Kim Bảng chủ động phòng, chống cháy rừng

Tình hình nắng nóng năm nay được dự báo có nhiều diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Điều này dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy trên diện tích rừng tự nhiên của huyện Kim Bảng, chiếm phần lớn rừng tự nhiên của tỉnh. Do vậy, yêu cầu đặt ra là cần chủ động phòng chống cháy, bảo vệ diện tích rừng trên địa bàn.

Xã Thanh Sơn (Kim Bảng) có hơn 700 ha rừng tự nhiên, phần lớn thuộc hệ sinh thái rừng núi đá vôi đặc trưng. Địa hình rừng núi hiểm trở, phức tạp chỉ có các đường mòn trên núi đá tai mèo. Rừng tự nhiên Thanh Sơn cũng là vùng lõi nơi loài voọc quần đùi trắng quý hiếm nằm trong sách đỏ thế giới sinh sống, đang được quy hoạch khu bảo tồn sinh cảnh loài. Do vậy, nhiệm vụ phòng chống cháy rừng luôn được địa phương quan tâm. 

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống cháy rừng, xã Thanh Sơn đã kiểm tra, xác định những vùng có nguy cơ cháy cao. Cụ thể, rừng bương (thung bương) có diện tích gần 16 ha, tại đây thảm thực vật chủ yếu là lau, sậy, dây leo, bụi rậm; khu vực Rệ Trứng diện tích 10,3 ha có thảm thực vật dễ cháy…, nhất là khu vực các doanh nghiệp khai thác đá có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, có công nhân thường xuyên hoạt động dễ xảy ra cháy.

Trước nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng, xã Thanh Sơn đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng về Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật phòng chống cháy rừng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân, chủ rừng khi ra, vào rừng phải nâng cao ý thức về việc đốt lửa, sử dụng lửa… Xã chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, phương tiện, dụng cụ và hậu cần để sẵn sàng ứng phó.

Về lực lượng, nòng cốt là dân quân, công an, kiểm lâm trên địa bàn và huy động người dân ở gần đám cháy. Chủ động đặt ra các tình huống mức độ, diện tích rừng bị cháy để sẵn sàng huy động phù hợp các lực lượng khác và người dân trong xã. Về phương tiện, dụng cụ do cơ bản là rừng núi đá nên chủ yếu chuẩn bị dao phát, câu liêm, xẻng, cuốc… Một số diện tích rừng gần hệ thống thủy lợi sử dụng máy bơm công suất lớn để bơm nước dập lửa. 

Kim Bảng chủ động phòng chống cháy rừng
Biển báo hiệu cấp độ báo cháy rừng đặt tại ven rừng thị trấn Ba Sao (Kim Bảng). Ảnh:  Kim Chi

Ông Vũ Quang Hiển, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết: Những năm qua, việc phòng chống cháy rừng luôn được UBND xã triển khai và chỉ đạo sát sao tới các lực lượng và đơn vị, thôn có rừng. Yêu cầu đặt ra là phải chủ động phòng, chống cháy rừng với phương châm phòng là chính.

Huyện Kim Bảng có gần 5.200 ha rừng (lớn nhất tỉnh), gồm: 2.852 ha rừng tự nhiên, 1.070 ha rừng sản xuất và 1.277 ha rừng ngoài quy hoạch. Đặc thù của rừng Kim Bảng phân bố không đều, xen kẽ rừng tự nhiên, rừng sản xuất và đất thổ cư, nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra. Rừng tự nhiên nằm giáp ranh với các mỏ đá khai thác vật liệu xây dựng, quá trình vệ sinh mỏ, nổ mìn có thể sơ ý gây xảy ra cháy rừng…

Đặc biệt, rừng bương tự nhiên tại xã Liên Sơn có diện tích khoảng 300 ha cây khô mục tạo thành lớp thảm dày nằm gần mỏ khai thác đá của dây chuyền 2, Công ty Xi măng Vicem Bút Sơn, đường đi lại ở đây hiểm trở, nếu xảy ra cháy thì việc ứng cứu chữa cháy rất khó khăn. Ngoài ra, tình trạng người dân vào rừng chăn dê, lấy cây thuốc, đá cảnh sử dụng lửa cũng là nguy cơ gây cháy rừng… 

Để phòng, chống cháy rừng, huyện đã đề ra các giải pháp cụ thể. Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được coi trọng, thực hiện thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào nội dung cụ thể với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú. Cơ quan kiểm lâm trên địa bàn mở các lớp tuyên truyền, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng tại một số xã trọng điểm; phối hợp với ngành giáo dục nghiên cứu đưa công tác phòng, chống cháy rừng vào chương trình ngoại khóa cho học sinh phổ thông các cấp; in tờ rơi, tài liệu có nội dung về bảo vệ, phòng chống cháy rừng phát đến từng chủ rừng, hộ gia đình.

Hạt kiểm lâm liên huyện Kim Bảng – Thanh Liêm xây dựng các biển báo tuyên truyền về bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng, biển cấm lửa, biển cấp dự báo cháy rừng đặt tại cửa rừng, nơi dễ xảy ra cháy rừng. Lực lượng kiểm lâm căn cứ tình hình thời tiết và các yếu tố khác có ảnh hưởng đến vật liệu cháy để cảnh báo cháy rừng đến các địa phương, chủ rừng. Đồng thời, lựa chọn những điểm xung yếu dựng chòi canh lửa rừng, có lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống quan sát theo dõi và thông báo tình hình cháy rừng khi thời tiết khô, hanh.

Trong phòng, chống cháy rừng áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật; xây dựng công trình đường băng cản lửa ở những nơi có độ dốc dưới 25o và dễ xảy ra nguy cơ cháy rừng; tổ chức xây dựng lực lượng phòng, chống cháy rừng, thành lập ban chỉ huy phòng, chống cháy rừng các cấp từ huyện đến cơ sở; phòng cháy, chữa cháy rừng trong hoạt động nương rẫy; mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phòng, chống cháy rừng…

Công tác chữa cháy rừng được xây dựng kế hoạch theo phương châm “4 tại chỗ”, gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên huyện Kim Bảng – Thanh Liêm, việc chủ động trong phòng, chống cháy rừng trên địa bàn được thực hiện đầy đủ theo yêu cầu đề ra. Các cấp, ngành chức năng tại huyện được phân công nhiệm vụ cụ thể để chủ động chuẩn bị và ứng phó khi có cháy rừng xảy ra ngay giờ đầu, không để lửa lan rộng…

Diện tích rừng của huyện Kim Bảng, nhất là rừng tự nhiên đang được xây dựng và bảo tồn, tạo hệ sinh thái, “lá phổi xanh” cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc chủ động phòng, chống cháy rừng là yếu tố quan trọng giúp bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, bền vững.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.