Xã ít thì hàng chục ha, xã nhiều lên đến cả trăm ha, đó là diện tích đất nông nghiệp, diện tích nuôi trồng thủy sản… do UBND cấp xã quản lý (gọi tắt là đất UB), cho thuê khoán, hoặc giao thầu để nâng cao nguồn thu ngân sách thường xuyên. Tuy nhiên, nhiều xã, thị trấn hiện nay đang gặp khó khăn trong việc tổ chức đấu thầu diện tích đất trên và đang rất cần các cấp có thẩm quyền hướng dẫn biện pháp giải quyết.
Xã Tiêu Động (Bình Lục) có khoảng hơn 40 ha đất nông nghiệp do UBND xã quản lý. Phần lớn diện tích đất trên nằm ở vùng sâu, vùng xa của địa phương, thuộc các xứ đồng khó khăn về sản xuất. Để nâng cao nguồn thu ngân sách hằng năm, xã Tiêu Động đã tổ chức giao cho các hộ dân nhận cấy lúa, chuyển đổi sản xuất đa canh (những vị trí được quy hoạch sản xuất đa canh), với mức 50 – 60 kg/sào/năm, có những vị trí thấp hơn được giao khoảng 20 kg/sào/năm. Đến hết năm 2022, có khoảng 10 ha đất UB quản lý, trong đó có 3 vị trí thuộc 3 trang trại đa canh đã hết hợp đồng giao thầu, song xã chưa tổ chức đấu thầu và đang chờ cấp trên hướng dẫn thực hiện. Toàn bộ diện tích 10 ha, hiện nay các hộ vẫn đang sản xuất nhưng không có giấy tờ tạm giao.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Tiêu Động cho biết: Nguồn thu ngân sách thường xuyên ở xã chủ yếu dựa vào đất công ích, đất do UBND xã quản lý. Trước đây, khi dồn ghép ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn phần diện tích đất UB quản lý xã quy hoạch vào những vị trí vùng sâu, vùng xa, khó khăn trong khâu tưới tiêu sản xuất. Vùng có diện tích rộng được các cấp có thẩm quyền cho phép quy hoạch cho nhân dân tổ chức sản xuất đa canh và xã đã thông báo trên hệ thống loa truyền thanh mời các hộ dân tham gia đấu thầu. Đối với diện tích quy hoạch cho nhân dân thuê để sản xuất trang trại (lúa, cá, chăn nuôi lợn, gia cầm), mức cho thuê từ 50 – 60 kg/sào/năm. Tuy nhiên, do không có người đấu thầu, xã phải giao thầu theo hình thức thu khoán hằng năm. Đến năm 2022, một số hợp đồng hết hạn, nếu giao khoán tiếp không đúng quy định, còn đấu thầu sẽ gặp khó khăn nên xã chưa có hướng giải quyết, chờ xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
Cũng như xã Tiêu Động, hiện nay việc quản lý giao thầu, đấu thầu đất UB quản lý tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết diện tích đất UB của các xã chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về sản xuất và chính quyền địa phương tổ chức giao thầu cho người dân. Theo quy định, đất UB quản lý được sử dụng vào các mục đích cho thuê sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản hoặc bù lại đất dùng xây dựng các công trình công cộng tại xã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Tuy nhiên, nhiều nơi cho thuê nhưng không có hợp đồng, cho thuê quá thời hạn quy định, cá biệt có xã trong suốt thời gian dài đất UB quản lý nằm xen kẹp không cho đấu giá được, người dân lấn chiếm sử dụng. Nhiều xã cho rằng đối với diện tích đất tốt, khả năng sinh lợi cao thì việc cho hộ gia đình, cá nhân đấu giá, thuê đất không có gì vướng, song đối với phần đất xấu, diện tích nhỏ lẻ, manh mún thì phương án cho thuê đất gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp để tránh hoang hóa, địa phương vận động người dân sử dụng dưới hình thức “cho mượn” dù biết là không đúng luật. Ngoài ra, trước đây tại một số xã cũng xảy ra tình trạng sử dụng đất UB quản lý để khai thác quỹ đất, giao đất ở lâu dài cho dân, sau đó xử lý theo hình thức hợp pháp hóa thành đất ở theo Kế hoạch 566 của UBND tỉnh.
Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm cho biết: Theo tổng hợp của nhiều xã trên địa bàn huyện cho thấy, có những xã gặp khó khăn khi tổ chức đấu thầu đất UB quản lý để sản xuất nông nghiệp. Theo lý giải của nhiều xã, diện tích đất nông nghiệp giao cho bà con, có hộ bỏ không hoặc cho các hộ khác gieo cấy không thu tiền, thì việc cho đấu thầu diện tích đất UB quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn. Có những vị trí xen kẹp, diện tích nhỏ không tổ chức đấu thầu được, các xã phải vận động bà con có đất sản xuất liền kề nhận khoán để nâng cao nguồn thu ngân sách và tránh hoang hóa.
Để khắc phục tình trạng bất cập trong quản lý và sử dụng đất UB quản lý, các địa phương cần rà soát, xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra, xử lý kịp thời các trường hợp sử dụng đất công ích, đất UB quản lý sai mục đích; cần chấm dứt hợp đồng ký không đúng thời gian và không đúng đối tượng theo quy định; có biện pháp ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất công ích trái pháp luật gây thất thu ngân sách. Đối với diện tích đất công ích 5% không phát huy hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp cần có phương án chuyển mục đích sử dụng phù hợp.
Trần Hữu