Chiều ngày 30/9, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3. Đồng thí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện Thường trực HĐND tỉnh; thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh...
Bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền với sức gió cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, kèm theo lũ trên sông Hồng và sông Đáy lên nhanh, vượt báo động 3, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp; nhiều cột điện, cây xanh bị gãy, đổ, nhiều đường dây điện bị đứt gây mất điện diện rộng; một số tuyến cáp truyền dẫn của các doanh nghiệp viễn thông bị đứt làm gián đoạn thông tin liên lạc; nhiều khu vực dân cư ngoài bãi sông, khu vực trũng thấp bị ngập sâu ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; nhiều công trình đê điều, thủy lợi xuất hiện các sự cố; hệ thống giao thông chính bị chia cắt do úng, ngập... Tổng giá trị thiệt hại trên địa bàn tỉnh Hà Nam tính đến ngày 26/9, ước khoảng hơn 793 tỷ đồng.
Trên tinh thần bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước, ngay trước, trong và sau bão, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống theo phương châm “4 tại chỗ”; huy động các lực lượng hỗ trợ sơ tán người dân, tài sản tại những khu vực nguy hiểm, ngập lụt đến nơi an toàn; bố trí chỗ ở, cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân tại nơi sơ tán. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương khẩn trương triển khai khắc phục hậu quả sau bão; huy động mọi nguồn lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chung tay vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và đời sống.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3 vẫn còn những hạn chế, như: Một số nơi chính quyền, người dân còn chủ quan, lơ là, chưa chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt là các địa phương có tuyến đê sông Hồng, sông Đáy đi qua; công tác xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai có nội dung chưa sát thực tế, còn lúng túng trong triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả; phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; tốc độ phát triển nhanh của hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị làm chia cắt hệ thống công trình thủy lợi hiện có dẫn đến hiệu suất hoạt động của trạm bơm đầu mối suy giảm đáng kể...
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Vượng yêu cầu các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy về khắc phục hậu quả sau bão số 3 và mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành việc rà soát, thống kê, đánh giá chính xác tình hình thiệt hại do bão, lũ gây ra; huy động, sử dụng nguồn kinh phí tiếp tục hỗ trợ khắc phục thiệt hại sau bão, lũ; thực hiện tốt hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu để ổn định đời sống của người dân, đặc biệt là các đối tượng bảo trợ xã hội, người dân vùng ngập lụt; chủ động sửa chữa cơ sở hạ tầng, tài sản thuộc phạm vi quản lý bị hư hỏng sau bão, lũ; rà soát, sửa chữa các sự cố bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, công trình thủy lợi, bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, lòng sông theo quy định; tập trung chỉ đạo, có kế hoạch sản xuất linh hoạt, hiệu quả và hướng dẫn các biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể cho từng địa phương; sẵn sàng lượng hạt giống để hỗ trợ cho người dân nhanh chóng khôi phục sản xuất…
Mạnh Hùng