kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Nguy cơ mầm bệnh do biến đổi khí hậu làm tan băng Bắc cực

Nguy cơ mầm bệnh do biến đổi khí hậu làm tan băng Bắc cực

Nhiệt độ ấm hơn tại Bắc cực đang làm tan tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở khu vực này và có thể làm thức tỉnh những con virus đã nằm bất động hàng chục nghìn năm, theo đó có thể gây nguy hiểm đối với sức khỏe của con người và động vật.

Một đại dịch bùng phát do một căn bệnh từ quá khứ xa xôi - điều này nghe giống như một bộ phim khoa học viễn tưởng, song các nhà khoa học cảnh báo rằng nguy cơ này, mặc dù thấp, đang bị xem thường. Rác thải hóa học và phóng xạ có từ thời Chiến tranh lạnh cũng có thể được giải phóng trong băng tan này, từ đó có thể đe dọa sự sống của các loại động thực vật trong tự nhiên và gây rối loạn hệ sinh thái.

Nguy cơ mầm bệnh do biến đổi khí hậu làm tan băng Bắc cực
Băng lở từ sông băng Apusiajik ở gần Kulusuk, Greenland, ngày 17/8/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ông Kimberley Miner, một nhà khoa học khí hậu tại Phòng thí nghiệm đẩy phản lực của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA thộc Viện Công nghệ California ở Pasadena, nhấn mạnh: "Có nhiều hiện tượng đang diễn ra với tầng đất đóng băng vĩnh cửu này gây quan ngại, và điều đó thực sự cho thấy vì sao việc tối quan trọng là chúng ta phải giữ các tầng đất đóng băng vĩnh cửu nhiều nhất có thể".

Để hiểu rõ hơn nguy cơ từ các virus bị đóng băng, ông Jean-Michel Claverie, Giáo sư danh dự về y học và gene tại Đại học Aix-Marseille ở Marsheille, Pháp, đã xét nghiệm các mẫu đất lấy từ tầng đất đóng băng ở Siberia (Nga) để xác định liệu có virus nào chứa trong đó vẫn có khả năng lây lan hay không. Nhà khoa học này cho biết ông đang tìm kiếm "virus xác sống" và đã tìm thấy một số.

Năm 2014, Claverie đã làm sống lại một loại virus mà ông và nhóm của ông tách ra từ tầng lớp đóng băng vĩnh cửu, làm cho chúng có thể lây nhiễm lần đầu tiên trong 30.000 năm bằng cách tiêm chúng vào các tế bào được nuôi cấy. Để an toàn, ông đã chọn nghiên cứu loại virus chỉ có thể lây nhiễm cho các amoebas - một chi động vật nguyên sinh chỉ có 1 tế bào, mà không lây nhiễm được cho động vật hay con người.

Ông Claverie lặp lại thành công này vào năm 2015 khi tách một loại virus khác cũng chỉ lây nhiễm cho amoebas. Trong nghiên cứu mới nhất được đăng tải trên tạp chí Viruses ngày 18/2 vừa qua, ông Claveire và nhóm của ông đã tách một số chủng virus cổ đại từ nhiều mẫu tầng đất đóng băng vĩnh cửu lấy từ 7 địa điểm khác nhau ở Siberia và cho thấy chúng có thể lây nhiễm cho các tế bào amoebas được nuôi cấy.

Giáo sư danh dự Birgitta Evengard tại Khoa vi sinh vật lâm sàng, Đại học Umea, Thụy Điển, cho rằng cần giám sát tốt hơn về nguy cơ từ các mầm bệnh tiềm tàng trong các tầng đất đóng băng vĩnh cửu đang tan, tuy nhiên không nên hoang mang.

Mặc dù có 3,6 triệu người sinh sống, Bắc cực vẫn là nơi có mật độ dân cư thấp, do đó nguy cơ con người tiếp xúc với các loại virus cổ đại là rất thấp. Tuy nhiên, nguy cơ sẽ gia tăng trong bối cảnh ấm lên toàn cầu.

Năm 2022, một nhóm các nhà khoa học đăng tải nghiên cứu về các mẫu đất và trầm tích hồ lấy từ hồ Hazen, một hồ nước ngọt ở Canada nằm trong Vòng Bắc cực. Họ giải trình tự gene trong vật liệu gene ở trầm tích để xác định dấu vết virus và các bộ gene của vật chủ tiềm tàng là cây và động vật trong khu vực này.

Sử dụng một phân tích mô hình máy tính, các nhà khoa học cho rằng nguy cơ virus lan sang vật chủ mới cao hơn tại các địa điểm gần với nơi những lượng lớn nước băng tan chảy vào hồ, một kịch bản dễ xảy ra hơn trong bối cảnh khí hậu ấm lên.

Nhà khoa học Miner tại Phòng thí nghiệm lực đẩy phản lực của NASA cho rằng hiện tại khó xảy ra khả năng con người lây nhiễm trực tiếp các mầm bệnh cổ xưa giải phóng từ tầng đất đóng băng vĩnh cửu. Tuy nhiên, Miner lo ngại về những vi sinh vật mà bà gọi là Methuselah (đặt theo tên một nhân vật trong Kinh Thánh có tuổi thọ dài nhất). Đó là các vi sinh vật có thể đưa các động lực của các hệ sinh thái cổ xưa vào Bắc cực ngày nay, với những hậu quả không lường trước được.

Theo bà Miner, sự tái xuất hiện của các vi sinh vật cổ xưa có khả năng thay đổi thành phần của đất và sự tăng trưởng của thực vật, có thể đẩy nhanh hơn tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy, theo bà, cách tốt nhất là nỗ lực ngăn chặn quá trình tan băng cũng như cuộc khủng hoảng khí hậu, qua đó giữ những mối nguy hiểm này bị chôn mãi mãi trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu.

Theo Thúc Anh (TTXVN)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy