở tại các khu đô thị, khu dân cư đã hình thành phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt./.
Phùng Thống