Khó kiểm soát, xử lý hàng giả, hàng nhái

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã nỗ lực kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện nhiều hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra rất phổ biến và khó kiểm soát, nhất là ở thị trường nông thôn.

Đội QLTT số 3 đẩy mạnh kiểm tra thị trường hàng hóa kết hợp phổ biến quy định của pháp luật về hàng giả, hàng nhái.

Mỳ chính, bột giặt, gia vị hay các loại nhu yếu phẩm khác được sử dụng hằng ngày là những mặt hàng được bày bán nhiều nhất tại thị trường nông thôn, nhất là ở các chợ. Theo nhận định của các ngành chức năng, một số lượng không nhỏ hàng hóa này không bảo đảm chất lượng, là hàng nhái, không rõ nguồn gốc, thậm chí là hàng giả. Sở dĩ, những mặt hàng này có “đất” để tồn tại ở thị trường nông thôn là do tâm lý ưa chuộng hàng giá rẻ của người dân.

Chị Vũ Thu Hoài, xã La Sơn (Bình Lục) cho biết: Tôi đi mua hàng cũng không biết cách phân biệt thế nào là hàng thật – hàng giả. Ngay cả với các mặt hàng có nhãn hiệu phổ biến, nổi tiếng, có tên nước ngoài khó đọc, lại có hình dạng tương đối giống nhau thì cũng không thể phân biệt được. Nếu chỉ dựa vào giá cả để khẳng định chất lượng thì cũng chưa hẳn đã yên tâm. Hàng đắt chưa chắc đã là hàng chính hiệu. Vì vậy, cứ thấy chỗ nào bán rẻ là tôi mua thôi.

Qua khảo sát một số chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa trên địa bàn tỉnh, dễ dàng nhận thấy, sản phẩm được bày bán khá đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong vùng. Nhiều mặt hàng như bánh kẹo, kem đánh răng, rượu, thuốc lá, mỳ tôm, chăn, ga, giấy vệ sinh, dầu gội, quần áo, giày dép… được bày bán tràn lan với tên gọi gần giống với các thương hiệu đã được khẳng định trên thị trường như: bánh chocopai (nhái của thương hiệu chocopie); dầu gội đầu Sunsilek (nhái theo thương hiệu  Sunsilk); nước khoáng Aquafon (nhái của Aquafina); nước ngọt Tup (nhái thương hiệu 7up); nước rửa bát Sunlighter (nhái Sunlight); bột giặt Tise (nhái của Tide); chăn, ga hiệu Eveton (nhái thương hiệu Everon)… Ngoài ra, các mặt hàng “3 không” (không tem nhãn, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng) cũng xuất hiện phổ biến. Qua tìm hiểu được biết, giá bán của hàng nhái chỉ bằng 50-70% giá hàng chính hiệu nên có sức tiêu thụ khá cao trên địa bàn nông thôn.

Mỗi năm, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên địa bàn tỉnh tiến hành kiểm tra, xử lý khoảng 3.000 vụ vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, số vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ chỉ chiếm tỷ lệ chưa đến 1% tổng số vụ vi phạm được xử lý. Từ năm 2019 đến nay, lực lượng QLTT toàn tỉnh mới phát hiện, xử lý trên chục vụ hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Số liệu từ Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) cũng thể hiện rõ, bình quân mỗi năm, lực lượng cảnh sát kinh tế kiểm tra, xử lý xấp xỉ 100 vụ sản xuất, buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng số vụ hàng giả, hàng nhái bị khởi tố không nhiều và chủ yếu mới ở khâu lưu thông.

Nói về vấn đề này, ông Đinh Văn Dương, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho hay: Hoạt động kinh doanh hàng nhái, hàng giả ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng ở địa bàn nông thôn do nhận thức của người dân về pháp luật cũng như chất lượng sản phẩm còn hạn chế. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều sản phẩm làm giả, làm nhái nhưng việc xử lý lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên số vụ việc vi phạm được thống kê hằng năm chưa phản ánh được một phần nhỏ thực tế kinh doanh hàng nhái, hàng giả hiện nay. Năm 2019, cục sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường theo từng địa bàn để kịp thời kiểm tra, xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm. Mục tiêu đặt ra là 100% các vụ việc phát hiện, bắt giữ trong năm 2019 phải được xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật và kết quả phát hiện, đấu tranh, bắt giữ các vụ hàng giả, hàng nhái năm 2019 phải tăng ít nhất 5% so với năm 2018.

Những hạn chế, vướng mắc trong quá trình kiểm tra, xử lý được các lực lượng chức năng chỉ rõ như: Khi bị phát hiện, tịch thu sản phẩm làm nhái, chủ cửa hàng lại khai rằng họ không biết đó là hàng giả, hàng nhái nên mới kinh doanh. Cơ quan điều tra khi đó không chứng minh được hành vi vi phạm của đối tượng nên buộc phải tiến hành xử lý hành chính hoặc đổi tội danh. Bên cạnh đó, muốn xác định một sản phẩm nào đó là hàng giả, hàng kém chất lượng cần phải lấy mẫu để kiểm định, đối chứng và có giám định kết luận hàng giả.

Để làm được điều này, ngoài vấn đề thời gian, kinh phí, còn phải có sự hợp tác từ phía doanh nghiệp có hàng hóa bị xâm phạm. Thế nhưng, hầu hết các doanh nghiệp có hàng hóa bị xâm phạm lại thiếu quan tâm, thậm chí từ chối phối hợp trong quá trình điều tra, đấu tranh và xử lý vi phạm để bảo vệ thương hiệu của mình. Ngoài ra, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái còn chồng chéo, trùng lặp khiến cơ quan thực thi lúng túng trong việc xử lý hành vi vi phạm…

Như vậy, trong công cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng còn rất cần sự vào cuộc của chính người tiêu dùng và doanh nghiệp là chủ sở hữu thương hiệu. Khi mua sản phẩm, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ thông tin về hàng hóa và thông tin đến cơ quan nhà nước để kiểm tra, xử lý khi phát hiện, nghi ngờ mua phải hàng giả, hàng nhái. Các doanh nghiệp cần khiếu nại, chủ động phối hợp với cơ quan điều tra khi phát hiện sản phẩm của mình bị xâm phạm. Cùng với đó, cần đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, có kênh phân phối sản phẩm chất lượng tốt tới tận tay người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, miền núi…

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy