Gần thành phố Hà Nội, lại có nhiều tuyến quốc lộ (QL) chạy qua, dịch vụ vận tải hành khách ở Hà Nam đang chịu sức ép cạnh tranh của nhiều nhà xe trên toàn quốc.
Xe buýt 206 chạy tuyến Hà Nội – Giáp Bát của Công ty cổ phần vận tải ô tô Hà Nam.
Đón xe khách đi Hà Nội, hoặc các tỉnh trên toàn quốc ở tỉnh Hà Nam rất dễ dàng. Người dân chỉ cần ra QL 1A, QL 21 A, QL21 B, thời gian chờ đợi mất 5 – 10 phút là bắt được xe. Chính vì thế, dịch vụ vận tải hành khách trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn khi trên địa bàn có nhiều xe khách chạy qua.
Nhiều nhà xe ở Hà Nam cho biết, so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, việc kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách ở Hà Nam khó khăn nhất. Một số nhà xe có kinh nghiệm nhiều năm, chịu khó khai thác tuyến thì mới duy trì hoạt động được, còn lại những xe mới ra đời gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có những nhà xe hoạt động được vài năm đã phải bỏ nghề.
Ông Trần Trọng Toản, xã Hòa Hậu (Lý Nhân) cho hay: Trước đây, tôi đã từng đầu tư xe khách chạy tuyến Lý Nhân – Bắc Giang song được vài năm không hiệu quả đành bỏ. Thời gian đầu khảo sát tuyến, thấy có nhiều người dân ở Hà Nam làm ăn buôn bán ở Bắc Giang, nhu cầu đi lại sẽ nhiều nên có ý định mua xe phục vụ khách theo tuyến cố định. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động ngày thường mỗi chuyến chỉ đón được vài khách ở Lý Nhân đi Bắc Giang, còn lại khi ra QL, hầu như không có khách nên đành phải bán lại phương tiện.
Cũng như ông Toản, hiện nay nhiều nhà xe ở HTX dịch vụ vận tải hành khách Đồng Tâm (Bình Lục) đã phải bỏ nghề khi dịch vụ vận tải hành khách đang chịu sức ép cạnh tranh của nhiều nhà xe chạy qua tỉnh.
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Chủ nhiệm HTX vận tải hành khách Đồng Tâm cho biết: Trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây, lượng xe khách của HTX hầu như không phát triển, thậm chí có thời gian còn giảm so với trước. Nếu như năm 2016, HTX có 26 xe khách, thì hiện nay chỉ còn 20 xe. Hết năm 2019, khả năng lại có một xe nữa không hoạt động do không có khách. Ngày bình thường, một xe khách chạy tuyến Bình Lục – Hà Nội, có những chuyến chỉ đón được 5-6 khách (tính bình quân được 10 – 12 khách/chuyến), với giá vé 50 nghìn đồng/lượt, trừ chi phí tiền dầu, tiền đường, tiền lái phụ xe, khấu hao xe, thì may mắn một tháng, một xe để ra được hơn chục triệu đồng.
Hiệu quả không cao, rủi ro lại lớn, song nhiều nhà xe vẫn phải duy trì hoạt động, bởi nếu bỏ nghề thì xe bán cũng chẳng được bao nhiêu, cộng với tiền vay ngân hàng mua xe vẫn đang phải nợ. Hơn nữa, nhiều người làm vận tải hàng chục năm, giờ đây bỏ nghề không biết làm nghề gì để sống. Hiệu quả thấp, nhiều phương tiện không được tái đầu tư kịp thời, dẫn tới phương tiện cũ lại càng khó cạnh tranh.
Tại Công ty cổ phần xe khách Hà Nam đến nay xe khách chạy tuyến cố định cũng chỉ còn 10 phương tiện, chạy tuyến Hà Nam – Sơn La, Nam Định, Hà Nội... còn lại doanh nghiệp chuyển sang kinh doanh dịch vụ xe buýt.
Ông Bùi Tiến Hiệp, cán bộ kế hoạch, Công ty cổ phần vận tải ô tô Hà Nam cho biết: Công ty mới mở tuyến xe buýt TP Phủ Lý – Bến xe Yên Nghĩa (Hà Nội), song chưa có hiệu quả. Tuyến xe buýt này mang số hiệu 214 xuất phát từ Bến xe trung tâm Hà Nam đến Bến xe Yên Nghĩa (Hà Nội) và ngược lại, với tổng chiều dài 73 km do Công ty cổ phần vận tải ô tô Hà Nam phối hợp với Công ty TNHH vận tải và du lịch Bảo Châu khai thác, khởi hành từ 5 giờ sáng đến 19 giờ 30 phút hằng ngày. Trong giai đoạn 1 (6 tháng đầu), mỗi ngày có 5 xe ô tô chạy tần suất từ 30 phút – 60 phút/1 lượt, bình quân 40 lượt mỗi ngày. Giai đoạn 2, nâng công suất 10 xe ô tô với tần suất 60 lượt/1 ngày, thời gian từ 15 phút – 30 phút/lượt.
Hiện tại, ngày thường mỗi lượt xe được 4 - 5 khách, với giá vé 30 nghìn/người/lượt, thì công ty đang phải bù lỗ. Tuyến xe buýt Phủ Lý – Nam Định của doanh nghiệp hoạt động hiệu quả cũng rất thấp. Về lâu dài dịch vụ xe buýt cũng rất cần có sự quan tâm của Nhà nước để duy trì hoạt động, góp phần giảm ùn tắc giao thông và bảo đảm an toàn cho người dân tham gia giao thông.
Theo tổng hợp của Sở Giao thông vận tải Hà Nam, hiện nay trong tỉnh có các đơn vị: HTX vận tải hành khách Lý Nhân, HTX vận tải hành khách Đồng Tâm, Công ty cổ phần vận tải ô tô Hà Nam… đang kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, trong đó riêng Công ty cổ phần vận tải hành khách Hà Nam mở rộng kinh doanh dịch vụ xe buýt.
Ngoài ra, tại tỉnh Hà Nam cũng có một số doanh nghiệp dịch vụ vận tải hoạt động đối lưu. Với đặc thù là tỉnh có tuyến QL 1A, QL 21B chạy qua nên hằng ngày có rất nhiều phương tiện xe khách lưu thông qua khu vực nội thành thành phố Phủ Lý và các tuyến đường nên ngành dịch vụ vận tải hành khách ở tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn.
Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho ngành kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, thiết nghĩ trong thời gian tới, các lực lượng chức năng cần kiên quyết xử lý những phương tiện đón trả khách không đúng quy định. Đồng thời, các ngành và các HTX cần hỗ trợ xã viên trong việc khai thác tuyến, quản lý chặt chẽ xe chạy đúng tuyến, đúng giờ, kiên quyết xử lý xe dù, tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy ngành vận tải hành khách trong tỉnh phát triển.
Trần Hữu
Trần Thoan