Cần quan tâm bảo vệ môi trường trong các cụm công nghiệp

Thời gian qua hoạt động của các CCN đã phát sinh những tồn tại về môi trường, tiêu thoát nước. Tại một số CCN khi mưa lớn đã xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ ở trong và ngoài cụm. Cùng với đó, một số dự án đã chuyển đổi ngành nghề sản xuất, nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục về môi trường.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 15 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 314 ha, trong đó 13 CCN đã đi vào hoạt động. Các CCN thu hút khoảng 180 doanh nghiệp, hộ tham gia sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương. Tuy nhiên hoạt động của các CCN cũng đã phát sinh những tồn tại về môi trường, tiêu thoát nước. 

Theo báo cáo của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện mới có 4 CCN được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cụ thể là: CCN Nhật Tân (Kim Bảng), CCN Bình Lục, CCN Trung Lương (Bình Lục) với tổng diện tích 68,71 ha và CCN Châu Giang (Duy Tiên) 39,7ha. Toàn tỉnh có 3 CCN xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung và đi vào hoạt động ổn định là: CCN Trung Lương (Bình Lục), CCN Nhật Tân (Kim Bảng) và CCN Cầu Giát (Duy Tiên).

Tại CCN Cầu Giát, năm 2017 được đầu tư hơn 16 tỷ đồng xây dựng trạm xử lý nước thải hỗn hợp tập trung với công suất thiết kế 1.200 m3/ngày đêm; toàn bộ kinh phí xây dựng, lắp đặt thiết bị do Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ, còn lại hệ thống đường ống thu gom nước thải do doanh nghiệp đóng góp. Hiện trạm đảm nhiệm thu gom, xử lý nước thải cho các doanh nghiệp trong cụm và nước thải sinh hoạt, sản xuất từ làng nghề của các phường, xã lân cận, bảo đảm đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Cần quan tâm bảo vệ môi trường trong các cụm công nghiệp
Tuyến đường vào CCN Kim Bình (TP Phủ Lý) nhiều đoạn mặt đường xuống cấp ảnh hưởng đi lại và phát tán bụi.

Trong khi đó, tại CCN Kim Bình (TP Phủ Lý) theo phản ánh của nhân dân, hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp có thời điểm gây ô nhiễm môi trường nước, không khí phát tán trong khu vực. Qua tìm hiểu được biết, mặc dù các dự án đầu tư vào CCN này đều lập báo cáo tác động môi trường và được thẩm định theo đúng những quy định về môi trường trước khi triển khai. Song, với diện tích 73,5 ha đất của CCN và được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng, nhưng tại đây hiện chưa xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Do đó, toàn bộ lượng nước mưa, nước sinh hoạt và nước từ sản xuất của các doanh nghiệp tự xử lý sau đó thải trực tiếp ra kênh A3-4.

Ông Đỗ Kim Ngọc, Chủ tịch UBND xã Kim Bình cho biết: Đây là kênh tưới, tiêu quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân các xã: Tiên Tân, Kim Bình (TP Phủ Lý), Văn Xá (Kim Bảng). Vì vậy, nguồn nước từ CCN chảy ra kênh tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng nước mặt trên địa bàn. Về môi trường không khí, thời gian qua UBND xã đã báo cáo với ngành chức năng của thành phố tổ chức đoàn kiểm tra hoạt động tại một số doanh nghiệp, qua đó yêu cầu doanh nghiệp cam kết khắc phục tồn tại, thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường.

Tại CCN Thanh Lưu (Thanh Liêm) việc xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật về giao thông, đường thoát nước do ngân sách nhà nước đầu tư, nhưng do nhiều nguyên nhân khiến hạ tầng trong cụm không đồng bộ. Bởi tuyến đường trục chính vào cụm được đầu tư trước khi tuyến đường huyện xây dựng nên mặt đường thấp, vì vậy mùa mưa thường xảy ra ngập úng cục bộ. Bên cạnh đó, hệ thống đường thoát nước lắp đặt thấp hơn kênh tiêu, dẫn đến nước ứ đọng, khó tiêu thoát.

Ông Nguyễn Thái Bình, Giám đốc Công ty Cọc và Bê tông Vina 68 cho biết: Trên tuyến đường trục chính, đoạn qua công ty vào mùa mưa thường xuyên ngập úng gây mất mỹ quan và vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến việc đi lại của các phương tiện, người lao động trong CCN. Vừa qua, 3 doanh nghiệp nằm trên tuyến đường trục chính đã thống nhất phương án đóng góp kinh phí để nâng cấp hệ thống đường ống thoát nước nhằm bảo đảm kịp thời tiêu nước khi trời mưa to. Ngoài ra, công ty duy trì việc phun sương dập bụi trong quá trình sản xuất, không để phát tán bụi gây ảnh hưởng môi trường không khí trong khu vực.

Thực tế, 9 CCN (Nam Châu Sơn, Biên Hòa, Cầu Giát, Hòa Hậu, Kim Bình, Thi Sơn, Nhật Tân, Hoàng Đông, Thanh Lưu) ở tỉnh ta đã được Nhà nước hỗ trợ ngân sách xây dựng hạ tầng trước năm 2009 và đến nay các cụm đã được lấp đầy. Tuy vậy, việc xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở một số CCN còn những tồn tại (toàn tỉnh mới có 3 CCN Cầu Giát, Nhật Tân, Trung Lương) xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Do đó, cần giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn lực xây dựng hệ thống cống tiêu thoát nước, trạm xử lý nước thải tập trung, nâng cấp hạ tầng giao thông bảo đảm đi lại thuận lợi. Từ đó, góp phần bảo đảm môi trường sản xuất, đồng thời để các CCN trên địa bàn sớm hoàn thành việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Phùng Thống

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy