Lý Nhân bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trong mùa mưa, bão

Huyện Lý Nhân có chiều dài các tuyến đê khá lớn, với tổng số hơn 55 km; trong đó, đê hữu Hồng (đê cấp I) dài 27,343 km; đê nam sông Châu 11 km và 17,3 km đê bối. Các tuyến đê trên địa bàn huyện hằng năm đều được đầu tư tu bổ giúp nâng cao năng lực phòng chống lũ, bão. Tuy nhiên, tại các tuyến đê vẫn còn nhiều ẩn họa, nguy cơ gây mất an toàn khi có thiên tai bão, lũ xảy ra.

Thực tế, trên hệ thống đê điều của huyện Lý Nhân đã từng xảy ra các sự cố. Năm 2020 đã xảy ra một số sự cố sạt lở kè lát mái tại địa bàn xã Nguyên Lý, đê bối Hồng Lý (xã Chân Lý), sạt lở mái thượng lưu đê hữu Hồng tại địa bàn xã Chân Lý. Gần nhất, ngay những ngày đầu năm 2023 đã xảy ra cùng lúc sạt lở 3 vị trí kè lát mái Hồng Lý. Các sự cố đều được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống đê điều trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo bà Đỗ Thị Thu Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lý Nhân, việc bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều là nhiệm vụ quan trọng trong mùa mưa, bão, lũ. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu với UBND huyện xây dựng phương án và triển khai các giải pháp để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai…

Lý Nhân bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trong mùa mưa bão
Kè lát mái đê bối Hồng Lý bị sạt lở đầu năm 2023 được phát hiện sớm và kịp thời có biện pháp bảo đảm an toàn. Ảnh: Thành Nam

Qua tìm hiểu được biết, để bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều trong mùa mưa, bão, lũ, Lý Nhân đã coi công tác phòng là chính. Theo đó, huyện chỉ đạo các xã có đê thành lập và kiện toàn đội tuần tra, canh gác, bảo vệ đê khi có lũ trên các sông. Đội tuần tra bảo đảm mật độ 1 đội/km đê, tương ứng với số điếm canh đê. Số lượng thành viên mỗi đội từ 12 – 15 người, có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm, bảo đảm hoàn thành công việc được giao. Hiện toàn huyện đang duy trì 28 đội tuần tra đê, tổng quân số 435 người thuộc các xã có đê chính (đê hữu Hồng). Hoạt động tuần tra, canh gác, bảo vệ đê đã thu được hiệu quả tích cực, cơ bản các sự cố trên hệ thống đê điều thời gian qua đều được phát hiện sớm qua công tác tuần tra…

Cùng với đó, huyện Lý Nhân cũng coi trọng thực hiện tốt việc xử lý giờ đầu các sự cố trên hệ thống đê điều. Nhiệm vụ này được thể hiện trong công tác chuẩn bị thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”. Cụ thể, các sự cố khi được phát hiện kịp thời báo cáo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Đồng thời, triển khai kịp thời những biện pháp, như: Khoanh vùng khu vực sạt lở, huy động ngay vật tư, nhân lực khi cần thiết để xử lý sớm, cử lực lượng theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố, cắm biển báo nguy hiểm…

Trong công tác phòng, chống thiên tai, khi bước vào mùa mưa, bão, lũ, huyện tiến hành kiểm tra, đánh giá toàn bộ năng lực hệ thống đê điều. Từ đó, xây dựng các phương án phòng, chống sát với thực tế, nhất là xây dựng phương án bảo vệ tuyến đê sông Hồng và các trọng điểm phòng, chống thiên tai của huyện. Mùa mưa, bão, lũ năm 2023, qua kiểm tra, đánh giá, huyện Lý Nhân xác định và xây dựng phương án bảo vệ 2 trọng điểm phòng, chống thiên tai, gồm: Trọng điểm đê, kè, cống từ K129,530 – K134,300 đê hữu Hồng, thuộc 3 xã: Chính Lý, Nguyên Lý và Đạo Lý; bảo vệ đê, kè, cống từ K138,600 – K146,600 thuộc địa bàn 3 xã: Chân Lý, Trần Hưng Đạo và Nhân Thịnh. Đây là những đoạn đê đã từng xảy ra các sự cố, nhiều điểm chân đê sát với ao, hồ, khoảng cách đê đến bờ sông ngắn, đê tiếp xúc trực tiếp với nước, một số điếm xuống cấp, hư hỏng…

Ngoài ra, đoạn đê từ K129,530 – K134,300 tiếp giáp với công trình đầu mối cống và âu thuyền Tắc Giang từng bị sự cố năm 2012, hiện vẫn được xác định là trọng điểm phòng, chống thiên tai cấp tỉnh. Trong phương án bảo vệ trọng điểm, huyện Lý Nhân đặt ra các tình huống có thể xảy ra sự cố, như: Thẩm lậu mái đê do thấm; sạt lở mái đê thượng, hạ lưu; sụt lún thân đê do xói ngầm; mạch sủi, bãi sủi ở ao, hồ hạ lưu… Cùng với đó, nhân lực, vật tư, phương tiện được chuẩn bị đủ số lượng, không để bị động khi có sự cố xảy ra.

Ông Lương Thái Học, Hạt trưởng Hạt quản lý đê Lý Nhân cho biết: Việc xây dựng phương án trọng điểm là yêu cầu cần thiết trong phòng, chống thiên tai. Công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” được thực hiện tốt, giúp bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều trong mọi tính huống.

Để bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều trong mùa mưa, bão, lũ năm nay, huyện Lý Nhân triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp: kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; giao trách nhiệm cụ thể cho các thành viên… Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng, chống thiên tai cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó, mỗi người đều thấy trách nhiệm tham gia, tránh tư tưởng chủ quan trong công tác phòng, chống lũ, bão. Mục tiêu của huyện đặt ra là, giữ vững các công trình đê điều, góp phần quan trọng phòng, chống thiên tai, không để ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đời sống người dân.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy