Giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ sản xuất vật liệu xây dựng ở Kim Bảng

Để bảo đảm kết cấu hạ tầng giao thông gắn với bảo vệ môi trường tại các xã có hoạt động sản xuất, khai thác, chế biến vật liệu xây dựng (VLXD), thời gian qua các cấp, ngành và doanh nghiệp ở huyện Kim Bảng đã có nhiều biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Về phía doanh nghiệp đã chủ động đầu tư, nâng cấp thiết bị xử lý bảo vệ môi trường trong sản xuất, đồng thời ký kết với các địa phương thường xuyên đóng góp kinh phí để chi phí cho việc tưới nước mặt đường nhằm hạn chế bụi phát tán khu dân cư ven hai bên đường. Các ngành chức năng tăng cường phối hợp xử lý phương tiện vận tải chở quá tải trọng, không che phủ bạt để rơi vãi vật liệu trên mặt đường. Nhờ đó, đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu vực do sản xuất, vận chuyển VLXD gây ra.

Tại các xã Thanh Sơn, Liên Sơn từ năm 2017 UBND xã đã làm việc với các doanh nghiệp thống nhất biện pháp cải thiện môi trường trong khu vực sản xuất và quá trình vận chuyển vật liệu trên địa bàn.

Theo đó, các doanh nghiệp đã tự nguyện đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động của tổ vệ sinh thu gom vật liệu rơi vãi và tưới nước mặt đường. Ở xã Liên Sơn có 7 doanh nghiệp sản xuất, khai thác VLXD, hằng ngày các phương tiện lưu thông trên tuyến ĐH05 do đó hằng tháng mỗi doanh nghiệp đóng góp 5 triệu đồng chi phí cho công tác vệ sinh môi trường. Tổ vệ sinh thực hiện tưới nước và thu gom vật liệu rơi vãi mặt đường mỗi ngày từ 2 – 3 lần. Sau 5 năm thực hiện ký kết bảo đảm vệ sinh môi trường giữa các doanh nghiệp với UBND xã đã mang lại kết quả khá tích cực, lượng bụi phát tán từ sản xuất và lưu thông trên tuyến ĐH05 đã giảm 80% so với trước năm 2017. 

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ sản xuất vật liệu xây dựng ở Kim Bảng
Các doanh nghiệp vận tải vật liệu xây dựng ở Kim Bảng tuân thủ nghiêm các quy định về tải trọng, bảo đảm kết cấu hạ tầng, tránh rơi vãi vật liệu gây ô nhiễm môi trường.

Còn tại xã Tân Sơn hiện đã đầu tư hơn một tỷ đồng mua ô tô, hằng ngày đi thu gom vật liệu rơi vãi trên các tuyến đường vào khu sản xuất, chế biến VLXD trên địa bàn. Chính vì thế, không những giảm ô nhiễm bụi mặt đường mà còn bảo đảm an toàn cho các phương tiện lưu thông trên các tuyến giao thông. Tại xã Thanh Sơn hiện có 38 doanh nghiệp sản xuất, chế biến khai thác VLXD, trong đó 31 doanh nghiệp cam kết nộp phí, mỗi tháng một doanh nghiệp nộp 3,5 triệu đồng và thấp nhất 500 nghìn đồng để chi phí cho hoạt động của tổ vệ sinh thu gom vật liệu rơi vãi. Ngoài ra, các doanh nghiệp đóng góp kinh phí khoan 8 giếng ở ven đường tại một số trọng điểm để lấy nước tưới mặt đường, từ đó đã cơ bản khắc phục ô nhiễm môi trường khu dân cư. 

Ông Lê Ngọc Cường, Giám đốc Công ty Thiên Sơn cho biết: Hiện đơn vị đang quản lý 3 mỏ ở khu vực các xã Thi Sơn, Thanh Sơn với sản lượng khai thác mỗi năm khoảng 700 nghìn m3 đá các loại. Trong đó, gần 50% sản lượng đá đạt tiêu chuẩn cao làm nguyên liệu chế biến phục vụ hàng xuất khẩu. Chính vì vậy, công tác bảo hộ lao động, bảo vệ môi trường luôn được doanh nghiệp thực hiện đồng bộ, đúng quy trình từ khâu chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Tại các khu vực sản xuất lắp đặt hệ thống phun sương dập bụi bảo đảm không để bụi phát tán ra ngoài khu vực. Thời gian qua, doanh nghiệp đã được các cấp, ngành ghi nhận về công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, chế biến và khai thác VLXD.

Còn tại Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn, những năm qua luôn thực hiện tốt các biện pháp về bảo vệ môi trường trong sản xuất và lưu thông hàng hóa, công ty đã lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi tay áo tại các ống khói để giảm bụi, khí thải phát sinh trước khi thải ra môi trường và lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với khí thải, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường. Theo đánh giá về dữ liệu quan trắc tự động, khí thải sau xử lý của công ty đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy định.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh văn phòng Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn cho biết: Những năm qua, tại các tuyến đường xung quanh khu vực công ty, nhất là tuyến có dân cư sinh sống, mỗi ngày đơn vị tổ chức tưới nước mặt đường 4 lần. Bên cạnh đó, công ty hỗ trợ khu dân cư Hồng Sơn trong việc cấp nước sạch tập trung, đồng thời cam kết với chính quyền địa phương không để ô nhiễm bụi, tiếng ồn ảnh hưởng cuộc sống sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt, mới đây công ty đã triển khai dự án tận dụng nhiệt khí thải để phát điện với tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, theo kế hoạch cuối năm 2023 hoàn thành. Dự án sau khi đi vào hoạt động mang lại hiệu quả tích cực với hệ thống thu gom nhiệt phát sinh để trở thành điện năng và thu gom toàn bộ lượng bụi phát tán, tiết kiệm nhiệt bù điện năng phục vụ cho sản xuất của đơn vị.

Hiện nay, trên các tuyến quốc lộ 21B và 38 cũ, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh luôn duy trì hoạt động của trạm kiểm soát xe ô tô cố định tại xã Tượng Lĩnh. Đây là khu vực có mật độ phương tiện chở vật liệu gia tăng ở mọi thời điểm về hướng TP Hà Nội và các tỉnh trong khu vực. Ngoài ra, Tổ kiểm soát lưu động của Đội Cảnh sát Giao thông – Trật tự (Công an huyện Kim Bảng) tăng cường kiểm tra, tuần tra kiểm soát và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về tải trọng, xe cơi nới thành thùng thay đổi kích thước; không che phủ bạt làm rơi vãi vật liệu trong quá trình lưu thông qua địa bàn.

Thực hiện đồng bộ các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, vận chuyển VLXD của các doanh nghiệp ở huyện Kim Bảng thời gian qua đã không những góp phần bảo vệ môi trường trong khu vực khai thác, chế biến VLXD mà còn bảo đảm an toàn, êm thuận cho các phương tiện lưu thông, cũng như bảo vệ môi trường chung tại địa phương.

Phùng Thống

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy