Sáng 27/12, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết 1 năm Đề án thí điểm thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận việc hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Qua 1 năm triển khai thí điểm Đề án cho thấy, việc bố trí 1 nhân viên bưu điện thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC thay thế công chức, viên chức thuộc 6 đơn vị thực hiện thí điểm tại Trung tâm Phục vụ hành chính công - Kiểm soát TTHC tỉnh đã góp phần giảm tải công việc cho các cơ quan quản lý Nhà nước, giúp các cơ quan tập trung nhân lực để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước, góp phần thực hiện tốt chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính Nhà nước; cải thiện và thay đổi cách thức, đổi mới phương thức hoạt động trong việc tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC thông qua doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính công ích nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Vượng phát biểu kết luận hội nghị.
Kết quả cụ thể, trong 1 năm thực hiện thí điểm, nhân viên bưu điện đã thay công chức, viên chức của 6 cơ quan tiếp nhận 1.700 hồ sơ, trong đó có 1.669 hồ sơ trực tuyến (100% hồ sơ trực tuyến). Số lượng hồ sơ đã giải quyết là 1.668 hồ sơ, trong đó số hồ sơ giải quyết trước hạn là 1.479 hồ sơ, số hồ sơ giải quyết đúng hạn là 168 hồ sơ, số hồ sơ giải quyết quá hạn là 21 hồ sơ, số lượng hồ sơ đang giải quyết là 32 hồ sơ.
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo kết quả 1 năm Đề án thí điểm thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận việc hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Phát biểu thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cơ bản đồng tình, nhất trí với dự thảo báo cáo tổng kết 1 năm thực hiện thí điểm Đề án; đồng thời tập trung phân tích, làm rõ về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thí điểm. Phần lớn các ý kiến tại hội nghị đều cho rằng, việc bố trí 1 cán bộ bưu điện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC thay thế công chức, viên chức thuộc 6 cơ quan, đơn vị với số lượng TTHC tương đối lớn khiến chất lượng phục vụ còn hạn chế. Vì vậy, các ý kiến đề xuất tập trung vào việc tiếp tục duy trì thực hiện thí điểm Đề án trong 6 tháng đầu năm 2024, Bưu điện tỉnh tăng cường thêm nhân viên thực hiện nhiệm vụ, bổ sung thêm cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện thí điểm Đề án trong thời gian tới...
Đại diện Bưu điện tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Vượng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Bưu điện tỉnh và các đơn vị trong triển khai, thực hiện thí điểm Đề án. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp kết quả, đánh giá ưu điểm, hạn chế tồn tại, khó khăn, vướng mắc, ý kiến đề xuất trong quá trình thực hiện thí điểm để làm cơ sở triển khai chính thức.
Trước mắt, sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm Đề án trong 6 tháng đầu năm 2024 đối với 6 cơ quan, đơn vị. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Bưu điện tỉnh quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ để nhân viên tiếp nhận thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Các sở, ngành đang triển khai thí điểm tăng cường phối hợp, hỗ trợ giải quyết vướng mắc cho nhân viên Bưu điện tỉnh, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình tiếp nhận số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC; Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để tiếp tục thực hiện thí điểm Đề án, giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thực hiện việc hướng dẫn, tiếp nhận số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công – Kiểm soát TTHC tỉnh, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn có liên quan…
Nguyễn Oanh