Chủ động nguồn vật tư tại chỗ phục vụ phòng, chống thiên tai

Vật tư tại chỗ đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống thiên tai (PCTT). Đây là khâu chuẩn bị giúp chủ động, kịp thời ứng phó, nhất là trong giờ đầu khi có sự cố thiên tai xảy ra. Thời gian qua, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã tích cực chuẩn bị đầy đủ cả về số lượng, chủng loại vật tư tại chỗ đáp ứng yêu cầu PCTT.

Xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý) có tuyến đê bối dài 5,5 km chạy dọc ven sông Châu. Trước đây tuyến đê bối này thường xuyên xảy ra sự cố vỡ, sạt, trượt, rò rỉ; hiện nay đã được nhà nước đầu tư xây dựng kè bằng bê tông. Tuy nhiên, sau khi xây dựng hoàn thiện năm 2022 bối chưa qua thực tế chống lũ. Vì thế, đây vẫn được xác định là trọng điểm trong phòng, chống thiên tai của địa phương.

Để thực hiện nhiệm vụ PCTT, nhất là bảo đảm an toàn cho trọng điểm bối Đinh Xá, địa phương đã chủ động chuẩn bị nguồn vật tư tại chỗ. Do trọng điểm bối Đinh Xá kéo dài tại các thôn 3, 4 và khu vực Đình Phạm nên vật tư tại chỗ được bố trí dọc tuyến. Cụ thể, đất dự trữ và tre đều được bố trí đủ số lượng ngay tại các điểm xung yếu. Nguồn cọc tre phục vụ PCTT được xã hợp đồng với các hộ trồng để huy động ngay khi cần thiết. Đồng thời, Ban Chỉ huy PCTT - Tìm kiếm cứu nạn xã chuẩn bị 5.000 bao tải dự phòng trong kho, lên kế hoạch huy động 500 bao tải tại mỗi thôn khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, địa phương chuẩn bị đầy đủ cuốc, xẻng, máy phát điện, xăng dầu dự phòng…

Chủ động nguồn vật tư tại chỗ phục vụ phòng chống thiên tai
Kiểm tra vật tư và dụng cụ phục vụ PCTT tại xã Đinh Xá. Ảnh: Thành Nam

Được biết, qua những lần khắc phục sự cố trên tuyến bối, xã Đinh Xá có kinh nghiệm trong công tác chủ động chuẩn bị nguồn vật tư tại chỗ. Theo ông Vũ Văn Luyện, Chủ tịch UBND xã Đinh Xá, bảo đảm đủ lượng vật tư tại chỗ giúp chủ động, kịp thời khắc phục nếu có sự cố xảy ra. Vào mùa mưa, bão, lũ, địa phương tiến hành kiểm kê, xác định lại toàn bộ nguồn vật tư tại chỗ có thể huy động. Từ đó, loại bỏ vật tư kém chất lượng, bổ sung đầy đủ vật tư tại chỗ theo đúng quy định. Cùng với đó, xã tăng cường công tác tuyên truyền để có thể huy động vật tư trong dân khi cần thiết…

Những năm qua, hệ thống đê điều của tỉnh ta đều được tu bổ, nâng cấp, sửa chữa giúp nâng cao năng lực PCTT. Tuy nhiên, trên các công trình đê, kè, cống vẫn còn nhiều ẩn họa có thể xảy ra sự cố gây mất an toàn. Từ đánh giá thực trạng công trình, xác định trọng điểm PCTT, các cấp, ngành căn cứ xây dựng kế hoạch số lượng các loại vật tư tại chỗ. Đơn cử, cống Mộc Nam tại K123+500 đê hữu Hồng, thuộc địa bàn xã Mộc Nam (thị xã Duy Tiên) được xác định trọng điểm PCTT cấp tỉnh. Trong phương án bảo vệ trọng điểm, cơ quan chức năng đã xây dựng nguồn vật tư tại chỗ ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Cụ thể, nguồn đất dự trữ 2.350m3, đá hộc hơn 1.000m3, đá 1x2 gần 166m3. Đồng thời, tại kho vật tư Hạt quản lý đê điều Duy Tiên ngay gần cống Mộc Nam luôn có lượng vật tư dự trữ đầy đủ, gồm: 72 cánh phai dự phòng, 1.000m2 vải lọc, 8.300m2 bạt chống sóng, 2.800m2 bạt chống thấm. Đồng thời, xã Mộc Nam, nơi có trọng điểm PCTT cấp tỉnh cũng chuẩn bị 2.000 bao tải, 20m3 cát vàng, 100 cây tre chấm bụi và 500 kg rơm có hợp đồng với các hộ dân. Ngoài ra, các xã gần trọng điểm cống Mộc Nam cũng chuẩn bị lượng đất dự trữ gồm: Xã Mộc Nam 4.000m3, Mộc Bắc 1.000m3, Chuyên Ngoại 1.000m3.

Ông Vũ Mạnh Văn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Việc chuẩn bị đầy đủ vật tư tại chỗ là yêu cầu quan trọng đặt ra trong công tác PCTT. Hằng năm, Chi cục đều hướng dẫn các địa phương, đơn vị kiểm tra nguồn vật tư để bổ sung đầy đủ số lượng cần thiết.

Được biết, chuẩn bị bước vào mùa mưa, bão, lũ hằng năm, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đều tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các nhiệm vụ PCTT trên toàn địa bàn. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến chuẩn bị đầy đủ vật tư tại chỗ theo kế hoạch, phương án đề ra. Đồng thời, UBND tỉnh cũng thành lập đoàn kiểm tra về công tác chuẩn bị PCTT, trong đó chú trọng đến vật tư tại các địa phương, trọng điểm PCTT của tỉnh. Đặc biệt quan tâm kiểm tra số lượng và chất lượng của vật tư thực tế được chuẩn bị từ đất dự trữ, tre chấm bụi, đến bao tải, cuốc, xẻng…

Mùa mưa, bão, lũ năm nay được dự báo có những diễn biến phức tạp, khó lường. Nguy cơ mất an toàn trên hệ thống đê điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngay đầu năm trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hàng loạt các sự cố đê điều, như: Sự cố sạt lở xảy ra vào hồi 8 giờ ngày 1/1/2023 tuyến đê bối sông Nhuệ, thuộc địa bàn Thôn 3 (đoạn Đường Nguyễn Thiện, phía bắc cầu Phù Vân), xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý. Chiều dài sạt lở khoảng 41m, rộng 7m, đoạn gần nhất cách Đường Nguyễn Thiện khoảng 7m. Sự cố đã ảnh hưởng trực tiếp đến một số nhà dân trong khu vực. Cùng thời gian, tại bối Hồng Lý (Chân Lý - Lý Nhân) cũng đã xảy ra sự cố sạt lở kè lát mái hộ bờ. Do vậy, việc chuẩn bị đầy đủ vật tư tại chỗ giúp ứng phó kịp thời với sự cố thiên tai, bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều trên địa bàn.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy