Chiều ngày 20/4, đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT); Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCTT&TKCN năm 2023.
Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; Chủ tịch UBND – Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố, thị xã; lãnh đạo một số ban, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của BCĐ quốc gia về PCTT, năm 2022, thiên tai đã làm cho 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng, gấp gần 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021. Từ đầu năm 2023 đến nay, thiên tai đã làm 7 người mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 25 tỷ đồng.
Trước tình hình thiên tai diễn biến bất thường, cực đoan, công tác phòng ngừa thiên tai trong thời gian qua đã được triển khai đồng bộ cả về chiều sâu và diện rộng. Công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với các tình huống thiên tai; khắc phục hậu quả sau thiên tai được quan tâm. Công tác cứu hộ, cứu nạn được tập trung chỉ đạo kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.
Tính từ đầu năm 2022 đến 31/3/2023, toàn quốc đã điều động 235.905 lượt người và 21.682 lượt phương tiện tham gia TKCN 5.464 vụ, cứu được 5.542 người và 349 phương tiện; di rời 32.142 hộ dân đến nơi an toàn; thu hoạch 23.540 ha lúa, hoa màu; dập cháy 765 nhà và 815 ha rừng…
Phát biểu tham luận tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung phân tích, làm rõ kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong công tác PCTT; khắc phục hậu quả do các loại hình thiên tai gây ra; công tác ứng phó sự cố và TKCN; công tác đảm bảo an toàn giao thông; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và tham gia cứu hộ, cứu nạn trong thiên tai… Đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác PCTT năm 2023.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác PCTT&TKCN trong thời gian qua. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thiên tai được dự báo trong năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động hơn trong công tác phòng ngừa thiên tai; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về PCTT; nâng cao năng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo thiên tai; tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản tại những khu vực có nguy cơ làm gia tăng rủi ro thiên tai; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành, huy động lực lượng để kịp thời ứng phó với diễn biến thiên tai; tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về PCTT; nâng cao năng lực của cơ quan chỉ đạo, chỉ huy PCTT&TKCN các cấp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế và chuyển đổi số trong PCTT&TKCN; đổi mới phương pháp thông tin, truyền thông về thiên tai đến người dân, nhất là trong vùng bị ảnh hưởng; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng ứng phó với các tình huống thiên tai; đa dạng hóa việc huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư cho công tác PCTT; ưu tiên bố trí kinh phí để chủ động thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình tổng thể về PCTT; huy động các nguồn lực thực hiện việc bố trí, sắp xếp cư dân vùng thiên tai, nhất là vùng nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở PCTT…
Nhân dịp này, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT năm 2022 đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và của Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Nguyễn Oanh