Nhiều chợ nông thôn hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư

Đầu tư xây chợ quy mô không nhỏ, song hoạt động giao thương tại chợ lại thưa thớt; nhiều ki ốt, đình chợ bỏ hoang, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư… đó là tình trạng diễn ra ở một số địa phương trong tỉnh.

Chợ Chằm, xã Liêm Thuận (Thanh Liêm) có diện tích 6.000 m2, được xây dựng từ năm 2008 với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 6 tỷ đồng. Đây là khu chợ được xây dựng theo hai giai đoạn, trong đó giai đoạn I chủ yếu san lấp mặt bằng, xây dựng một số hạng mục, giai đoạn II xây dựng ki ốt và đình chợ.

Hiện chợ Chằm có 24 ki ốt và một đình chợ phục vụ nhân dân địa phương làm nơi trao đổi, mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động, hiệu quả khai thác của chợ Chằm rất hạn chế, nhiều ki ốt thường xuyên đóng cửa, không kinh doanh được. Khu đình chợ hầu như bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, người dân mua, bán hàng hóa thưa thớt. Trong số 24 ki ốt, xã cho tiểu thương thuê 23 ki ốt, song phần lớn các ki ốt thường xuyên đóng cửa, không buôn bán được.

Theo nhiều người dân trong xã cho biết: Hằng ngày chợ Chằm hoạt động chủ yếu vào buổi sáng nhưng số lượng người mua, bán đếm trên đầu ngón tay, khu đình chợ hầu như bỏ trống, không có người bán hàng.

Cách chợ Chằm không xa, người dân lại biến lòng đường, lề đường làm điểm kinh doanh buôn bán.

Tuy nhiên, chỉ cách chợ Chằm khoảng 500m, cũng trên địa bàn xã Liêm Thuận, xã Thanh Lưu (Thanh Liêm), người dân lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, lấn chiếm công trình giao thông làm điểm buôn bán hàng hóa tấp nập. Hàng thịt, hàng rau, đồ ăn chín, kể cả hàng quần áo lấn chiếm lòng đường chân cầu vượt đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình để buôn bán.

Bà Nguyễn Thị Hà, một người dân bán hàng rau ở đầu cầu vượt cho biết: Mang hàng hóa ra đây còn bán được, chứ vào trong chợ không có ai mua. Hằng ngày, nhất là vào buổi chiều tiện trên đường người đi qua, đi lại nhiều, họ dừng xe mua hàng hóa. Cứ thế người bán, người mua ngày càng tấp tập tạo thành chợ cóc ngay trên đường.

Còn chợ Chằm thì ngày càng thưa thớt. Nhiều lần chính quyền địa phương đã vào cuộc giải tỏa hàng quán lấn chiếm lòng đường, lề đường song chỉ được vài ngày, khi không có lực lượng chức năng túc trực, tình trạng tái lấn chiếm lại diễn ra. 

Cũng giống như chợ Chằm, tại Đặng Xá, xã Văn Xá (Kim Bảng) đầu tư 9,6 tỷ đồng xây dựng chợ Văn Xá bằng nguồn vốn ngân sách (để đạt chuẩn NTM) với quy mô có đình chợ, 20 ki ốt xung quanh, song chợ chủ yếu họp ở quy mô cấp xã, lượng hàng hóa lưu thông hằng ngày ít. Hiện tại khu chợ mới cho thuê chưa được 50% số lượng ki ốt và mới khai thác được khoảng 40% diện tích mặt bằng, còn lại bỏ hoang.

Theo chính quyền địa phương, nếu lấy chợ để nuôi chợ thì ở Văn Xá không biết bao giờ mới thu hồi được vốn, bởi xã đang cho khoán thu phí 4,7 triệu đồng/tháng mà nhà thầu còn chán, muốn bỏ do chợ to nhưng không sử dụng hết, còn nhiều ki ốt bỏ hoang không ai thuê.

Không chỉ chợ Chằm, chợ Văn Xá, chợ ở xã Tiên Tân (Duy Tiên), được xây dựng với quy mô hơn 100 ki ốt và đình chợ song hoạt động cũng rất kém hiệu quả.

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã Tiên Tân cho biết: Chợ được xây dựng bằng nguồn vốn Nhà nước và tiểu thương cùng làm. Toàn bộ phần ki ốt do tiểu thương bỏ vốn với mức 20 triệu đồng/ki ốt (có giá trị sử dụng trong 15 năm), còn lại mặt bằng chợ, đình chợ do ngân sách nhà nước đầu tư. Tuy nhiên, hiệu quả thu được từ chợ rất thấp, một năm thu phí được hơn 40 triệu đồng (tương đương với mấy chục nghìn đồng/ki ốt/tháng). Nguyên nhân, sức mua, bán của chợ hạn chế trong khi đó khu vực xung quanh lại có nhiều chợ, bà con có thể xuống ngay thành phố Phủ Lý mua hàng hóa.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, thời kỳ đầu các tiêu chí bắt buộc về cơ sở hạ tầng phải có: Chợ; nhà văn hóa trung tâm xã; nhà văn hóa ở các thôn, xóm; trường học (3 cấp) đạt chuẩn; đường giao thông; trạm y tế; hệ thống điện lưới… Tuy nhiên, có nhiều công trình chợ xây dựng với quy mô lớn ở xã này thì phù hợp, còn ở xã khác lại chưa phù hợp.

Theo tiểu thương ở một số địa phương thì việc chọn vị trí xây dựng chợ rất quan trọng. Ở một số xã nhu cầu giao thương hàng hóa của người dân rất lớn, song hoạt động mua, bán tại chợ thì thưa thớt, trong khi người dân lại biến lòng đường, lề đường làm nơi kinh doanh buôn bán. Về lâu dài để xây dựng chợ hiệu quả, cần có sự tính toán kỹ lưỡng của chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn và đặc biệt cần tham khảo ý kiến của người dân trong vùng để quy hoạch vị trí thuận lợi và có quy mô hợp lý.

Trần Hữu

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy