Công tác quản lý tài nguyên nước những năm gần đây được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật. UBND tỉnh yêu cầu ngành chức năng lập và sớm công bố danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp, lấn chiếm trên địa bàn. Theo đó, các địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và giảm nguy cơ ô nhiễm chất lượng nguồn nước, tăng khả năng tiêu thoát nước trong khu dân cư.
Qua rà soát, thống kê, cập nhật số liệu của các địa phương, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tham mưu với UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung danh mục đầm, ao, hồ không được san lấp phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội theo từng giai đoạn. Đến nay, toàn tỉnh có 626 hồ, ao, đầm với tổng diện tích gần 14.541.000m2 mặt nước, trong đó thành phố Phủ Lý có 25 hồ, đầm diện tích hơn 714.400m2; thị xã Duy Tiên có 204 hồ, ao, đầm diện tích 1.606.463m2; huyện Lý Nhân 121 hồ, ao, đầm diện tích 3.184.776m2; huyện Thanh Liêm có 93 ao, hồ, đầm diện tích 532.813m2; huyện Bình Lục có 83 hồ, ao, đầm diện tích 592.054m2; huyện Kim Bảng có 100 hồ, ao, đầm diện tích 7.910.465 m2. Sau khi công bố danh mục hồ, ao, đầm, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, yêu cầu ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Tại huyện Bình Lục hiện có 83 hồ, ao, đầm với diện tích 592.054m2 mặt nước, trong đó xã Trung Lương là địa phương có nhiều ao hồ nhất huyện với 24 ao, hồ, đầm với tổng diện tích mặt nước hơn 122.797m2. Cụ thể, tại thôn Vị Thượng có 6 ao; thôn Trung Lương 4 ao, thôn Mai Động 3 ao; thôn Đồng Quan 3 ao; thôn Duy Dương 3 ao; thôn Vị Hạ 2 ao; thôn Thượng Đồng 2 ao và một ao cửa cầu Trại của UBND xã. Ao có diện tích lớn nhất 4.000 m2 ở thôn Đồng Quan; hơn 2.813m2 ở thôn Thượng Đồng; hơn 1.347 m2 ở thôn Vị Hạ và 3 ao diện tích từ 300 – 500m2 ở các thôn: Vị Thượng, Duy Dương.
Ông Trần Hồng Thăng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thời gian qua, UBND xã tăng cường các hoạt động tuyên truyền và triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, nghiêm cấm tình trạng san lấp, lấn chiếm, xả thải tại khu vực ao làng. Xác định việc bảo vệ đầm, ao, hồ của người dân là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại gia đình văn hóa hằng năm của các hộ trên địa bàn. Chính nhờ đó, đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân sinh sống xung quanh đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ngập úng và bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn.
Trở lại xã Đồng Hóa (Kim Bảng) nơi đây hiện có 6 ao, hồ, đầm và tập trung ở các thôn: Yên Lạc, Phương Lâm, Đồng Lạc, Phương Xá với tổng diện tích 56.148 m2 mặt nước. Trong đó, hồ xóm Đá thôn Yên Lạc có diện tích lớn nhất là 10.030 m2, ao Giáp PK thôn Đồng Lạc 11.219 m2, ao giữa làng thôn Đồng Lạc 15.436 m2. Ông Ngô Thanh Hiếu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2022, xã đầu tư kinh phí xây dựng kè, làm đường xung quanh một số ao, hồ ở các thôn: Yên Lạc, Đồng Lạc với tổng kinh phí mỗi dự án khoảng 10 tỷ đồng. Đặc biệt, xã huy động xã hội hóa lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng xung quanh, xây dựng tháp giữa hồ. Các ao hồ trên địa bàn đều cho nhân dân thầu với những điều khoản quy định không xây dựng nhà kiên cố, không sử dụng thức ăn công nghiệp, thường xuyên mở cống để thông nước nhằm bảo vệ nguồn nước và môi trường nông thôn.
Theo báo cáo số 182/BC-UBND ngày 20/7/2021 của UBND huyện Thanh Liêm về kết quả rà soát, đề xuất danh mục hồ, ao, đầm, trên địa bàn có 93 ao, hồ, đầm với tổng diện tích mặt nước là 532.813m2, một số địa phương có diện tích lớn điển hình như: hồ cây Đa Hào thôn Trung Thành (xã Thanh Thủy) diện tích 35.538m2; hồ xí nghiệp Sở Núi (xã Thanh Tâm) diện tích 41.240m2; ao trường THCS thôn Dương Xá (xã Thanh Hà) diện tích 8.256m2; ao cá Bác Hồ thôn Sọng Nội Lẻ (xã Liêm Sơn) diện tích 19.418m2; đầm Nam Công (xã Thanh Tân) diện tích 35.794m2.
Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm cho biết: Theo danh mục được UBND tỉnh công bố, thời gian qua UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng, UBND xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý hồ, ao, đầm không được san lấp, lấn chiếm. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép, xả nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất trực tiếp. Cộng đồng dân cư có trách nhiệm bảo vệ và tố giác các hành vi, những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Do đó, các hồ, ao, đầm trên địa bàn được quản lý chặt chẽ, khai thác và sử dụng hiệu quả.
Thực tế, việc nghiêm cấm san lấp, lấn chiếm ao, hồ, đầm theo danh mục đã công bố góp phần tăng cường điều hòa nguồn nước, bảo vệ môi trường trong khu vực, do vậy các địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý và huy động nguồn lực của xã hội phục vụ xây dựng, chỉnh trang đầm, ao, hồ trên địa bàn
Phùng Thống