Với phương châm hoạt động hướng về cơ sở, sự vào cuộc, chỉ đạo sâu sát của cả hệ thống chính trị, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở xã Đại Cương (Kim Bảng) ngày càng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Qua đó, góp phần ổn định an ninh chính trị, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, tiến bộ trong nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển bền vững.
Phấn đấu hoàn thành các tiêu chí để trở thành phường trước năm 2025, những năm qua, xã Đại Cương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, môi trường, xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân thông qua việc phát động, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Đại Cương luôn được đánh giá là một trong những xã điển hình của huyện Kim Bảng trong triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với trên 90% số hộ dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa hằng năm; tỷ lệ thôn văn hóa đạt 100%; an ninh, trật tự xã hội được duy trì ổn định; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt trên 65 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn khoảng 4%; các tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội được đẩy lùi…
Trước hết, xác định phát triển kinh tế, giảm nghèo là một trong những tiêu chí quan trọng trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, xã Đại Cương đã phát huy tối đa các lợi thế để phát triển toàn diện các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại – dịch vụ. Xã duy trì hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu 30 ha; mô hình trồng nông sản sạch quy mô trên 30 ha (trồng lúa, rau); thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển mạng lưới thương mại, dịch vụ, trong đó tập trung phát triển loại hình kinh doanh nhà trọ, cửa hàng tạp hóa, dịch vụ ăn uống. Các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương cũng có nhiều cách làm để hỗ trợ hội viên, người dân nâng cao thu nhập thông qua việc hỗ trợ vốn vay từ nguồn quỹ hội, chuyển giao công nghệ khoa học kỹ thuật, phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề may công nghiệp, nấu ăn, thêu ren, làm mỹ ký... cho hội viên có nhu cầu về việc làm.
Để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào thực chất, xã Đại Cương chỉ đạo các thôn chủ động xây dựng các mô hình, câu lạc bộ về bảo vệ môi trường, văn nghệ, thể dục – thể thao… Điển hình như tại thôn Thịnh Đại, hưởng ứng phong trào xây dựng đời sống văn hoá do xã phát động, thời gian qua, thôn đã thành lập, duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả các câu lạc bộ: Dưỡng sinh, hát dân ca, khiêu vũ thể thao, bóng chuyền hơi, cờ tướng, gia đình hạnh phúc, phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm vì sức khoẻ gia đình và cộng đồng…
Ngoài ra, thôn Thịnh Đại cũng là địa bàn tiên phong trong tổ chức thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại hộ với gần 100% số hộ dân trong thôn tham gia. Nhờ sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của người dân trong các hoạt động, phong trào, đến nay, 100% tuyến đường của thôn Thịnh Đại đều đã được bê tông hoá rộng rãi, lắp đặt hệ thống đèn điện, rãnh thoát nước đầy đủ. Ngoài ra, nhà văn hoá thôn cũng thường xuyên được tu sửa, nâng cấp, bổ sung mới bàn ghế, trang thiết bị, xây dựng mái che… đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và tập luyện thể thao của nhân dân.
Đồng chí Lê Khắc Ba, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thịnh Đại cho biết: Việc thành lập, duy trì hoạt động các mô hình, câu lạc bộ chính là một phương thức hiệu quả tạo sự đoàn kết, gắn bó trong nhân dân. Sức mạnh của tinh thần đoàn kết giúp thôn Thịnh Đại luôn hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều năm liền, thôn Thịnh Đại giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa” với trên 98% số hộ dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa hằng năm.
Được biết, thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, toàn xã Đại Cương đã thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả gần 40 câu lạc bộ văn nghệ, thể thao. Chủ nhật hằng tuần, 100% các ban, ngành, đoàn thể, nhân dân các thôn ra quân tổng vệ sinh môi trường các trục đường chính của thôn, xã; chăm sóc đường hoa và làm đẹp khuôn viên nhà văn hóa thôn, các trường học trên địa bàn. Tại khu vực trong và xung quanh khuôn viên trụ sở UBND xã, công đoàn xã đảm nhận nhiệm vụ quét dọn, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, bảo đảm không gian công sở luôn sạch, đẹp.
Theo thống kê, tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thể thao thường xuyên trên địa bàn xã hiện đạt gần 40%; số gia đình tập luyện thể thao thường xuyên đạt gần 30%. Việc thực hiện các tập tục trong đám cưới, đám tang trên địa bàn xã ngày càng theo hướng lành mạnh, tiết kiệm, văn minh. Trong đó, nổi bật là việc thực hiện không rải vàng mã trên đường đưa tang đã giảm đến gần 70% so với trước; tỷ lệ người qua đời hỏa táng đạt trên 40%...
Ông Chu Văn Muộn, Chủ tịch UBND xã Đại Cương cho biết: Để tăng cường sự giao lưu, gắn bó trong các tầng lớp nhân dân, vào các dịp lễ kỷ niệm lớn của quê hương, đất nước, xã Đại Cương đều tổ chức hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao giữa các hội, đoàn thể và các thôn với nhau. Thông qua hoạt động này góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương. Nhờ đó, người dân địa phương luôn đồng lòng, tự nguyện đóng góp sức người, sức của xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, nhất là nhà văn hóa thôn, sân chơi thể thao, ủng hộ các quỹ nhân đạo, từ thiện do thôn, xã phát động.
Xác định được vai trò và tầm quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thời gian qua, xã Đại Cương đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực xã hội để triển khai thực hiện tốt phong trào. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Những kết quả đạt được sẽ là tiền đề quan trọng để xã phát triển lên phường trước năm 2025.
Nguyễn Oanh