Tăng cường kiểm soát giá dịch vụ, hàng hóa

Theo Cục Thống kê tỉnh, kể từ cuối tháng 3, khi giá điện tăng thêm 8,36%, cộng với giá xăng, dầu, nước sạch… tăng giá các đợt liên tiếp đã khiến cho một số mặt hàng tiêu dùng trên thị trường tăng theo.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân của tỉnh trong quý II/2019 tăng 1,47% so với bình quân cùng quý năm 2018. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có tới 9 nhóm hàng tăng.

Thực tế nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá khiến cho cuộc sống của không ít người dân gặp khó khăn. Theo đó, việc các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát giá là điều cần thiết, góp phần ổn định thị trường, tạo thuận lợi cho tiêu dùng, sản xuất.

Nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng giá nhẹ do giá điện, xăng tăng liên tiếp trong những tháng qua.

Lý giải về điều này, ông Tạ Văn Tuấn, chủ một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng tại phường Lê Hồng Phong (thành phố Phủ Lý) cho hay: Việc điện, xăng tăng giá đã kéo theo chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hóa tăng lên. Do đó, hàng loạt các cơ sở, nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là mặt hàng xi măng đã đồng loạt tăng giá thành sản phẩm. Khoảng 3 tháng trở lại đây, giá bán sắt, thép, xi măng, cát, gạch… đều tăng từ 5-10%.

Lợi dụng tình hình xăng, điện tăng giá, một số tư thương cũng đã thực hiện tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ lên cao, không phù hợp với thực tế. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, làm tốt công tác thu thập, phân tích, dự báo thông tin thị trường; theo dõi diễn biến giá cả, cung – cầu hàng hóa ở tất cả các mặt hàng, nhất là ở chợ, trung tâm thương mại và siêu thị… để kịp thời đề xuất, triển khai các giải pháp bình ổn giá.

Từ thời điểm cuối quý I/2019, khi những mặt hàng thiết yếu bắt đầu có sự tăng giá nhẹ, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT theo dõi các địa bàn chủ động giám sát, rà soát chặt chẽ các đơn vị, doanh nghiệp trong việc thực hiện quy định của pháp luật trong kê khai giá đối với những mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá như: xi măng, thép xây dựng; thức ăn chăn nuôi; giấy in, viết; dịch vụ khám, chữa bệnh; thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi…

Trong quá trình kiểm tra, lực lượng QLTT chú trọng rà soát mức giá, yếu tố hình thành giá của kỳ kê khai liền kề trước đó và mặt bằng giá cả thị trường để hướng dẫn và yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện kê khai niêm yết giá phù hợp.

Về vấn đề này, ông Đinh Văn Dương, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Từ đầu năm 2019 đến nay, qua công tác kiểm tra, lực lượng QLTT tỉnh đã phát hiện, xử lý 488 vụ vi phạm về lĩnh vực giá với số tiền trên 354 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không thực hiện niêm yết giá và bán hàng theo đúng giá niêm yết, không thực hiện kê khai giá mới theo quy định…

Thời gian tới, Cục QLTT tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thị trường, giá cả hàng hóa nhằm ngăn chặn hiện tượng lợi dụng tăng giá điện, xăng để “thổi phồng” chi phí, tăng giá bán một cách bất hợp lý.

Qua khảo sát thị trường hàng hóa cho thấy, mặc dù giá cả của hầu hết các loại dịch vụ, hàng hóa được bày bán ở các khu vực chợ, cửa hàng đều có sự biến động sau liên tiếp các đợt xăng, dầu và điện tăng giá nhưng tại siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh như siêu thị Micom, Vincom, Lan Chi… giá bán vẫn giữ tương đối ổn định.

Nguyên nhân là do các đơn vị này đã có sự chuẩn bị nguồn hàng tương đối lớn, dài hạn ngay từ đầu năm, trước khi điện, xăng dầu tăng giá. Tuy nhiên, theo bà Trần Kim Ngân, thành viên Ban Quản lý siêu thị Micom Hà Nam, việc tăng giá điện đã khiến chi phí sử dụng điện cho việc chiếu sáng, làm mát bảo quản hàng hóa và vận hành các dịch vụ của siêu thị cũng tăng đáng kể. Trong thời gian tới, việc giữ bình ổn giá các sản phẩm còn phụ thuộc theo giá mới.

Theo Sở Công thương, điện, xăng, dầu là những yếu tố đầu vào thiết yếu của nhiều ngành kinh tế nên việc tăng giá sẽ gây tác động lên giá cả hầu hết các loại hàng hóa. Đây là một thách thức lớn đối với công tác quản lý giá và bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội. Giải pháp trước mắt, Sở Công thương sẽ theo dõi sát diễn biến giá cả hàng hóa, phối hợp với các sở, ngành liên quan như: tài chính, thuế, QLTT… tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn tình trạng các cá nhân, đơn vị tăng giá trục lợi.

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy