Dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô ở tỉnh ta thời gian qua đã mang lại nhiều tiện ích cho các bậc phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, hiện nay, ở một số địa phương dịch vụ này phát triển mang tính tự phát, trong đó nhiều xe đã xuống cấp, hết hạn sử dụng nhưng vẫn hoạt động. Vì vậy, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý phương tiện, bảo đảm an toàn tính mạng cho các em học sinh đến trường - về nhà khi đi xe dịch vụ.
Ghi nhận từ dịch vụ xe ô tô đưa đón học sinh chuyên nghiệp
Hiện, dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô ở tỉnh ta đang phát triển trên địa bàn thành phố Phủ Lý và các xã: Thanh Hà, Thanh Nghị, thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm); Hòa Hậu (Lý Nhân); La Sơn, An Lão, thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục); Thanh Sơn, thị trấn Ba Sao (Kim Bảng); các phường: Tiên Ngoại, Yên Bắc, Tiên Nội, Châu Giang, Duy Minh (thị xã Duy Tiên). Hầu hết chủ xe tự hợp đồng với nhóm phụ huynh đưa đón trẻ tới trường với mức thu bình quân mỗi tháng từ 270 nghìn đồng – 300 nghìn đồng/1 học sinh. Dịch vụ này được các gia đình không có thời gian đưa con đến trường đồng thuận cao bởi chi phí phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn cho con trẻ. Riêng các nhà trường thực hiện dịch vụ có ký kết hợp đồng chặt chẽ giữa nhà trường, chủ xe, ban đại diện phụ huynh và đại diện chính quyền địa phương. Dịch vụ hoạt động mang tính chuyên nghiệp với phong cách phục vụ tận tình, chu đáo, đáp ứng được sự hài lòng của các bậc phụ huynh.
Để bảo đảm an toàn cho học sinh và phụ huynh yên tâm khi gửi con đến trường, hiện nay Trường Mầm non tư thục Hiệp Hòa (Lý Nhân) và Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (thành phố Phủ Lý) đã thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, nhà trường tự đầu tư ô tô, hợp đồng với lái xe, phụ xe đảm nhận việc đưa đón và trả học sinh ngay tại nhà hoặc điểm tập trung. Ông Trần Doãn Hinh, Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Hiệp Hòa cho biết: Toàn bộ 8 ô tô nhà trường đầu tư mới (từ năm học 2017 – 2018), lái xe được lựa chọn kỹ càng, có đạo đức và sức khỏe tốt, phương tiện luôn được bảo dưỡng, thay thế định kỳ theo quy định. Trên mỗi chuyến xe nhà trường bố trí 2 người chịu trách nhiệm kiểm đếm, rà soát và đảm nhiệm việc nhận và giao trẻ tại nhà. Chị Trần Thị Tuyến, xóm 13, thôn 5, xã Hòa Hậu cho biết: Hằng ngày, xe ô tô của trường đến từng ngõ của mỗi gia đình, phụ xe vào tận nhà để giao và nhận trẻ theo đúng cam kết. Việc làm tận tình, chu đáo đó khiến các bậc phụ huynh rất yên tâm khi gửi con đến trường.
Đối với bậc THPT, dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô phát triển đã thu hút nhiều bậc phụ huynh sử dụng. Chị Hà Thị Hồng Anh, Phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý cho biết: Từ năm học 2018 – 2019, khi con tôi vào học lớp 10 Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, gia đình đã đăng ký dịch vụ đưa đón bằng ô tô, chi phí mỗi tháng khoảng 300 nghìn đồng. Dịch vụ này được các bậc phụ huynh đồng thuận vì đã góp phần giảm áp lực về mật độ phương tiện lưu thông vào giờ tan tầm, đồng thời bảo đảm an toàn cho học sinh khi tham gia giao thông.
Có thể nói, dịch vụ ô tô đưa đón học sinh chuyên nghiệp giúp các bậc phụ huynh yên tâm về chất lượng, bảo đảm an toàn giao thông. Tuy nhiên, công tác quản lý phương tiện xe ô tô đưa đón học sinh ở một số địa phương trên địa bàn thời gian qua vẫn còn những tồn tại. Do đó, dịch vụ này cần có sự “vào cuộc” tích cực hơn của các cấp, ngành chức năng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý phương tiện trên địa bàn.
Tăng cường phối hợp kiểm soát phương tiện
Qua phản ánh của người dân ở các huyện Bình Lục, Thanh Liêm, hiện nay một số chủ xe ô tô dịch vụ đưa đón học sinh vi phạm các quy định về hết hạn đăng kiểm; hết hạn sử dụng; phương tiện khi lưu thông không khóa cửa, để trẻ đưa tay, đầu ra ngoài cửa xe. Một số xe tham gia dịch vụ đưa đón học sinh đã cũ, chủ yếu mang biển kiểm soát ở các tỉnh Nam Định, Hà Nội được tân trang vỏ xe để tạo sự tin tưởng cho mọi người. Tại Trường Tiểu học Thanh Hà (Thanh Liêm) năm nay có 7 ô tô đưa đón học sinh các loại từ 16 – 29 chỗ ngồi, có 200 học sinh tham gia dịch vụ, chiếm khoảng 25% tổng số học sinh của trường. Qua tìm hiểu, trong số các xe tham gia đưa đón học sinh trên địa bàn có 4 xe đã hết hạn đăng kiểm nhưng chủ phương tiện vẫn lưu hành.
Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Hà cho biết: Thời gian qua nhà trường thường nhắc nhở chủ xe đưa đón học sinh bảo đảm an toàn trong suốt hành trình, chống gây ùn tắc ngoài cổng trường. Nếu trời mưa, trường mở cổng cho xe vào sân để bảo đảm an toàn cho học sinh. Riêng việc ký kết hợp đồng giữa chủ xe với phụ huynh chúng tôi đề nghị phải có chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương, Ban giám hiệu nhà trường. Về chất lượng xe, để bảo đảm an toàn kỹ thuật khi lưu thông đề nghị ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Hội, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải nhấn mạnh: Xe đưa đón học sinh hết hạn đăng kiểm, quá niên hạn sử dụng mà vẫn tham gia lưu thông là rất nguy hiểm, mất an toàn. Các vi phạm này cần phải xử lý nghiêm, theo đúng quy định. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh và các nhà trường tuyên truyền về bảo đảm an toàn giao thông trên những chuyến xe đưa đón học sinh, đồng thời lập các chuyên đề thanh tra độc lập. Đối với những xe hết niên hạn sử dụng sẽ tịch thu ngay phương tiện, phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm các xe cố tình vi phạm. Đơn vị xây dựng kế hoạch và có văn bản đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học trên địa bàn rà soát lại số lượng xe đưa đón học sinh, tuyên truyền cho giáo viên, phụ huynh thực hiện ký kết hợp đồng bảo đảm an toàn theo đúng quy định của pháp luật.
Siết chặt công tác kiểm soát phương tiện đưa đón học sinh với sự tham gia tích cực của các cấp, nhất là ngành chức năng góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tạo niềm tin cho các bậc phụ huynh tham gia dịch vụ theo đúng nội dung khẩu hiệu “Đi tới trường an toàn, về đến nhà an toàn”.
Phùng Thống